ClockThứ Tư, 23/11/2016 13:31

Chẳng lẽ khó đến thế?

TTH - Thấy mấy bạn trẻ lấp ló ngoài cửa, tôi đoán ngay: Sinh viên thực tập. Quả không sai, mà cũng chẳng phải tài thánh gì, chẳng qua là năm nào cơ quan tôi cũng phải làm cái “nhiệm vụ” ấy, và hầu như bao giờ tôi cũng được đặc ân phải đón tiếp những vị khách ấy, nên... quen mắt.

Mà rất lạ, cuối năm là lúc cơ quan việc bù đầu bù óc. Việc chuyên môn đã “chết xác”, lại còn các sự vụ tổng kết, xếp loại, báo cáo các loại... Nói chung là búi! Vậy mà lại còn phải tiếp nhận sinh viên thực tập. Mà đã tiếp nhận thì phải sắp xếp, hướng dẫn, quản lý, nhận xét, xác nhận... Rất phiền! Nhưng thả thì không nỡ. Các em cũng như con em mình vậy thôi. Úp mặt quay lưng thì các em biết đi đâu? Không có điểm thực tập thì làm sao tốt nghiệp. Vậy là đành bấm bụng nhận, “chia” về các bộ phận. Các bộ phận chắc là cũng cực chẳng đã, nhưng “bị” lãnh đạo phân công, không thể lắc đầu.

Nhìn các em khép nép vào ra, lại bâng quơ nhớ thời sinh viên xa lắc. Hồi ấy, chúng tôi cũng trẻ, cũng lơ ngơ như các em bây giờ. Năm hai, năm ba đều có đi thực tập. Nhưng nghe thực tập là cực kỳ háo hức, ngóng đợi, chứ không thấp thỏm, hồi hộp như không ít em bây giờ. Ấy là bởi thế hệ chúng tôi, mỗi lần thực tập bao giờ cũng được trường, khoa phân công giáo viên tiền trạm trước cả tháng hoặc vài tháng. Quý thầy cô đến làm việc với cơ sở, đặt vấn đề về công việc, những yêu cầu đặt ra, trách nhiệm của nhà trường như thế nào, đề nghị sự phối hợp, giúp đỡ của lãnh đạo đơn vị nơi sinh viên sẽ đến thực tập ra sao... Đâu vào đó, đến ngày lên đường, giáo viên còn đi kèm đến tận nơi thưa gửi, có khoa như khoa Ngữ văn Đại học tổng hợp Huế của chúng tôi còn phân công giáo viên theo sát để hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên cho đến lúc đợt thực tập kết thúc. Chính vì thế, sinh viên lên đường thực tập rất tự tin, rất hào hứng. Và các đợt thực tập bao giờ cũng lưu lại những ký ức đẹp không những đối với sinh viên mà kể cả với cán bộ, nhân viên, lãnh đạo những đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tập.

Còn bây giờ, sinh viên đi thực tập gần như tự bơi. Nhà trường phát cho mỗi cái giấy giới thiệu “trắng”, tự đi mà liên hệ, đơn vị nào tiếp nhận thì cứ thế mà “điền vào chỗ trống”. Các đơn vị tiếp nhận thực tập đôi lúc cũng cảm thấy ức chế ghê gớm, cứ như thử đó là trách nhiệm của anh, anh “lo” mà nhận, mà hướng dẫn (?!!) Xui xẻo gặp những cơ quan, đơn vị khó tính, sinh viên chỉ có nước... chết.

Có thể không nhất thiết phải như ngày xưa, bởi nhà trường bây giờ lắm lớp và loạn loạn sinh viên, không thể lo xuể. Nhưng chẳng lẽ, một cuộc làm  việc chính thức, sau đó có ký thỏa thuận hợp tác đàng hoàng giữa nhà trường với các cơ quan, đơn vị thường xuyên phải tiếp nhận sinh viên thực tập lại khó đến mức nhà trường không thể sắp xếp, chủ động để tạo điều kiện cho sinh viên của mình?

Hàn Yên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Return to top