ClockThứ Ba, 28/03/2017 06:36

Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Hiệu quả từ sự gắn kết

TTH - Sau 6 năm triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) có những bước chuyển biến theo hướng tích cực từ sự gắn kết ba bên: Ban quản lý - cộng đồng - chính quyền địa phương.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại A Lưới

Nhìn từ cộng đồng

Sở hữu hàng chục ha rừng keo lai không chỉ giúp gia đình ông Văn Thanh Hùng ở xã Phong Mỹ (Phong Điền) vươn lên làm giàu, mà còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, khi chưa có chính sách chi trả DVMTR, ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng cộng đồng của ông Hùng cũng như nhiều hộ dân ở Phong Mỹ chưa cao. Một số vụ cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra do thiếu kiểm tra, giám sát.

“Ba năm qua, nhận được kinh phí từ DVMTR khoảng hơn 10 triệu đồng/năm, tui đầu tư hết vào mua sắm cuốc xẻng và các thiết bị phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, nhất là vào mùa nắng nóng. Số tiền hỗ trợ tuy không lớn, nhưng đã phát huy tác dụng và hiệu quả. Đó là sự khích lệ tinh thần, tạo động lực cho các hộ khác hợp tác, phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời khi có dấu hiệu cháy rừng, hay phá rừng trái phép”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Đỗ Đình Khang, Trưởng Ban Quản lý (BQL) rừng cộng đồng Tân Mỹ, xã Phong Mỹ thông tin, trước đây, công tác QLBVR của cộng đồng Tân Mỹ gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp do không có kinh phí hoạt động. Từ khi có quyết định của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR, cộng đồng QLBVR thường xuyên tổ chức tuần tra, bảo vệ và cắm mốc ranh giới, tạo thuận lợi cho các hoạt động BVR. Cộng đồng Tân Mỹ được UBND huyện Phong Điền phê duyệt và giao cho các thành viên 54,7 ha để quản lý, bảo vệ và trồng rừng kinh tế. Từ năm 2014 đến nay, cộng đồng được hưởng trên 200 triệu đồng từ chính sách DVMTR.

BQL cộng đồng thôn Tân Mỹ tiến hành trích 15% trong nguồn chi trả DVMTR của tỉnh cấp để hỗ trợ, cho vay phát triển sinh kế với lãi suất thấp. Cộng đồng thôn đã giải ngân cho HTX Nông nghiệp Tân Mỹ vay 10 triệu đồng để mua giống lúa, đậu về bán nợ cho bà con trong thôn. Từ năm 2016, BQL cộng đồng thôn cho một số hộ vay với số tiền 18 triệu đồng, lãi suất 0,7% tháng.

Ông Đỗ Đình Khang đánh giá, mặc dù quy mô vốn thực hiện phát triển sinh kế bước đầu còn hạn hẹp, số hộ thành viên được vay còn ít nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo mối gắn kết giữa BQL và thành viên cộng đồng. Đây cũng là điều kiện tạo động lực, hài hòa giữa lợi ích trong công tác QLBVR với đời sống thành viên cộng đồng. Số vụ lấn chiếm đất rừng, phá rừng giảm hẳn. Từ tính khả thi của việc cho vay phát triển sinh kế, BQL sẽ tiếp tục mở rộng quy mô về vốn vay với mục đích sử dụng cho việc hỗ trợ chăn nuôi bò, cải tạo vườn tạp bằng giống hồ tiêu, cam V2, bưởi da xanh...

Theo Quỹ BV&PTR tỉnh, tổng diện tích rừng toàn tỉnh phải chi trả DVMTR trên 120 ngàn ha được giao cho 511 đơn vị, hộ cá nhân quản lý, bảo vệ và hưởng lợi. Trong đó, chủ rừng là các tổ chức Nhà nước gồm 9 đơn vị; BQL cộng đồng 75 đơn vị; các nhóm hộ là 205 đơn vị và 220 hộ cá nhân.

Nhiều đối tượng được hưởng chính sách

Ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh cho biết, chính sách chi trả DVMTR bắt đầu thực hiện từ năm 2011. Tổng kinh phí đã thu, chi gần 98 tỷ đồng, góp phần QLBVR có hiệu quả hơn 120 ngàn ha, chiếm 42% diện tích rừng toàn tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động; đáng chú ý là 30 ngàn ha rừng được giao cho người dân, cộng đồng, nhóm hộ QLBV đã phát huy hiệu quả.

Việc chi trả tiền DVMTR cho các đối tượng chủ rừng là các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng luôn được thực hiện công khai, minh bạch. Trong các đợt chi trả, Quỹ BV&PTR phối hợp với các địa phương, Hạt Kiểm lâm các huyện và công an xã tổ chức chi trả trực tiếp cho người dân. Danh sách và số tiền chi trả được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã và nhà sinh hoạt cộng đồng trước 3 ngày.

Có cơ chế, chính sách hỗ trợ về kinh phí, công tác QLBVR hiệu quả hơn. BQL các rừng phòng hộ, đặc dụng tăng cường thêm lực lượng QLBVR chuyên trách. Đến nay, có 147 lao động được ký hợp đồng nhận khoán QLBVR, phần lớn trong số đóo là người dân địa phương, một số kỹ sư lâm nghiệp trẻ... Từ khi triển khai chính sách chi trả DVMTR, ý thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ làm công tác QLBVR và người dân được nâng cao. Tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép giảm đáng kể.

Ông Phạm Ngọc Dũng cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, kinh phí đầu tư cho công tác QLBVR còn hạn hẹp, số tiền DVMTR chi trả cho các chủ rừng rất có ý nghĩa. Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 147 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99 về chính sách chi trả DVMTR và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Quy định mới, mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện tăng từ 20 đồng/kwh lên 36 đồng/kwh đối với  điện thương phẩm và cung ứng nước sạch từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3 đối với  nước thương phẩm.

Các đối tượng được chi trả tiền DVMTR gồm: Các chủ rừng của các khu rừng có cung ứng DVMTR; tổ chức được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và tổ chức tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được giao. Các hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao rừng để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được Nhà nước giao. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài với các chủ rừng là tổ chức Nhà nước (hộ nhận khoán). UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật có cung ứng DVMTR. Các tổ chức chính trị- xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật có cung ứng DVMTR.

Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Trao đổi kinh nghiệm chi trả giảm phát thải khí nhà kính

Từ ngày 19-21/3, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh đón đoàn công tác Quỹ BV&PTR tỉnh Hà Tĩnh đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA).

Trao đổi kinh nghiệm chi trả giảm phát thải khí nhà kính
Giải pháp đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn

Sáng 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề “Đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn”. Đây là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có báo chí, truyền thông.

Giải pháp đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn

TIN MỚI

Return to top