ClockThứ Ba, 16/08/2016 05:56

Chị em làm nông sản sạch

TTH - Xuất phát từ nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, Hội LHPN tỉnh đã “tiếp sức” cho nhiều hội viên xây dựng các các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

Mô hình nuôi “gà sạch” của chị Ngô Thị Lý 

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi “gà sạch” của mình, chị Ngô Thị Lý, hội viên phụ nữ tổ 3, khu phố 1, thị trấn Phú Lộc vừa kể, cách đây vài năm, nhận thấy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân rất lớn nên chị quyết định đầu tư chăn nuôi “gà sạch”. Chị mượn diện tích đất của người em, mua lưới quây xung quanh để nuôi gà. Ngoài dãy chuồng được xây kín để nhốt gà ban đêm, số diện tích còn lại chị để trống cho gà ăn và vận động. Thức ăn cho gà chị Lý sử dụng hoàn toàn bằng lúa, gạo, cám gạo, thân cây chuối cắt nhỏ. Chị Lý cho biết, so với nuôi bột, gà nuôi theo kiểu này chậm xuất chuồng hơn nhưng bù lại chất lượng đảm bảo, giá bán cao hơn nhiều so với gà thường và rất được khách hàng ưa chuộng. “Từ khi chăn nuôi gà đến giờ chưa phải ra chợ bán lần nào. Khách hàng đều đến tận nhà đặt mua. Tiếng lành đồn xa, không chỉ ở Phú Lộc mà nhiều người trên Huế cũng tìm đến mua”, chị Lý khoe.

Nhận thấy đây là hướng nuôi phù hợp với điều kiện ở địa phương và nhu cầu thị trường, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ chị Lý và các hội viên khác trên địa bàn thị trấn thành lập mô hình nuôi gà sạch. Được hỗ trợ vốn, chị Lý đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô nuôi từ 100 con lên 300 con. Mỗi lứa thu hoạch, chị lãi khoảng gần chục triệu đồng.

Nhiều năm nay, các chị Ngô Thị Bé, Đinh Thị Di, Nguyễn Thị Hằng… ở thôn Thành Trung (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) đã trồng rau sạch nhưng còn mang tính tự phát manh mún. Gần đây, được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ thêm vốn, các chị đã đầu tư làm nhà lưới theo đúng quy trình sản xuất rau an toàn. Quá trình chăm sóc rau đều được các chị ghi chép hàng ngày, thực hiện đúng cam kết sản xuất rau an toàn, đồng thời tham gia giám sát lẫn nhau. Chị Ngô Thị Bé cho biết, “Được đầu tư làm nhà lưới như thế này sẽ hạn chế được tình trạng sâu bệnh cũng như ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất rau sẽ cao hơn. Sau khi thực hiện mô hình này, mong rằng sản phẩm rau của chúng tôi sẽ được kiểm định chất lượng rau sạch và có được thương hiệu để dễ dàng tiêu thụ”.

Ở mức liên kết cao hơn, tổ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn do Hội LHPN huyện A Lưới triển khai đã tạo được một dây chuyền khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Ngoài hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn cho 6 hội viên trong huyện, Hội cũng đã xây dựng một quầy rau sạch mang lôgô “Gian hàng rau củ, nông sản sạch của Hội LHPN huyện” tại trung tâm chợ A Lưới. Tuy mới đi vào hoạt động nhưng mô hình này đã tiêu thụ toàn bộ sản phẩm rau sạch cho các thành viên, xây dựng được địa chỉ rau sạch cho người tiêu dùng

Đây là 3 trong 11 mô hình hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường mà Hội LHPN tỉnh thực hiện nhằm chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh, nhiệm kỳ 2016 – 2021 sắp tới. Mỗi mô hình có ít nhất từ 2 thành viên trở lên được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng. Trong quá trình hỗ trợ, hội tiến hành kiểm tra, giám sát, sơ tổng kết để rút kinh nghiệm và nhân rộng; đồng thời chỉ đạo các cấp hội cơ sở phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông của huyện, thị để tập huấn kỹ thuật sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn, bền vững. Đối với các hội viên khi tham gia mô hình phải cam kết sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, chịu sự giám sát của các đơn vị liên quan cũng như tự thống nhất xây dựng quy chế hoạt động để mang lại hiệu quả lâu dài.

Chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, các mô hình này được hội định hướng phát triển theo mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ. Các sản phẩm đảm bảo yêu cầu sẽ được hỗ trợ xây dựng thương hiệu để cạnh tranh thị trường, đồng thời hội cũng làm đầu mối kết nối, liên kết các mô hình với nhau để giới thiệu và bao tiêu sản phẩm… Theo chị Thanh, mô hình này không chỉ giúp các hội viên cải thiện kinh tế, vươn lên thoát nghèo mà còn giúp cán bộ, hội viên phụ nữ tiếp cận kiến thức về phát triển kinh tế tập thể, thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phù hợp với thời kỳ hội nhập. Hơn hết là sản xuất ra được những sản phẩm sạch, bảo đảm sức khoẻ cho cộng đồng.

HẢI THUẬN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác

Mùa hè về, loại hình du lịch sinh thái gắn với tắm suối thác đang thu hút nhiều khách du lịch nội địa. Việc chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu.

Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác
Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Cần phương án đảm bảo an toàn trên tuyến cao tốc và quốc lộ

Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, từ ngày 4/4 tới, các đơn vị liên quan triển khai phương án điều tiết xe tải lớn hơn 6 trục (30 tấn), xe sơmi-rơ moóc (xe container), xe khách trên 30 chỗ không đi vào cao tốc Cam Lộ-La Sơn mà được phân luồng đi trên QL1A.

Cần phương án đảm bảo an toàn trên tuyến cao tốc và quốc lộ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top