ClockChủ Nhật, 23/09/2018 07:10
TÌM KIẾM TÀI NĂNG NHÍ:

Chỉ nên xem là sân chơi đơn thuần

TTH - Mùa hè vừa qua, nhiều thí sinh ở Huế và các tỉnh lân cận đã có những trải nghiệm đáng nhớ qua các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí được tổ chức ở Huế. Bên cạnh lợi ích cuộc thi mang lại, phụ huynh cũng cần định hướng để các em nhỏ thực sự xem đây là những sân chơi đơn thuần.

Các nhà hùng biện nhí tranh tài “Tìm kiếm đại sứ Ilead AMA Huế”96 thí sinh tham gia chung kết “Bước chân thiên thần”Vui nhộn vòng casting và bán kết cuộc thi "Bước chân thiên thần"

Các em nhỏ trình diễn trang phục áo dài trong cuộc thi "Bước chân thiên thần"

Trải nghiệm vui

Trong đêm chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng giọng hát nhí “Ngôi sao tương lai” 2018 do Công ty TNHH MTV Gia Bảo Event – Media tổ chức mới đây, 10 thí sinh xuất sắc nhất đã vượt qua hàng trăm thí sinh đến từ Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình để cùng so tài. Chỉ mới ở tuổi 11-15, có bé mới 6 tuổi, nhưng các bé trình diễn trên sân khấu bằng phong cách tự tin, chuyên nghiệp, giọng hát đầy nội lực, biểu cảm khiến không ít khán giả bất ngờ.

Cuộc thi âm nhạc này là sân chơi để các em nhỏ được thỏa đam mê ca hát, được rèn luyện khả năng biểu diễn trên sân khấu. Phạm Đoàn Nhật Thanh, học sinh lớp 6, Trường THCS Trần Cao Vân (TP. Huế), quán quân cuộc thi năm nay, chia sẻ: “Ước mơ lớn nhất của con là trở thành ca sĩ nên cuộc thi là trải nghiệm vui trong mùa hè, giúp con tự tin hơn để tiếp cận với những sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp”. Chị Đoàn Thị Thu Thủy, mẹ của bé Thanh, cho hay: “Đây là sân chơi bổ ích, tập cho cháu tự tin khi lên sân khấu để sau này hướng đến những sân chơi âm nhạc nhí lớn hơn ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội”.

Theo chia sẻ của anh Đoàn Quốc Duy, giảng viên thanh nhạc Học viện Âm nhạc Huế, Giám đốc Trung tâm Đào tạo âm nhạc Gia Bảo, ý tưởng tổ chức “Ngôi sao tương lai” đến khi anh gặp nhiều em nhỏ ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế hát rất hay nhưng không có điều kiện vào TP. Hồ Chí Minh dự thi. Anh cho hay: “Chúng tôi tổ chức một sân chơi chuyên nghiệp để phát hiện và đào tạo tài năng nhí trong lĩnh vực ca hát, tạo ra một sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em nhỏ. Sân chơi này cũng là bước đệm để các em tự tin, mạnh dạn đến với những cuộc thi lớn hơn. Những em đạt giải đều có học bổng được đào tạo miễn phí tại trung tâm. Người đạt giải quán quân được công ty quản lý và được PR quảng bá tên tuổi”.

Cũng trong dịp hè, cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí “Bước chân thiên thần” do Công ty CP VKSTAR phối hợp với Kids Music tổ chức để tìm kiếm những khuôn mặt sáng giá, tài năng, trí tuệ của các em nhỏ; thu hút 186 thí sinh nhí từ 4 đến 14 tuổi, đây là sân chơi để các em nhỏ được thể hiện bản lĩnh làm chủ sân khấu với các phần thi: trình diễn trang phục áo dài, trang phục tự chọn và thi năng khiếu. Nhìn các em nhỏ xúng xính váy áo, vụng về với những cái xoay trình diễn trên sân khấu trông dễ thương lạ! Sau cuộc thi, một số em được mời tham gia các show diễn thời trang của VKSTAR.

Đơn thuần

Năm nay, các cuộc thi tài năng nhí nở rộ ở Huế, như: Bước chân thiên thần, Ngôi sao tương lai, Siêu sao nhí, xoay quanh những cuộc tranh tài về năng khiếu múa, hát, nhảy, biểu diễn thời trang và các năng khiếu khác. Mục đích chung là tạo sân chơi và tìm kiếm, phát hiện các em nhỏ có năng khiếu để bồi dưỡng, rèn luyện. Những chương trình này giúp các em nhỏ tự tin, bộc lộ năng khiếu, bản lĩnh thể hiện trước đám đông, để gia đình biết hướng đầu tư phát triển tài năng cho tương lai.

Tham gia làm giám khảo cuộc thi “Bước chân thiên thần”, NSND. Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế cho rằng, cuộc thi “Bước chân thiên thần” mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện một số em có năng khiếu, cần có thêm nhiều thời gian để đạt được tiêu chí đề ra là tìm kiếm tài năng.

Điều khiến một số phụ huynh lo ngại là, bên cạnh việc tạo sân chơi, các cuộc thi cũng có tác động ngược lại với thí sinh. Lo ngại ấy không phải là không có cơ sở khi một số em vì quá đam mê ca hát đã xao lãng việc học hành. Q.N, một thí sinh của “Ngôi sao tương lai” gần một năm qua đã tốn nhiều công sức, thời gian để theo đuổi các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trong cả nước. 

Mẹ bé Q.N lo lắng: “Từ năm ngoái đến nay, cháu phải tập luyện rất nhiều để tham gia các cuộc thi âm nhạc, có khi phải vào TP. Hồ Chí Minh thi nửa tháng trời. Cháu cũng có nghỉ học một thời gian, dù vẫn đạt học sinh giỏi nhưng tôi thấy sức học của con có giảm sút nên rất lo lắng. Bậc làm cha mẹ tôi vẫn biết việc học là quan trọng hơn hết nhưng vì con quá đam mê, ao ước được trở thành ca sĩ nên tôi cũng phải bỏ việc để giúp con theo đuổi ước mơ”.

Nhiều người cũng lo lắng, sự ảnh hưởng tâm lý thắng – thua sẽ không có lợi cho tâm hồn non nớt của trẻ. Anh Quốc Duy bày tỏ, những người tổ chức chương trình luôn khuyên phụ huynh không nên tạo áp lực cho con phải đoạt giải. Vì như vậy, nếu không có giải, các cháu sẽ nảy sinh tâm lý chán nản, bỏ bê học hành. Phụ huynh cũng cần định hướng để các cháu dung hòa giữa việc học với đam mê âm nhạc, xem các cuộc thi là sân chơi giải trí, nơi phát huy năng khiếu chứ không phải là nơi có thể tỏa sáng thành ca sĩ ngay lập tức. Bởi lúc này, với các em việc học văn hóa vẫn là quan trọng nhất và việc bồi dưỡng tài năng nên được thực hiện một cách hợp lý.

Xung quanh cuộc thi “Bước chân thiên thần” cũng có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến việc trao giải. Tuy nhiên, NSND. Ngọc Bình cho hay, tâm lý thắng - thua hầu như chỉ nặng nề với phụ huynh, còn các thí sinh rất hồn nhiên, vô tư. Ông khuyên rằng: “Chính những người trong cuộc, phụ huynh phải vượt qua bản ngã, định hướng cho con em mình xem đó là cuộc chơi đơn thuần”.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
Gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có hơn 610.000 thí sinh đã trúng tuyển trong đợt 1 xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Con số này chiếm tỷ lệ gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng năm 2023.

Gần 93 thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1
Return to top