ClockThứ Hai, 13/08/2018 21:59
PHIÊN HỌP THỨ 26 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI:

Chất vấn thẳng thắn, giải trình có trách nhiệm

TTH - Ngày 13/8, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Chí Tài cùng đại diện các sở, ban, ngành tham dự.

Liệu có rút ngắn được khoảng cách đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng?Rà soát, không để phát sinh giấy phép con trong dự án Luật Trồng trọtKhai mạc Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế. Ảnh: Anh Phong

Quan tâm đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn

Buổi sáng, có 33 ý kiến chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến. Các đại biểu thẳng thắn nêu câu hỏi mang tính xây dựng, có trao đổi, tranh luận. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng các thành viên Chính phủ đã trả lời, giải trình đầy đủ ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Quốc hội, Chính phủ ban hành và thực hiện nhiều chính sách nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, để thực hiện tinh thần của Hiến pháp là phát triển toàn diện, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số cùng phát triển với đất nước. Các chính sách bao phủ hầu hết lĩnh vực đời sống, nhưng vì nhiều lý do nên việc thực hiện và cân đối nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trước đó, phát biểu giải trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, trong chỉ đạo điều hành Chính phủ xây dựng và ban hành nhiều cơ chế chính sách, nỗ lực chỉ đạo triển khai thực hiện 116 chính sách hiện hành về dân tộc thiểu số và miền núi đã bao phủ hết mọi lĩnh vực. Việc thực hiện các chính sách đã cải thiện đáng kể về hạ tầng, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân; bộ mặt miền núi có nhiều đổi mới.

Phó Thủ tướng cho biết, để phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số, miền núi, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể là, chỉ đạo quyết liệt thực hiện mục tiêu đề ra về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững cùng các chương trình dự án khác; ưu tiên bố trí ngân sách, xây dựng và triển khai đề án tập trung cho thôn bản khó khăn ở 35 tỉnh; chỉ đạo bộ, ngành, trình cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách ở mức cao nhất; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội… Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo; thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo, tiền; đầu tư phát triển hệ thống y tế; đào tạo nhân lực y tế để chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, gắn mục tiêu phát triển bền vững...

Nhiều giải pháp được Bộ Công an đề ra

Mở đầu phiên chất vấn buổi chiều, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhận được ý kiến của 32 đại biểu đăng ký chất vấn. Về ý kiến chất vấn việc cơ quan chức năng cấp 500 biển xanh (xe 80) cho doanh nghiệp và các tổ chức, Thượng tướng Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an đã chủ động phát hiện một số biển số xe cấp sai quy định và đến nay đã thu hồi gần như toàn bộ; còn 20 biển số xe chưa thu hồi được vì đơn vị giải tán hoặc xe hết thời hạn sử dụng. Lực lượng chức năng đang tiếp tục truy tìm. Bộ Công an đã xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến sự việc này. Hiện việc cấp biển số xe thực hiện đúng quy định Luật Giao thông đường bộ.

Về nội dung chất vấn đánh giá các vụ xâm hại trẻ em, tại sao khi báo chí vào cuộc các vụ việc mới được xử lý rốt ráo, Bộ trưởng Tô Lâm trả lời, đây là vấn đề rất phức tạp. Sáu tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 721 vụ xâm hại trẻ em. Nạn nhân chủ yếu là các cháu gái chiếm 80%, gây bức xúc trong xã hội. Việc xử lý chưa kịp thời có những tồn tại, khó khăn khác nhau. Giải pháp sắp tới là chỉ đạo công an các địa phương tham mưu các cấp ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng các chuyên đề đấu tranh tội phạm xâm hại trẻ em trên tinh thần chung tất cả các vụ việc đều được xem xét, xử lý.

Trước ý kiến về tình trạng cướp giật hết sức manh động, dã man, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, số lượng các vụ án cướp của, giết người chiếm 20% trên tổng số các vụ án xảy ra trên toàn quốc; trong đó, TP. Hồ Chí Minh đứng đầu. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương triển khai đấu tranh với loại tội phạm này. Giải pháp trong thời gian tới là tiếp tục tham mưu, phát huy sức mạnh tổng hợp để đấu tranh; làm tốt công tác quản lý các đối tượng; tăng cường tuần tra, mật phục khép kín địa bàn; tăng cường triệt phá các đối tượng phạm tội.

Ý kiến của một số ĐBQH cho rằng, thời gian qua một số tướng lĩnh, sĩ quan trực thuộc Bộ Công an đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có liên quan đến một số đối tượng ngoài xã hội, dân rất bức xúc. Liệu có còn để ra xảy ra sai phạm theo kiểu như Vũ “nhôm” nữa hay không và giải pháp trong thời gian tới của bộ? Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an đã khởi tố, điều tra, đưa ra xử lý một số tướng lĩnh, sĩ quan liên quan. Đây là bài học rất lớn trong công tác tổ chức cán bộ. Bộ đã rà soát, chấn chỉnh và chắc chắn sẽ không còn tình trạng lợi dụng để có hoạt động tội phạm như vậy; không để xảy ra vụ việc tương tự Vũ “nhôm”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tô Lâm cũng trả lời về các vụ việc tham nhũng vừa qua, những giải pháp tối ưu để giải quyết tình trạng tội phạm về ma túy, nhất là những vụ ma túy lớn…

Cũng trong phiên chất vấn chiều 13/8, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng VKSND Tối cao; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Bộ Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Bài, ảnh: Thái Sơn - Anh Phong 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 7, HĐND TỈNH KHÓA VIII:
Nỗ lực, quyết tâm cao để về đích thắng lợi

Ngày 8/12, sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp lần thứ 7 của HĐND tỉnh khóa VIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và diễn ra phiên bế mạc.

Nỗ lực, quyết tâm cao để về đích thắng lợi
Return to top