ClockThứ Ba, 25/09/2018 13:15

Chấn chỉnh lạm thu trong trường học

TTH - Sau mỗi kỳ khai giảng năm học mới, chuyện lạm thu trong nhà trường lại trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận. Tình trạng lạm thu thường ở dưới hình thức “tự nguyện” nhưng phụ huynh không thể không đóng góp.

Chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học

Đầu tư cơ sở vật chất cho trường học là cần thiết nhưng tránh cào bằng (ảnh minh họa)

Mới đây, câu chuyện Trường tiểu học Quang Trung (TP. Huế) thu tiền của 112 học sinh xin học trái tuyến với số tiền trên 300 triệu đồng khiến dư luận không đồng tình. Dẫu phụ huynh đều có đơn tự nguyện đóng góp, nhưng việc làm của nhà trường vẫn sai quy định. Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế đã vào cuộc, yêu cầu nhà trường trả lại tiền cho phụ huynh.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài học phí trong quy định, nhà trường có thu hộ các khoản bảo hiểm y tế, phí Đoàn, Đội... Những khoản thu được phép như: tiền ăn bán trú, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú, tiền mua học phẩm đối với trẻ mầm non, tiền vệ sinh, tiền nước uống tinh khiết, tiền đồng phục học sinh, phù hiệu trường, thẻ học sinh... Những khoản thu này phải thực hiện trên nguyên tắc thỏa thuận giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, thu đủ chi và phải minh bạch, công khai.

Trên thực tế, một số cơ sở giáo dục công lập đã thu nhiều khoản sai so với quy định. Các khoản thu tự nguyện là để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp. Tuy nhiên, nhiều trường đang nhập nhằng giữa lạm thu và xã hội hóa giáo dục. Đây là lý do dẫn tới tình trạng một số trường, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện chưa đúng quy định; huy động từ nguồn xã hội hóa vẫn trong tình trạng nhà trường áp đặt, cào bằng với phụ huynh. Trong khi, tự nguyện cũng có nghĩa là khả năng có bao nhiêu góp bấy nhiêu, không có sự ép buộc, thậm chí, chỉ cần góp sức.

Niềm vui ngày khai trường ở Trường tiểu học Quảng Phú 1 (Quảng Điền) - Ảnh mang tính minh họa

Chị Nguyễn Thị Lan, phụ huynh có con học tiểu học ở một trường trong thành phố thẳng thắn: “Nhà trường kêu gọi mua ti vi cho các cháu xem, làm mái hiên kẻo cháu đi học mưa ướt với số tiền lên đến vài chục triệu đồng. Cứ tính bình quân mỗi phụ huynh phải đóng thêm 700.000 đến 800.000 đồng. Tại sao lại phải cào bằng, tôi muốn đóng nhiều hơn nhưng phụ huynh khác có thể đóng ít hơn khi họ khó khăn. Lâu nay, huy động theo kiểu cào bằng gây ức chế cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện”.

Khoản lạm thu phổ biến trong một số nhà trường hiện nay là thu để xây dựng các hạng mục trong trường. Xét cho cùng, trong điều kiện nguồn lực Nhà nước cho giáo dục còn hạn hẹp, nếu không có các nguồn xã hội hóa sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, các khoản thu kêu gọi xã hội hóa và tài trợ, nhà trường cũng cần sự ủng hộ của hội phụ huynh tùy mức độ khả năng của từng gia đình. Nhà trường phải công khai minh bạch các khoản thu này. Đây có thể xem như một khoản ngân sách, cần thực hiện đúng theo các quy định của luật, như xây dựng, đấu thầu, mua sắm...

Một khía cạnh khác, những trường điều kiện cơ sở vật chất đang xuống cấp, không bảo đảm cho việc học tập của học sinh cũng cần được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Các ngành liên quan cần lên danh sách các trường có đề xuất, đánh giá chính xác tình hình thực tế theo từng hạng mục để có phương án hỗ trợ phù hợp, như nâng cấp toàn bộ hay một phần hoặc đầu tư xây mới... Công tác tuyên truyền, xã hội hóa giáo dục thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp đầu tư kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn cần được đẩy mạnh.

Thực tế cho thấy, không ít cơ sở giáo dục đã phát huy hiệu quả khi biết huy động được nguồn lực từ cộng đồng trong việc nâng cấp cơ sở vật chất, tạo môi trường học tập an toàn, chất lượng cho học sinh. Không phải lúc nào cũng cần huy động nguồn lực từ tài chính. Hình ảnh những phụ huynh ở các huyện Nam Đông tình nguyện nấu ăn buổi trưa cho học trò cấp 1 khi trường không có kinh phí trả lương cho cấp dưỡng mãi là hình ảnh đẹp. Hay, ngay trên địa bàn TP. Huế, một thư viện có quy mô trong trường học được hình thành khi chính phụ huynh là những người chăm chút đóng góp từng cuốn sách để hình thành văn hóa đọc cho các em.

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng lạm thu không thể không đề cập đến vai trò và trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban đại diện phải gồm những người tâm huyết, luôn vì quyền lợi của học sinh, xem trọng chất lượng giáo dục, chứ không phải chú trọng tăng thêm số lượng các khoản thu để phát triển các hoạt động bề nổi, mang tính hình thức. Trong Thông tư 55 quy định, ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền từ chối những gợi ý, kêu gọi các khoản đóng góp không phù hợp.

Chấn chỉnh tình trạng lạm thu một cách cương quyết, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP. Huế tiếp tục chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các khoản thu đầu năm học 2018 - 2019 theo đúng các quy định hiện hành. Các trường học phải phổ biến, thông báo đầy đủ, đúng và công khai minh bạch tới toàn thể học sinh và phụ huynh học sinh các khoản thu bắt buộc, thỏa thuận, tự nguyện, mức thu sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để biết và thực hiện. Các khoản đóng góp tự nguyện phải đảm bảo đúng tính chất tự nguyện của người dân, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính chất cào bằng, áp đặt. Đặc biệt, sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là các trường học có tỷ lệ học sinh ngoại tuyến cao để phát hiện kịp thời các sai phạm và xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục thực hiện các khoản thu không đúng quy định và thông báo công khai trước công luận.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dân vũ cần được phát huy trong trường học

Dân vũ là một hoạt động tập thể lành mạnh, mang tính văn hóa sâu sắc. Đây là loại hình nghệ thuật có sự lan tỏa rộng và kết nối nhanh, rất thích hợp với phong trào thanh niên trường học.

Dân vũ cần được phát huy trong trường học
Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học

Chiều 18/1, tại Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Công an tỉnh tổ chức chương trình ngoại khóa tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Tuyên truyền về quản lý, sử dụng vật liệu nổ, pháo trong trường học
Hướng dẫn kỹ năng công tác xã hội trường học

Từ ngày 17 đến 19/1, tại tỉnh Sơn La, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn kỹ năng công tác xã hội trường học. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 350 điểm cầu trên toàn quốc. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại hội trường Sở GD&ĐT.

Hướng dẫn kỹ năng công tác xã hội trường học
Chấn chỉnh hoạt động dịch vụ tại di tích

Sau “lùm xùm” việc đoàn du khách vào dâng hương trong Thế Miếu, Đại Nội Huế vừa qua (8/12), đại diện đoàn khách sau đó đã có buổi làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và xin lỗi vì những rắc rối mà đoàn gây ra; đồng thời, gỡ các video gây xôn xao dư luận. Về phía Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng xem đây là bài học để rút kinh nghiệm và chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ của mình.

Chấn chỉnh hoạt động dịch vụ tại di tích

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top