ClockThứ Năm, 30/06/2011 05:39

Chật nhà, không chật chi bụng

TTH - Tôi đã quên đi rất nhiều điều để cứ đọng lại và rồi nhớ mãi câu nói mới đây của một nông dân ở thôn Lại Thế, Phú Vang. Tháng bảy, mùa thi đến cũng là lúc ông cùng gia đình chuẩn bị dọn dẹp lại nhà cửa để tiếp đón những học sinh ở xa về Huế ứng thí vào các trường đại học mà chẳng hề nghĩ chi nhiều đến chuyện tiền nong. Ông lăng xăng, thấy lạ, có người đặt câu hỏi, ông thật thà, chơn chất: “Tui coi như con cháu mình đi thi thôi, chật nhà chứ chật chi bụng”. Tôi cũng biết, riêng người nông dân kia hằng năm đã chuẩn bị cả chục chỗ trọ miễn phí ngay tại nhà mình cho các thí sinh.

Câu chuyện cũng khiến tôi nhớ lại dạo đất nước còn rất khó khăn, tôi là cậu học trò nghèo đường xa ở quê lên Huế học. Buổi sáng mùa đông bao giờ mẹ tôi cũng dậy thật sớm. Nhà nghèo, trong khi tôi căm cụi soát xét lại bài vở thì mẹ đã tranh thủ, cặm cụi nấu nồi cơm nóng. Mẹ bảo, cố ăn một chén cơm cho ấm bụng mà học cho yên lòng. Và trong thời điểm tranh tối tranh sáng đó của buổi bình minh ngày đông giá, mẹ đã ngồi chăm cho tôi từng hạt cơm. Những bữa cơm đạm bạc và đơn sơ nhưng ấm áp nghĩa tình của mẹ khiến tôi cứ nhớ mãi trong suốt cả cuộc đời mình. Tôi đã nghĩ đến câu chuyện đến sự giao cảm và tương đồng trong câu chuyện bữa cơm sáng ngày xưa bên mẹ của mình với nỗi niềm của những người bạn trẻ trong căn nhà ở phương xa nhưng ấm áp nghĩa tình và không hề xa lạ hôm nay.


Vừa xuống Ga Huế là được các tình nguyện viên tư vấn nhà trọ. Ảnh: Internet
Huế mình được mệnh danh là đất học. Không ít gia đình thuộc dòng tộc khoa bảng, đỗ đạt có tiếng tăm, từng làm quan to trong triều đình đã để lại cái lớn nhất cho các thế hệ sau là cái nếp chăm học, ham học và cố thi thố đỗ đạt. Cũng đã có biết bao gia đình nông dân thuần nông nuôi dạy con cái thành đạt đem vinh quang về cho gia đình, dòng họ. Cái sở học không dừng lại ở trong một đẳng cấp mà phổ biến trong mọi tầng lớp nhân dân nên xứ Huế đã trở thành đất học. Hình ảnh sỹ tử, cậu học trò dùi mài kinh sử, mục đồng đọc sách trên lưng trâu không lạ lắm trong mỗi người dân Huế đã nói lên rằng vốn văn hóa gia đình ở Huế có cái gốc từ sự hiếu học. Và có lẽ, cũng vì hiếu học, trân trọng và kỳ vọng vào chuyện học hành mà người Huế dễ có sự đồng cảm. Những chỗ trọ hay bữa ăn miễn phí dành cho sĩ tử nghèo từ nơi xa đến như một nét mới, đáng trân trọng, những không quá xa lạ mà là sự kế thừa một truyền thống đẹp.
Đã đi vào tiềm thức của bao người câu ca một thuở “Học trò trong Quảng ra thi. Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Tôi lại có thêm một cảm nhận mới. Bước chân dùng dằng của “chàng học trò xứ Quảng” kia không chỉ do tình yêu, từ dáng ngọc của người thương là em gái Huế mà hơn thế, còn bởi sự cưu mang, nghĩa tình sâu nặng của những bậc làm mẹ làm cha ở xứ Huế luôn tìm thấy bóng dáng con cái mình ở những cô, những cậu học trò nghèo từ xa tới để hành thiện với ý nghĩa “chật nhà, không chật chi bụng”.
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top