ClockThứ Ba, 31/01/2012 04:54

Chân Mây - Lăng Cô: “Thành phố xanh” tương lai

TTH -  Đến bây giờ, Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô (CM-LC) đã hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Đây là kết quả tất yếu của vùng đất có nhiều tiềm năng lợi thế cũng như từ những nỗ lực trong hoạt động xúc tiến đầu tư của lãnh đạo tỉnh, tiên quyết đưa CM-LC trở thành "thành phố xanh", như Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch đến năm 2025...


Vịnh Chân Mây Lăng Cô - ảnh từ internet

Mới đây có dịp theo ông Nguyễn Ngọc Thiện - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy về thăm Khu kinh tế CM-LC, tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay vượt bật của vùng đất này. Dừng chân bên tuyến đường đang thi công ra cảng Chân Mây, tôi không còn nghĩ CM-LC vốn là những làng quê nghèo khó hiu quạnh với những bãi cát vàng, cát trắng mênh mông và những vạt đồi sim mua, hoa dại. Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng phòng Quy hoạch Xây dựng Khu kinh tế CM-LC cho biết, mấy năm gần đây, CM-LC đã và đang tập trung triển khai hàng loạt dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, đường sá giao thông để tạo những bước “đột phá” hướng về tương lai trở thành một trung tâm kinh tế lớn và hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế; là đô thị có các ngành công nghiệp sạch và công nghệ kỹ thuật cao... 

Trước đây, CM-LC vẫn phát triển tự phát, còn bây giờ CM-LC trở thành một khối được ghép nối theo quy hoạch thống nhất, gồm 4 khu chính. Đó là khu cảng với diện tích gần 700ha; khu công nghiệp - khu phi thuế quan 1.600 ha; khu đô thị Chân Mây và khu công nghệ cao 3.500ha; khu du lịch 2.500ha. Để tôn trọng không gian trong tương lai, các khu được tỉnh, các bộ, ngành Trung ương đồng ý thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch chi tiết. Hiện tại, khu vực cảng được quy hoạch chi tiết, gồm 10 bến cảng; trong đó, có hai cảng chuyên dụng và các thiết chế liên quan với nhiều khách sạn, nhà hàng khu vui chơi giải trí... nằm trên đất liền và trên diện tích mặt nước. Khu đô thị Chân Mây cũng được xem là khu trung tâm đang lập quy hoạch chi tiết dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2011. Nơi đây sẽ mang tính chất là một đô thị cảng trong tương lai, bao gồm các khu nhà ở, khu du lịch, dịch vụ bao gồm các công viên-risort nằm dọc các triền sông, và trên cù lao giữa sông Bù Lu bỏ phí lâu nay hiện hữu những công trình văn hoá thể thao. Các khu du lịch sinh thái từ Cù Dù - một vùng quê nằm giữa thung lũng xanh bên cạnh cảng Chân Mây, chung quanh bao bọc bởi dãy núi đá ôm lấy biển đông, đến thị trấn Lăng Cô lượn lờ qua chân đèo Hải Vân, đầm Lập An...
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ động thổ xây dựng khu công nghiệp và khu phi thuế quan tại Khu kinh tế CM-LC

Không những thế, theo những quy hoạch hiện có và hướng đến tương lai, nơi đây sẽ trở thành “thành phố” du lịch xanh có một không hai trên đất nước hình chữ S này. QL1A hiện nay sẽ chuyển hướng đi theo ven đường Lập An; còn con đường cũ trở thành tuyến nội thị - con đường du lịch. Chưa hết, để giảm thiểu tiếng ồn, khí thải, đã có quy hoạch xây dựng các tuyến xe chạy bằng điện phục vụ khách du lịch. Trong “thành phố” này sẽ được xây dựng tuyến xe điện chạy quanh khu du lịch Lăng Cô, có trạm đón khách. Trên cao có cáp treo nối từ núi tây nam đầm Lập An đến đỉnh đèo Phú Gia phục vụ du khách “ngao du” giữa đất trời. Ngay trung tâm CM-LC hiện nay, bên cạnh hệ thống đường giao thông đi vào các khu đô thị, khu cảng, sắp đến sẽ có thêm những con đường phục vụ vận chuyển hàng hoá như: mở thêm tuyến đường biển cảng Chân Mây; đường sắt từ Chân Mây đến ga Lăng Cô; tuyến đường bộ rộng hơn 50 mét nối với đường cao tốc Bắc Nam cách CM-LC khoảng 25 cây số. Hai đèo Phú Gia, Phước Tượng đã được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quyết định làm tuyến xuyên hầm, bắt đầu thi công vào năm 2012. Theo ông Lê Văn Tuệ, những quy hoạch, những dự án trên nằm trong “thì tương lai” đến năm 2025 mới nên vóc nên hình, khi đó CM-LC không còn gọi là cái tên Khu kinh tế mà sẽ trở thành đô thị xanh đúng nghĩa. Với thế mạnh vốn có và những gì đang hiện hữu ở Khu kinh tế CM-LC, cùng với sự quan tâm ưu ái của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chắc chắn những định hướng sẽ thành hiện thực.
 
Còn nhớ mấy năm trước, Chân Mây là vùng đất “heo hút” thì trong vòng 3 năm gần đây kể từ ngày thành lập, nơi đây trở thành đại công trường. Mọi cố gắng về nhân tài, vật lực đều được dồn sức hoàn thiện hệ thống đường sá, cầu cống tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai nhiều dự án lớn phát triển du lịch, công nghiệp. Ngay ở những triền đồi cát bay, cát nhảy ở xã Lộc Vĩnh trước đây, giờ được quy hoạch thành khu công nghiệp, khu nhà ở khang trang và hệ thống đường giao thông ngang dọc nối với các vùng lân cận... Tại đây, đã có Kho cảng xăng dầu sức chứa 50 nghìn3, của Tập đoàn dầu khí Việt Nam đi vào hoạt động ổn định; Công ty CP Đầu tư Sài Gòn-Huế, một thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) đang xây dựng dự án hạ tầng Khu công nghiệp với tổng vốn 1.279 tỷ đồng và 100 nghìn m2 nhà xưởng với kinh phí gần 400 tỷ đồng... Xa về phía đông bắc xã Lộc Vĩnh là dự án du lịch Laguna-Huế của tập đoàn BayanTree mang tầm quốc tế với vốn đầu tư 875 triệu USD trên diện tích 300ha. Vào cuối năm 2014, dự án này sẽ hoàn thiện, với 7 khu khách sạn cao cấp có 2.000 phòng, hơn 1.000 căn hộ cao cấp, khu spa, khu mua sắm, trung tâm hội nghị quốc tế, sân gôn, các địa điểm giải trí, cùng nhiều hạng mục khác để phát triển du lịch vùng vịnh đẹp Thế giới Lăng Cô.
 

Đến cuối năm 2011 đã có 35 dự án về du lịch, dịch vụ, công nghiệp…đã và đang đầu tư vào Khu kinh tế CM-LC, với tổng vốn hơn 37.485 tỷ đồng. Trong đó, có 25 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 16.500 tỷ đồng; 10 dự án nước ngoài với tổng vốn hơn 1,3 tỷ USD. 

 

Khu kinh tế CM-LC được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2006 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2025 tại Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 5/12/2008, là một trong 15 khu kinh tế ven biển của cả nước, Khu kinh tế CM-LC với diện tích 27.100 ha, bao gồm từ chân núi Bạch Mã đến chân đèo Bắc Hải Vân, gồm ba xã Lộc Thuỷ, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc). Từ khi Khu kinh tế CM-LC ra đời đến nay, huyện Phú Lộc đã dịch chuyển cơ cấu ngành nghề rõ nét. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch tăng, lao động trong sản xuất nông nghiệp giảm xuống. Theo điều tra, dự báo từ BQL Khu kinh tế CM-LC, đến năm 2015 sẽ cần khoảng 24.724 lao động vào làm việc; trong đó dự án du lịch Laguna Huế sẽ hút gần 2000 lao động; công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Huế khoảng hơn 11.000 lao động... và định hướng đến năm 2020 sẽ cần 70.170 lao động qua đào tạo từ trung cấp đến đại học và trên đại học.

 
 

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top