ClockThứ Ba, 24/01/2017 06:38

Châu Âu năm 2017: Nhiều thách thức

TTH - Sau một năm đầy khó khăn và thử thách, năm 2017, châu Âu được dự báo sẽ có một số điểm nổi bật, nhưng vẫn phải đối mặt với những chông gai, song song cùng hy vọng với những cuộc bầu cử, những chính sách cải tổ.

Bất chấp nhiều thách thức, người dân châu Âu lạc quan đón chào năm mới 2017 ở thành phố Brussels, Bỉ . Ảnh: EPA

Một năm đầy sóng gió

Năm 2016, khủng bố tiếp tục là mối đe doạ nguy hiểm đối với thế giới, đặc biệt ở châu Âu, điển hình là các vụ tấn công kiểu “sói đơn độc”. Trong đó phải kể đến vụ tấn công bằng xe tải ở thành phố Nice (Pháp) vào đêm 14/7, làm 86 dân thường thiệt mạng và 434 người khác bị thương; hay vụ khủng bố tại khu chợ Giáng Sinh ở thủ đô Berlin (Đức) đêm 19/12, khiến 12 người tử vong và ít nhất 48 người bị thương. Những kẻ khủng bố cực đoan liều lĩnh tấn công vào các đối tượng thuộc mọi tầng lớp, giới tính và lứa tuổi.

Ngoài những nguy cơ tấn công khủng bố, Brexit có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất, khi đa số cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6. Ngay sau đó, cựu Thủ tướng Anh David Cameron quyết định từ chức và bà Theresa May lên thay thế. Sự kiện gây chấn động trên toàn EU, liên minh vốn được xem là tượng đài của sự vững mạnh trên thế giới. Khi nhân tố quan trọng rút khỏi khối, EU phải đối mặt với nguy cơ bất ổn về cả kinh tế, chính trị và an ninh. Tác động của Brexit không chỉ hiện hữu trong biên giới Anh, mà thậm chí còn làm dấy lên hiệu ứng domino rời bỏ EU ở một số nước trong khu vực.

Trong một tuyên bố mới nhất hôm 16/1, Giám đốc điều hành Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) Klaus Regling nhận định, quyết định rời khỏi EU của Anh sẽ ảnh hưởng lớn hơn đối với Vương quốc Anh, so với phần còn lại của châu Âu, trong khi bất ổn chính trị và kinh tế vẫn gia tăng trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, điểm sáng hiếm hoi trong viễn cảnh ảm đạm của nước Anh 2016 chính là kinh tế. Dù có nhiều dự đoán rằng, nền kinh tế của London sẽ khó tránh khỏi suy thoái, thực tế lại cho thấy kinh tế Anh chứng kiến những dấu hiệu khởi sắc bởi tiêu dùng mạnh, cải thiện lớn về sản xuất công nghiệp và đầu tư kinh doanh. Cụ thể là, 6 tháng hậu Brexit, sản xuất và dịch vụ của Anh duy trì ổn định, doanh thu bán lẻ tăng, thị trường việc làm phục hồi và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong vòng 11 năm trở lại đây.

Tân Tổng Thư ký LHQ António Guterres. Ảnh: UN

Một vấn đề khiến châu Âu không khỏi bất an trong năm vừa qua là sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy, gây ra một loạt cơn địa chấn làm rung chuyển các nước phương Tây. Brexit có lẽ cũng là minh chứng điển hình nhất cho vấn đề này.

Mãi đến tháng 12 vừa qua, châu Âu vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, khi Thủ tướng Italy Matteo Renzi quyết định từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp. Tiếp đó, vấn đề dai dẳng, tiếp tục gây nhức nhối bên trong châu Âu không gì khác chính là cuộc khủng hoảng người di cư. Dù bùng phát từ tận 2 năm trước, nhưng tới thời điểm hiện nay, cuộc khủng hoảng vẫn được xem là một trong những vấn đề gai góc nhất mà EU đang phải đối mặt.

Dẫu dòng nhập cư vào châu Âu năm 2016 có phần giảm so với năm 2015, những tác động và hệ lụy sâu sắc của làn sóng này đối với đời sống kinh tế xã hội châu Âu đang tiếp tục đặt ra nhiều thử thách cho giới lãnh đạo EU.

Thách thức và kỳ vọng trong năm 2017

Sau nhiều biến động trong năm 2016, các nhà phân tích dự báo rằng, năm 2017 vẫn sẽ là một năm nhiều thách thức đối với các quốc gia châu Âu. Châu Âu sẽ chứng kiến 3 cuộc bầu cử quan trọng nhất tại Hà Lan, Pháp và Đức - đại diện cho 56% nền kinh tế châu Âu, với kết quả có thể tạo ra những biến chuyển lớn trong cục diện chính trường châu lục.

Cảnh sát kiểm tra an ninh ở lối vào Quảng trường De Brouckere, Bỉ trước thềm lễ bắn pháo hoa mừng năm mới 2017. Ảnh: AFP

Theo nhận định, cuộc bầu cử ngày 15/3 tới ở Hà Lan có thể là dấu hiệu báo trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cực hữu trên toàn châu Âu, nếu ứng cử viên đảng Tự do (PVV) Geert Wilders - người hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò với tư tưởng bài Hồi giáo và từng tuyên bố sẽ đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo, giành chiến thắng trước các đảng còn lại.

Chính trường Pháp cũng đang “nóng” lên với cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 4-5/2017. Trong cuộc đua của đại diện các đảng phái, nổi bật có ứng viên cánh hữu François Fillon với chủ trương thân thiện với Nga, cải cách toàn bộ nền kinh tế Pháp, và ứng cử viên đảng Mặt trận Quốc gia (FN), bà Marine Le Pen - người có tư tưởng bài ngoại và chống châu Âu. Người dân Pháp do đó, đang rất quan tâm đến cuộc bầu cử bởi đảng nào cầm quyền, người nào lãnh đạo đất nước sẽ quyết định đến những chính sách rất khác, tác động lớn đến quốc gia và khu vực.

Trong khi đó, cuộc bầu cử ở Đức (tháng 9 hoặc tháng 10/2017) được cho là ít kịch tính hơn khi một trong những nhà lãnh đạo quyền lực và có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại châu Âu Angela Merkel được cho có khả năng cao sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ 4. Tuy nhiên, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy ngày một gia tăng, bà Merkel và Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cũng có thể chịu thất bại vì những hệ lụy từ chính sách mở cửa với người nhập cư. Trong trường hợp đó, kết quả này sẽ là một đòn lớn giáng vào EU, ABCNews dẫn lời các nhà phân tích nhận định.

Cũng trong năm nay, nước Anh chính thức bước vào giai đoạn tiến hành đàm phán với EU về những điều khoản để rút khỏi liên minh này. Theo giới phân tích, các nội dung đàm phán của Chính phủ Anh với EU sẽ là vấn đề gây nhiều tranh cãi trên chính trường Anh năm 2017. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Anh Phillip Hammond cho biết, nước này sẽ chuyển đổi mô hình kinh tế để bảo đảm tính cạnh tranh, nếu như không được tiếp cận khối thị trường chung EU sau Brexit.

Tuy nhiên, bất chấp những vấn đề tồn tại, những thách thức phải đối mặt trước những biến động lớn nói trên, châu Âu vẫn thấp thoáng những điểm sáng với nhiều kỳ vọng trong năm 2017.

Về mặt kinh tế, có nhiều nhận định rằng, mặc dù các cuộc bầu cử sắp tới có thể gây bất ổn ở châu Âu, nhưng theo Giám đốc chiến lược Ngân hàng BNP Paribas Fortis - ông Philippe Gijsels, nền tảng hiện nay của các doanh nghiệp châu Âu vẫn rất tốt với kết quả kinh doanh khả quan, xu hướng lợi nhuận ổn định. Chuyên gia kinh tế của ngân hàng CBC, ông Bernard Keppenne kỳ vọng kinh tế thế giới năm 2017 sẽ đạt mức tăng trưởng cao và tác động thuận lợi tới các doanh nghiệp châu Âu. Theo ông, việc đồng Euro yếu so với đồng USD là một yếu tố giúp thúc đẩy nền kinh tế của "lục địa già" trong năm nay. Trên nền tảng đó, triển vọng toàn cầu của năm 2017 dự đoán tăng trưởng cho các nền kinh tế lớn như ở khu vực châu Âu, và dự báo tăng trưởng GDP của Vương quốc Anh cũng được cải thiện so với trước đó khi những lo ngại tiêu cực từ Brexit tiếp tục thấp hơn so với dự đoán.

Năm 2017 cũng được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều bước tiến về hoà bình khi trong thông điệp đánh dấu ngày đầu tiên đảm nhận cương vị lãnh đạo Liên Hiệp quốc (LHQ), tân Tổng Thư ký António Guterres tuyên bố, hoà bình chính là ưu tiên hàng đầu cho năm 2017, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực làm giảm bất bình đẳng xã hội vốn đang ngày càng trở nên sâu sắc do tiến trình toàn cầu hóa hiện nay. Với sự thay đổi về phương pháp, Tân Tổng thư ký Guterres cũng được kỳ vọng sẽ mang lại hơi thở mới cho LHQ, đưa tổ chức này trở nên năng động hơn.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy có lẽ là vấn đề nhức nhối và hệ lụy sâu sắc nhất ở châu Âu. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 14/1 khẳng định, tất cả các quốc gia sẽ trở nên tốt hơn nếu họ làm việc cùng nhau thay vì cô lập bản thân. Đề cập tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu tại Mỹ vào năm 2008 như một minh chứng, bà Merkel nhấn mạnh: "Đối phó với khủng hoảng tài chính không phải là phản ứng dựa trên sự cô lập, mà là phản ứng dựa trên sự hợp tác, trên những quy tắc chung, bao gồm các thị trường tài chính”.

LÊ THẢO - TỐ QUYÊN (Tổng hợp từ Reuters, ABCNews & UN)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nóng cuộc chiến săn nhân tài AI tại châu Âu

Làn sóng khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm nóng cuộc chiến giành nhân tài ở lĩnh vực kỹ thuật tại châu Âu, khiến các công ty như Google DeepMind đau đầu lựa chọn giữa việc trả nhiều tiền hơn hoặc đánh mất những "bộ não" giỏi nhất của mình.

Nóng cuộc chiến săn nhân tài AI tại châu Âu
Ngành hàng không toàn cầu đối mặt nhiều thách thức về giá vé và nhân sự

Theo các chuyên gia trong ngành, ngành hàng không toàn cầu thời hậu đại dịch vẫn không thiếu những thách thức, từ việc giữ giá vé máy bay ở mức phải chăng – nhất là trong các mùa lễ hội khi tỷ suất lợi nhuận “mỏng như dao cạo”, cho đến việc có đủ lực lượng lao động tận tâm với nghề.

Ngành hàng không toàn cầu đối mặt nhiều thách thức về giá vé và nhân sự
Thông tin doanh nghiệp
Đầu tư định cư Châu Âu: Quyền lợi và các chương trình HOT hiện nay

Chương trình tư vấn Đầu tư định cư Châu Âu đang trở thành một trong những lựa chọn nhanh chóng để người nước ngoài có thể sở hữu đầy đủ quyền lợi như một công dân của nước định cư: tự do di chuyển trong 27 quốc gia thuộc Hiệp ước Schengen mà không cần đến visa, quyền lợi sống tại bất kỳ quốc gia thành viên EU nào.

Đầu tư định cư Châu Âu Quyền lợi và các chương trình HOT hiện nay
WHO: Số ca mắc bệnh sởi tăng vọt ở châu Âu

Số ca mắc bệnh sởi đã tăng vọt ở châu Âu trong năm 2023 lên 42.200 ca, cao hơn gần gấp 45 lần so với một năm trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết; đồng thời kêu gọi các nỗ lực tiêm chủng khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan.

WHO Số ca mắc bệnh sởi tăng vọt ở châu Âu
Return to top