ClockThứ Sáu, 10/07/2015 08:25

Chỉ số hài lòng của người dân

TTH - Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Nội vụ, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam vừa tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2015. Điều này cho thấy, quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, với đích đến là sự hài lòng của người dân.

Theo chương trình, 3 đơn vị sẽ phối hợp thực hiện xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên 6 lĩnh vực. Trong đó, có 3 lĩnh vực thực hiện ở cấp huyện và 3 lĩnh vực thực hiện ở cấp xã. Đây là những lĩnh vực người dân thường hay gặp và có những thủ tục được xem là “nhạy cảm” như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng nhà ở. Qua đó, góp phần tạo kênh thông tin đến người dân và các cơ quan hành chính Nhà nước, tạo sự lan tỏa nhằm xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, dân chủ, phục vụ tốt hơn cho người dân.

Tại Thừa Thiên Huế, từ cuối năm 2012, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 51/2012/CT-UBND về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Hàng năm, tỉnh đều thành lập Đoàn Kiểm tra, giám sát thực hiện Chỉ thị 51 tại một số sở, ngành, địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tháng 4/2015, tỉnh thành lập đoàn công tác và thí điểm đánh giá mức độ hài lòng trong thực hiện cơ chế một cửa ở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, tại 7 sở, huyện, thị, thành phố mức độ hài lòng của người dân khá cao, thấp nhất cũng đạt 88,9% (Sở Tài nguyên và Môi trường), cao nhất là thị xã Hương Trà (98,8%). Với 28 công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của 7 đơn vị trên, người thấp nhất cũng đạt mức độ hài lòng 75%, có người đạt 100%, đa phần đạt trên 90%. Nếu kết quả khảo sát trên thực sự khách quan thì đây là điều rất mừng. Để đảm bảo tính khách quan, theo chương trình vừa được 3 đơn vị phối hợp thực hiện, với việc lựa chọn ngẫu nhiên đối tượng từng sử dụng dịch vụ trong năm 2014 và các tháng đầu năm 2015 để chấm điểm. Khi không còn áp lực, e ngại bị “làm khó”, chắc chắn câu trả lời sẽ khách quan hơn. Đây là điều cần được áp dụng rộng rãi.

Để việc lấy khảo sát đạt hiệu quả cao, điều cần làm là cụ thể hoá các tiêu chí, câu hỏi sát với từng ngành, từng lĩnh vực để người dân dễ dàng góp ý. Đồng thời, cần có sự hồi âm kịp thời với các ý kiến đóng góp, cũng như kết quả xử lý của các đơn vị, cá nhân vi phạm. Chỉ khi đó, việc lấy ý kiến đóng góp của người dân mới thực sự có ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiết thực.

Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Return to top