ClockThứ Bảy, 06/05/2017 06:01

“Chỉ có cách mạng mới làm được...”

TTH - Với vị trí trung tâm, chạy dọc bờ thành rêu phong đầy hoài niệm của Kinh thành Huế, lại gắn liền với tuyến Trần Hưng Đạo - Phan Đăng Lưu - Đông Ba - Gia Hội, phố Trần Huy Liệu thuận tiện và quá đỗi thích hợp để trở thành một con phố đi bộ...

Đầu ngõ khu dân cư đường Trần Huy Liệu

"Khó tính" cũng không thể phủ nhận

Sau ngày thống nhất, cả nước bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết nước nhà. Trong vô vàn những khó khăn sau 2 cuộc kháng  chiến kéo dài đến 30 năm, nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết nỗ lực của toàn quân toàn dân, cuộc sống đã lại hồi sinh, sắc diện quê hương từ phố thị cho đến nông thôn, miền núi cũng dần dần thay da đổi thịt. Có những đổi thay, những việc làm mà trước đây cứ ngỡ sẽ là điều không thể nhưng nay đã thành hiện thực khiến nhiều người buột miệng: "Đúng là chỉ có cách mạng mới làm được...".

Tại Thừa Thiên Huế, có những đổi thay mà dù là người khó tính nhất cũng phải thừa nhận. Đó là gì? Là điện, là nước máy đã về tận những miền quê xa xôi hẻo lánh; là đường nhựa đã về đến trung tâm các xã; là tất cả kiệt, hẻm, đường làng ngõ xóm đều cơ bản đã được bê tông hóa; là trường học, trạm y tế đã "phủ sóng" toàn tỉnh.... Nhiều người Huế hẳn cũng không thể quên khu "ổ chuột" Bến Me, hay các vạn chài "rền đặc" mặt nước các con sông- những "vấn nạn" tồn tại dai dẳng giữa lòng Cố đô. Sau những nỗ lực không mệt mỏi để vận động và cả sự đầu tư nguồn lực không hề nhỏ, bây giờ khu dân cư Bến Me đã được di dời, tái định cư ổn định cuộc sống, trả lại mặt tiền rạng rỡ cho Kinh thành Huế. Các vạn chài cũng lần lượt tái định cư ở Trường An, Kim Long, Phú Hậu... trả lại sự thông thoáng, trong lành cho các dòng sông. Quan trọng hơn, thế hệ con em tương lai của các "vạn" cũng thoát cảnh lênh đênh "theo đuôi con cá" để mơ về một giấc mơ sáng tươi hoàn toàn có thật...

"Ngõ vắng xôn xao" - đó là cái tên được người ta dùng đặt cho một con hẻm nằm ở đoạn giữa đường Trần Hưng Đạo, gần đối diện với đầu phía bắc cầu Trường Tiền. Con hẻm nối đường Trần Hưng Đạo với đường Trần Huy Liệu chạy dọc Hộ thành hào mà dân Huế vẫn quen gọi là "bờ hồ". Một người bạn vong niên của tôi vốn là người gắn bó với Huế, đã sống với Huế "qua 3 chế độ". Với ông, cái "ngõ vắng xôn xao" cũng là một điểm sáng, một công trình "chỉ có cách mạng mới làm được" ở Huế. Bởi trong ký ức của ông, trước năm 1975, con hẻm này nhỏ hẹp, lổn nhổn đá và rất buồn. Sau này được sắp xếp mở rộng, thảm nhựa ngon lành, cứ tối tối nó là trở thành điểm hẹn dễ thương của nhiều nhóm bạn trẻ đến để ăn uống, trò chuyện rộn ràng. Cái tên "ngõ vắng xôn xao" có lẽ cũng được khai sinh vì thế. Cùng với con hẻm được mở rộng, thảm nhựa ngon lành, đường Trần Huy Liệu đoạn từ cầu cửa Ngăn cho đến tiếp giáp con hẻm này cũng đã nên hình nên hài sau khi chính quyền cho tiến hành giải tỏa hàng trăm hộ dân, thu hồi mặt bằng, xây dựng chỉnh trang làm quang rạng cả một đoạn mặt nam của Kinh thành Huế.

Chút thao thức và niềm mơ giữa lòng thành phố

Đáng tiếc là cái "ngõ vắng xôn xao" sau này đã không còn được lãng mạng như người ta nghĩ. Do thiếu bàn tay "chăm sóc"? do người dân thiếu ý thức trong tự quản và sử dụng?... Có lẽ do nhiều thứ cùng... thiếu nên cái "ngõ vắng xôn xao" trong mắt nhiều người đã không còn giữ được sự phong quang như những ngày khởi thủy. Thậm chí, khi màn đêm buông xuống, nơi đây gần như trở thành một tụ điểm khiến người lạ bước chân vào cảm thấy hết sức bất an. Đã có những vụ đâm chém, ẩu đả xảy ra do dân "anh chị" sống trong khu dân cư Trần Huy Liệu khởi xướng; cũng tại con phố Trần Huy Liệu  này, cách đây chưa lâu, cơ quan chức năng từng truy đuổi và bắt giữ một trùm ma túy "có số có má". Ít hôm trước, tôi cũng thử chạy sang thực địa, tại một điểm vắng đầu đường là một người đàn bà ngồi bâng quơ hút thuốc vặt, nhưng cứ chốc chốc là lại thấy một gã thanh niên hoặc một chú choai choai rồ xe máy tấp vào "trao đổi" gì đó rất chớp nhoáng, rồi lại rồ máy đi ngay. Chưa dám khẳng định là họ "trao đổi" gì với nhau, nhưng nó cứ cho người ta cảm giác một cái gì đó rất ám muội. Ông bạn tôi phàn nàn, lớn tuổi như ông mà bước chân vào cũng có người mời mua "hàng" chích hút (!?)...

Đã tới đây nhiều lần, có khi là để tìm người quen, có lúc hỏi thăm nhà của nhân vật cho một bài báo, trong những lần như thế tôi đã gặp được gia đình bác Bửu Thanh - một gia đình lao động bình thường nhưng cả nhà đều tham gia hiến máu tình nguyện... Vẫn biết lẩn khuất trong xóm nghèo này đó đây vẫn lấp lánh những gia đình, những tấm gương hiền lành, lương thiện. Vậy nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần đến "ngõ vắng xôn xao" để rẽ vào phố Trần Huy Liệu, cảm giác vẫn cứ ngại ngần, lo lắng mơ hồ và đan xen cả buồn, tiếc cho Huế.

Đoạn đường Trần Huy Liệu tiếp giáp "ngõ vắng xôn xao" kéo dài cho hết con đường Trần Hưng Đạo rồi bẻ trái tiếp tục chạy song song phía sau đường Phan Đăng Lưu (trước 1975 gọi là bờ hồ Phan Bội Châu), nơi đây là cả quần cư những căn nhà chật chội, ngổn ngang, lụp sụp. Nhà này kết dính với nhà khác, cái thòi ra, cái thụt vào, và suốt dọc hết con đường là cơ man nào vải, nào bạt đủ chủng đủ loại, đủ hình đủ dáng được giăng mắc để che nắng che mưa, để mở rộng thêm một chút không gian sống cho gia đình... Ngoài những hệ lụy như chúng tôi đã đề cập, cụm dân cư này còn đã và đang là mối đe dọa hiện hữu cho môi trường của con hào hộ thành sát cạnh. Đấy là cả một thế giới khác hẳn ở chiều đối lập so với "mặt tiền" 2 tuyến phố Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu. Hẳn sẽ không ít người sẽ rất khó tin ngay giữa trung tâm thành phố cố đô thơ mộng, ngay giữa khu vực thương mại sầm uất, nổi tiếng nhất của Huế lại tồn tại một "khu nhà ổ chuột" như vậy. Giải tỏa, chỉnh trang khu vực này là điều mà hẳn ai cũng mong được tiến hành sớm. Việc làm đó sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích: Bảo vệ cảnh quan, môi trường cho di sản; chỉnh trang đô thị; an sinh xã hội; tạo tiền đề, cơ hội cho Huế phát triển thêm sản phẩm du lịch...

Vốn dĩ là một người rất am tường trên lĩnh vực kiến trúc nhà cổ, người bạn vong niên của tôi ao ước, sau này "sắp xếp" xong, những ngôi nhà dọc theo con đường Trần Huy Liệu đầu tư tu sửa lại với mặt tiền là những bộ mái cong cong mềm mại, tạo dáng dấp của một tuyến phố cổ. Với vị trí ở trung tâm thành phố, gắn liền với tuyến Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu, Đông Ba-Gia Hội, lại nằm dọc bờ thành rêu phong đầy hoài niệm của Kinh thành Huế, phố Trần Huy Liệu thuận tiện và quá đỗi thích hợp để trở thành một con phố đi bộ với những quầy hàng lưu niệm, hay những điểm dừng chân nghỉ ngơi để được "phiêu" với tách cà phê giữa bình yên và thanh âm du dương của nhạc Trịnh... Dẫu biết không thể ngày một ngày hai nhưng vẫn mong bức tranh ấy sẽ sớm hiện hữu. Con phố Trần Huy Liệu lúc ấy chắc chắn cũng sẽ được người đời truyền tai "chỉ có cách mạng mới làm được"...

Bài, ảnh: Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều kỳ vọng vào Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế

Dự án Aeon Mall Huế - Trung tâm thương mại thứ 7 của Tập đoàn Aeon Mall tại Việt Nam và là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp có quy mô lớn nhất miền Trung dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 9/2024 sẽ mang đến những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế.

Nhiều kỳ vọng vào Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế
Kết nối việc làm với hơn 9.000 vị trí cần tuyển dụng

Sáng 19/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (DVVL) tổ chức Tháng giao dịch việc làm với chủ đề "Mùa xuân kết nối việc làm" nhằm đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động, cơ sở đào tạo tuyển sinh học nghề đạt hiệu quả.

Kết nối việc làm với hơn 9 000 vị trí cần tuyển dụng
Ấn Độ có thể trở thành trung tâm toàn cầu lớn về năng lượng tái tạo

Ấn Độ có thể “thúc đẩy đáng kể” quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch hơn, nếu yêu cầu gia nhập Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) của nước này được chấp thuận, Đại sứ Ấn Độ tại Pháp Jawed Ashraf nói với Tạp chí Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn ngày 16/2.

Ấn Độ có thể trở thành trung tâm toàn cầu lớn về năng lượng tái tạo
Return to top