ClockChủ Nhật, 08/04/2018 07:00

Chị Vẫn “mắm ruốc”

TTH - Từ một người buôn thúng bán nia, sau 15 năm kinh doanh nông, thủy sản, chị Trương Thị Vẫn, Giám đốc DNTN Vận tải Lập Vẫn đã lập nên kỳ tích khi trở thành “bà đỡ” cho bà con nông dân, xây dựng được “thương hiệu” mắm, ruốc xứ biển Phú Diên.

Thơm ngon nước mắm Quảng CôngChao ơi, ruốc Huế...

 
 

 
 
Chị Trương Thị Vẫn (bìa phải) tại cơ sở chế biến mắm, ruốc của mình
 
Từ một người buôn thúng bán nia, sau 15 năm kinh doanh nông, thủy sản, chị Trương Thị Vẫn, Giám đốc DNTN Vận tải Lập Vẫn đã lập nên kỳ tích khi trở thành “bà đỡ” cho bà con nông dân, xây dựng được “thương hiệu” mắm, ruốc xứ biển Phú Diên.

Từ “buôn thúng bán nia”

 

inh ra ở làng biển nhưng không theo nghề biển, chị Trương Thị Vẫn (39 tuổi, thôn Kế Sung, xã Phú Diên, huyện Phú Vang), lại chọn nghề “buôn thúng bán nia” mang nông sản từ làng quê lên phố thị. Hình ảnh chiếc xe đạp cũ kỹ của chị Vẫn rong ruổi khắp làng quê 15 năm trước giờ đã “xưa cũ” trong tâm thức người dân miền biển. Ấy vậy mà, về làng quê này, hỏi thăm cơ sở của Công ty Vận tải Lập Vẫn, một ông lão đầu làng nhanh nhảu: “Chị Vẫn… mắm ruốc hả? Đi đến cuối xóm có nhà 3 tầng to nhất ấy!”

Chị Vẫn kể: Trong “nghiệp” buôn bán của mình, câu chuyện kết nối uy tín với bạn hàng đã giúp chị trưởng thành và vươn lên từ một người buôn bán nhỏ lẻ. Những bì mắm, nông, thủy sản chị mang từ làng quê Kế Sung lên phố luôn được đón nhận bởi hương vị thơm ngon, chế biến sạch sẽ và giá cả rất “mềm”. Thế rồi, khi kiếm được ít vốn, chị xoay sang buôn bán hải sản, nông sản từ các tỉnh phía nam ra. Tích lũy dần, chị sắm được xe tải vận chuyển, sơ chế nông, thủy sản làm mắm thô, “bỏ mối” cho các cơ sở trong và ngoài tỉnh.

Các sản phẩm chế biến thô của cơ sở Lập Vẫn gồm có mắm rò, mắm cơm, mắm ruốc và ớt, đu đủ, dưa xay, thái lát rồi sấy khô. Đối với thủy sản, chị Vẫn phải tìm đến thị trường ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bà Rịa Vũng Tàu bởi mỗi ngày (trong mùa vụ từ tháng 2-5 DL), cơ sở chị vào muối ủ chế biến thô, xuất hàng đi các địa phương chừng 15-20 tấn và mặt hàng nông sản mua trong và ngoài tỉnh mỗi ngày cũng xuất 5-6 tấn.

Kết hợp cả sơ chế, vận chuyển, mỗi năm cơ sở chị Vẫn đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng, trừ chi phí, chị lãi từ 600-700 triệu đồng. Để “vận hành” được một cơ sở chuyên cung cấp nông, thủy sản lớn nhất nhì huyện Phú Vang, chị đã mạnh dạn đầu tư 4 xe tải loại vừa để vận chuyển hàng cùng “nuôi” đội quân nhân công thường trực từ 50-60 người. Chị Vẫn đầu tư 2 tỷ đồng mua các loại máy sấy, cắt, xay và hệ thống bể ủ mắm thô.

Ở Kê Sung vốn là dân làm nông, thời gian nhàn rỗi nhiều. Lao động tại cơ sở của chị có việc làm đều đặn trong 8 tháng với thu nhập bình quân hàng tháng từ 3-5 triệu đồng/người. Đó cũng là “kỳ tích” của người phụ nữ xứ biển khi không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn đóng góp cho cộng đồng.

Dẫn chúng tôi tham quan cơ sở của mình, những bể mắm đã “vào muối” ủ dậy hương cả một vùng biển. Hơn 200 bể mắm như thế đều đặn xuất hàng, đủ thấy bàn tay tài hoa của người phụ nữ này. Chị Vẫn nói như tiếc rẻ: “Mắm rò, cơm, ruốc, ớt ủ thơm phức. Hiện mình chưa lấy được nhiều nguyên liệu ở quê nhà giúp được bà con nông dân do số lượng quá ít, tàu thuyền ở mình công suất nhỏ quá. Nói về các loại mắm ở đâu không biết chứ ở Huế mình cũng có “số má” trong các vùng đất được xem là thủ phủ của mặt hàng này. Mình có kinh nghiệm, bí truyền từ các mẹ, các chị ở vùng quê mà không phát huy được thì tiếc thật”.

"Của cho không bằng cách cho"

 

uộc trò chuyện giữa chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi điện thoại của bạn hàng. Giở cuốn sổ kinh doanh, chị cho biết, “tài sản” của mình nằm ở đây cả. Đó là danh sách 150 bạn hàng từ vùng Đá Bạc ra đến Quán Hàu cùng mấy chục hộ dân “vay vốn” để kinh doanh, trồng trọt ở địa phương.

 

Có người nhờ “ngân hàng sống” Trương Thị Vẫn mới đủ tiền xây nhà, gửi học phí cho con và đầu tư trồng trọt. Bình quân mỗi hộ vay từ 20-50 triệu đồng với lãi suất chỉ 0,1%. Có những hộ trồng trọt, cuối vụ chỉ “trả lãi” cho chị bằng… trái dưa hấu, cân gạo xay quê nhà.

Bà Lê Thị Nhỏ ở thôn Kế Sung tâm sự: “Mình làm ở cơ sở chị Vẫn đã 10 năm rồi. Ngoài thời gian làm ở đây, cũng như nhiều bà con khác, đều tận dụng đất đai vườn tược để trồng dưa, lúa, mướp đắng. Đến vụ, chưa có tiền phân tro, giống má thì chị Vẫn cho vay. Nói là cho vay nhưng nhiều lúc như… cho mượn, chỉ hoàn lại vốn. Có hôm mình ngại không đến, chị kêu lên bảo cứ vay, cuối vụ thu hoạch xong rồi trả. Vụ được mùa thì trả lãi đúng hạn. Vụ “hòa vốn” thì “trả lãi” bằng trái dưa, mớ rau. Nhờ được vay vốn linh động mà bà con ai cũng có việc làm quanh năm, có thu nhập ổn định”.

Có trường hợp, khi nói về “ngân hàng” Trương Thị Vẫn như một sự tri ân. Bởi, như bà con miền biển nói, "của cho không bằng cách cho". Bà Nguyễn Thị Cúc, một hộ dân vay vốn nhớ lại: “Thời điểm cuối năm 2016, gia đình mình con cái đông, đi học cùng lúc, bao nhiêu năm buôn bán mình quyết định làm nhà, đang giữa chừng thì thiếu tiền. Biết chuyện, chị Vẫn kêu lên, cho vay 50 triệu đồng, nói là khi nào có trả dần cũng được, không tính lãi. Mình làm hàng tháng tại cơ sở, trừ vào lương đến nay cũng đã xong. Nếu không có sẵn nguồn tiền đó thì giờ mấy mẹ con nhà cửa vẫn chưa tươm tất”.

Sau hơn 10 năm làm “ngân hàng sống” cho bà con nông dân, chị Vẫn đã giúp cho hàng chục gia đình tại thôn Kế Sung có công ăn việc làm ổn định, con cái học hành đàng hoàng. Những sản phẩm nông sản ở địa phương do bà con Kế Sung trồng, một phần được cơ sở chị Vẫn mua lại, chế biến để xuất lên phố, vì thế đã giải quyết được phần nào đầu ra cho nông sản tại địa phương.

Giấc mơ thương hiệu

 

Chị Vẫn bảo, điều mà cơ sở chị muốn nhắm đến vẫn là “giấc mơ” thương hiệu cho sản phẩm nông, thủy sản quê nhà. Khi đó, sẽ hình thành được vùng nguyên liệu tại địa phương. Lượng hàng xuất bán trong và ngoài tỉnh nhiều năm qua cho thấy chất lượng sản phẩm từ cơ sở của chị. Tuy tất cả các mặt hàng chế biến tại cơ sở đều đảm bảo hợp vệ sinh nhưng chỉ dưới dạng chế biến thô, chưa đóng chai hay ra sản phẩm mang thương hiệu Lập Vẫn. “Để có được thương hiệu trên sản phẩm còn là câu chuyện dài hơi. Nhưng mình vẫn vui, có niềm tin bởi được sự ủng hộ từ chính quyền, bà con nông dân lao động gắn bó mười mấy năm qua, là “thương hiệu” của lòng người đó”, chị Vẫn trải lòng.

Để phát triển hơn với nghề chế biến mắm từ nông, thủy sản, chị Vẫn đã xúc tiến thủ tục thuê thêm mặt bằng tại xã Phú Diên với diện tích hơn 2.000m2. Với thời gian thuê đất lâu dài, chị sẽ đầu tư hạ tầng sản xuất đầy đủ tại đây. “Được địa phương tạo điều kiện thuê đất với diện tích lớn, cơ sở mở rộng sẽ giải quyết lao động tại làng biển này nhiều hơn”, chị tâm niệm.
 

“Ngoài tạo điều kiện tiếp cận các kênh vay vốn khi cơ sở mới hình thành, địa phương vừa tài trợ cho cơ sở Lập Vẫn một số máy xay, xắt chế biến nông sản. Chị Trương Thị Vẫn là một trong những hội viên hội nông dân có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như làm “bà đỡ” cho bà con nông dân tại địa phương. Ghi nhận những đóng góp đó, chị Vẫn đã được tặng bằng khen, giấy khen từ các cấp hội”, ông Hoàng Trọng Đoài, Chủ tịch UBND xã Phú Diên, thông tin.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chị Vẫn mắm ruốc

Lãi ròng mỗi năm tầm 1 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho hàng chục đến cả trăm lao động, là điều mà chị Trần Thị Vẫn, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nông dân xã Phú Diên, thành viên Câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi cấp tỉnh đã và đang làm được. Chị Vẫn là một trong 7 nông dân SXKD giỏi tiêu biểu, vừa được huyện Phú Vang tuyên dương.

Chị Vẫn mắm ruốc
Khó đến vậy ư (?!!)

Cơm hến, cho dù có ý kiến này ý kiến khác, song với nhiều người, đó mãi mãi vẫn là món ăn "quốc hồn quốc túy" của "nước Huế". Đi xa mấy bữa, nhớ tô cơm hến đến quay quắt.

Khó đến vậy ư
Dân “mắm ruốc” nhớ nhà

Về Huế sau chục năm xa nhà, gặp nhau, chị vẫn trọ trẹ giọng Huế. Vẫn tóc ngang vai như ngày còn đi học.

Dân “mắm ruốc” nhớ nhà
Return to top