ClockThứ Ba, 02/10/2018 13:30
ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CHO THANH NIÊN:

“Chìa khóa” giảm tỷ lệ thất nghiệp

TTH - Để giải quyết bài toán “thừa thầy, thiếu thợ”, giảm tỷ lệ thất nghiệp, việc định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, phân luồng học sinh là giải pháp quan trọng.

Hội thảo về định hướng nghề nghiệp cho thanh niênHỗ trợ doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệChương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có 3 năm định hướng nghề nghiệp

Thanh niên tìm kiếm cơ hội việc làm tại sàn giao dịch việc làm

Tư vấn, định hướng chưa hiệu quả

Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin ở Trường đại học FPT nhưng đến khi đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, Đinh Hoàng Tuấn Dương (ở TP. Huế) mới nhận ra công việc này chưa phù hợp. Trở về Huế, Dương muốn thay đổi việc làm nên đăng ký xin làm nhân viên văn phòng. Dương chia sẻ: “Trước đây, khi chọn ngành nghề vào đại học, em đăng ký theo phong trào mà chưa có định hướng, nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực. Bây giờ, thay đổi công việc cũng khó vì khác với chuyên môn được đào tạo, chỉ có thể xin làm văn phòng”.

Khá nhiều bạn trẻ gặp tình huống như Dương khi công tác tư vấn hướng nghiệp ở các trường phổ thông cũng như một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hoạt động chưa hiệu quả. Trong một hội thảo tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, đại diện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà cho rằng: “Điều này dẫn đến các em có những sai lệch về lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Đa số học sinh không thể hình dung ra nghề nghiệp sau này như thế nào. Việc lựa chọn trường và nghề nghiệp của nhiều em dựa theo cảm tính, theo ý cha mẹ, bạn bè hoặc chạy theo ngành “hot”, ngành dễ học chứ không chọn theo năng lực và nhu cầu của xã hội”.

Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách, đề án, chương trình được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. Tuy nhiên, hoạt động tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với thanh niên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Thanh niên đăng ký tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm

Thực tế, việc phân luồng sau trung học (bao gồm cả THCS và THPT) được đề ra từ rất sớm trong các chủ trương đổi mới giáo dục, nhưng kết quả đến nay vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Số học sinh tốt nghiệp trung học đi học nghề chỉ chiếm trên dưới 27%. Hệ lụy là cơ cấu nhân lực luôn bất cập: “thừa thầy, thiếu thợ”.

Theo Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), một thực tế ở Việt Nam là thanh niên càng học cao có xu hướng thất nghiệp ngày càng nhiều. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên có trình độ cao đẳng và đại học trở lên hiện là khoảng 13,9% và 17%, trong khi tỷ lệ này ở nhóm trình độ sơ cấp hoặc trung cấp chỉ khoảng 6,3% và 11,3%. Trong tổng số 216,6 nghìn thanh niên thất nghiệp có tới 80,5% là thanh niên có trình độ từ cao đẳng trở lên.

Liên kết trong hướng nghiệp

Theo ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách về lao động, việc làm, Bộ LĐ-TB&XH tập trung nâng cao chất lượng phân tích, dự báo thị trường lao động, cung cấp cơ sở cho kế hoạch hóa đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm của người lao động (NLĐ), để giảm tình trạng thất nghiệp trong lao động thanh niên và sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, rút ngắn thời gian thất nghiệp và tìm việc của nhóm đối tượng này.

Công tác phân luồng, định hướng giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp THCS, THPT cần được thực hiện hiệu quả hơn để góp phần hình thành đội ngũ nhân lực theo quy mô, cơ cấu nghề nghiệp, trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Trong đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông cần được tính đến.

Điều quan trọng nữa là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, nhất là tư vấn lựa chọn ngành nghề, công việc, chắp nối cung cầu, rút ngắn thời gian tìm việc và tuyển dụng lao động. Theo ý kiến từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cần xây dựng hệ thống siêu thị thông tin thị trường lao động nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin với các địa phương, các Trung tâm Dịch vụ việc làm trên toàn quốc. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, các cơ sở đào tạo tổ chức hội nghị theo cụm xã, phường để tư vấn việc làm, nghề nghiệp, chính sách, định hướng nghề - việc làm và trang bị các kỹ năng tìm kiếm việc làm cho NLĐ, cũng như liên kết tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các trường cao đẳng, đại học, các cơ sở đào tạo…

Kinh nghiệm của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà là tăng cường thiết lập mối quan hệ giữa trung tâm với các trường phổ thông nhằm thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, tạo ra sự lưu thông trong hệ thống giáo dục. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm xóa bỏ “rào cản” định kiến xã hội về học nghề, xóa bỏ dần tâm lý chuộng bằng cấp của học sinh và phụ huynh.

Việc tư vấn lồng ghép trong hoạt động dạy nghề phổ thông cũng cần được đẩy mạnh. Thông qua các tiết dạy nghề phổ thông, giáo viên biết rõ kỹ năng nghề nghiệp của mỗi học sinh phù hợp với nghề nào để đưa ra lời khuyên. Thường xuyên tổ chức cho học viên, học sinh tham quan các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất… để các em được quan sát thực tế, hiểu rõ hơn về đặc điểm của nghề, môi trường làm việc, giúp học sinh có những quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin
Vui vì được tăng ca

Doanh nghiệp (DN) dồi dào đơn hàng, người lao động phấn khởi khi được tăng ca, cải thiện thu nhập.

Vui vì được tăng ca
Return to top