ClockThứ Sáu, 29/06/2018 14:28

Cháu muốn được đi học

TTH - “Năm học này Yến bỏ học đến hai lần, lần sau hơn 1 tuần vào lúc chuẩn bị kiểm tra cuối năm, giáo viên phải đến nhà nhiều lần và phải tới buổi tối mới gặp được phụ huynh.

Thuyết phục lắm phụ huynh mới cho cháu trở lại trường, nhưng chỉ hứa là học hết năm nay”. Thầy Nguyễn Ly, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phong Thu (Phong Điền) vừa xoa đầu cô học sinh Lê Thị Ngọc Yến một cách thân thương, đôi mắt thầy gợn lo âu nói với chúng tôi.

 Bé Ngọc Yến

Năm học 2017-2018, cô học sinh lớp 3/2 Lê Thị Ngọc Yến là một trong những học sinh giỏi xuất sắc của lớp, nhưng nguy cơ thất học của em rất lớn. Mẹ em, chị Phạm Thị Lê là thợ may của một nhà máy, với mức lương 2.500.000 đồng/tháng cũng là lao động duy nhất của gia đình, bởi Ngọc Yến mồ côi cha từ nhỏ.

Ba Yến mất trong một tai nạn lao động, khi Yến đang học mẫu giáo và đứa em mới lên 3 tuổi. Mọi lo toan của gia đình đặt cả lên vai người đàn bà yếu ốm, gia đình thuộc hộ nghèo của xã. Thương mẹ, Yến trở nên “khôn sớm” nhưng thân hình nhỏ như một đứa trẻ lớp 1. Hoàn cảnh khó khăn, mẹ luôn tối mắt tối mũi với công việc nên chị em Yến khá tự lập, nhà cách trường hơn 3 cây số, em vẫn đi học đúng giờ và luôn học tốt.

Ba năm chồng mất, cha mất là ba năm mẹ con Yến thiếu khổ trong mỗi bữa ăn. Ngôi nhà hai gian mấy chục mét vuông do xã hỗ trợ người nghèo mấy năm không đủ tiền tô trét… Với hai đứa trẻ đang độ tuổi ăn học, mẹ sẽ dành suất đi học cho em trai Lê Văn Hiếu năm nay mới học lớp 1 là điều dễ hiểu. Và đó cũng là lý do khiến các thầy cô giáo, nhất là thầy hiệu trưởng của Trường tiểu học Phong Thu lo lắng cho tương lai của cô học trò nhỏ.

Gặp Yến, khi được hỏi, cô bé chưa tròn 10 tuổi ngập ngừng giữa hai lựa chọn đi học hay ở nhà giúp mẹ. Tôi phải đùa lắm cháu mới nở một nụ cười đúng lứa tuổi, còn không là rơi vào trạng thái lo lắng của một đứa trẻ sớm biết nghĩ cho mẹ, cho em trai đến mức sẵn sàng nghỉ học để đi làm… osin. Trước khi chia tay, cháu nói thầm vào tai tôi: “Con thích đi học hơn cô ơi”.

Trước hoàn cảnh khó khăn của học trò, Trường tiểu học Phong Thu đã đưa cháu vào diện học trò nghèo. Nhưng năm học vừa qua cũng chỉ tìm cho cháu được một suất quà hỗ trợ là 200.000 đồng. Trong khi đó, nhu cầu để tiếp tục đi học của cháu chỉ là đủ ăn, đủ mặc (khoảng 500.000 đồng/ tháng) và có một chiếc xe đạp để chở em trai vượt quãng đường 3 km đến trường mỗi ngày.

Chúng tôi mong muốn các nhà hảo tâm mở lòng giúp đỡ để bé Ngọc Yến được tiếp tục đến trường. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Lê Thị Ngọc Yến, học sinh Trường tiểu học Phong Thu (Phong Điền) hoặc Quỹ Sen Xanh-Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế. ĐT: 0914.078282.

Bài, ảnh: Phước Châu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”
Return to top