ClockThứ Bảy, 03/08/2019 11:30

Chia sẻ nhằm giảm xung đột nguồn nước

TTH.VN - Nắng nóng khiến nguồn nước tại các khe suối ở huyện Phú Lộc suy giảm. Trong khi đó, nhiều nguồn khe suối ngoài nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt vừa đảm nhiệm thêm nhiệm vụ phục vụ du lịch dẫn đến xung đột nguồn nước.

Kêu gọi đầu tư Nhà máy nước sạch Thượng Long, huyện Nam ĐôngHọp bàn biện pháp bảo vệ an toàn cho nuôi trồng thủy sản

Cơ sở kinh doanh tại suối Voi dùng bạt chắn để giữ nước

Thiếu nước

Khu vực suối Voi hàng năm có khoảng 40.000 lượt khách du lịch. Hoạt động của du khách và các hàng quán kinh doanh dịch vụ dọc theo suối Voi từ hạ lưu đập lấy nước của Nhà máy nước Chân Mây (Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế) trở xuống.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc HTX NN Song Thủy, xã Lộc Tiến, Phú Lộc chia sẻ, khu vực suối Voi hiện có 25 hộ xây dựng lán trại kinh doanh. Trước đây, nguồn nước tại khu vực này rất phong phú, lưu lượng nước chảy mạnh quanh năm. Thế nhưng năm nay, do nắng nóng nên nước nguồn tại khu vực suối này giảm mạnh, khiến quá trình sản xuất kinh doanh của các hộ dọc suối gặp khó khăn. Từ trước đến nay chưa từng xảy ra tình trạng này.

Nhiều người dân kinh doanh khu vực suối Voi cũng cho rằng việc lấy nước đầu nguồn của công ty CP cấp nước Thừa Thiên Huế mà cụ thể là nhà máy nước Chân Mây làm nguồn nước suối voi suy giảm. Vì thế, nhiều hộ kinh doanh đã dùng bạt bít kín đường ống dẫn về hố thu nước nguồn của nhà máy, khiến một số thời điểm nước nguồn về nhà máy không đảm bảo công suất ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt của người dân và Khu du lịch Laguna, ảnh hưởng tới an ninh nước.

Chia sẻ nguồn nước           

Nhà máy nước sạch Chân Mây có công suất 8.000m3/ngày đêm, sử dụng nguồn nước từ khe Mệ (suối Voi) và Bauger để xử lý và cung cấp nước sạch cho thị trấn Lăng Cô và 3 xã Lộc Tiến, Lộc Thủy, Lộc Vĩnh, khu du lịch quốc tế Laguna.

Tại nguồn nước của khe Mệ (suối Voi) và Bauger có hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của 32 hộ dân ở địa phương. Nhằm đảm bảo nguồn nước ưu tiên cho mục đích sinh hoạt và chia sẻ một phần nguồn nước cho các hộ dân trên, từ tháng 3/2018 HueWACO đã nâng cấp bể điều tiết của nhà máy Chân Mây từ 4.000 m3 lên 12.600 m3 (gấp 3,15 lần) để dự trữ nước bổ sung.

Tuy nhiên, nhiệt độ trung bình những tháng đầu năm 2019 cao hơn cùng kỳ năm trước gần 3 độ C. Nắng nóng kéo theo nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng cao, có thời điểm tăng gần gấp đôi so với thường ngày. Trong khi đó, nước nguồn tại các khe, suối của huyện Phú Lộc khô cạn suy giảm khiến nguồn nước cấp cũng bị ảnh hưởng.

Nhu cầu sử dụng tăng cao, trong 7 tháng đầu năm 2019, sản lượng nước sạch nhà máy Chân Mây đạt 1.320.000 m3, tăng 163.000 m3 (14%) so với năm 2018, riêng trong thời gian từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7/2019 sản lượng nước của nhà máy đạt trên 7.000m3/ngày đêm và cao điểm là ngày 30/6 đạt 7.798m3/ngày (325m3/giờ). Thời điểm này, nguồn nước từ khe Mệ (suối Voi) và Bauger đã suy giảm mạnh và lưu lượng nước về chỉ đạt 262m3/giờ, tối đa là 6.286m3/ngày. Nguồn nước tại nhà máy Chân Mây thiếu hụt 1.512m3/ngày (63m3/giờ). Mặc dù, dung tích bể điều tiết đã được nâng lên thêm 8.600m3 nhưng chỉ đảm bảo cấp bù trong 8 ngày.

Trước nguy cơ nguồn nước của Khe Mệ và Bauger cạn kiệt, HueWACO đã có công văn gửi UBND huyện Phú Lộc đề nghị tạm ngừng chia sẻ nguồn nước để ưu tiên cho cấp nước sinh hoạt – theo luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13, điều 54: “Trong trường hợp thiếu nước, việc điều hòa phân phối phải ưu tiên cho mục đích sinh hoạt; các mục đích sử dụng khác phải được điều hòa, phân phối theo quy định trong quy hoạch tài nguyên lưu vực sông và bảo đảm các nguyên tắc công bằng hợp lý”.

Dẫn chúng tôi đến điểm lấy nước thượng nguồn suối Voi, ông Trần Bình Phương, Tổ trưởng tổ quản lý vận hành nhà máy Chân Mây chia sẻ, một số thời điểm như thứ 7 và chủ nhật, nhà máy ghi nhận việc nước thu giảm mạnh. Qua kiểm tra, công nhân phát hiện tình trạng người dân dùng bạt bít kín điểm thu nước của nhà máy tại đập đầu nguồn suối Voi khiến nguồn nước cấp giảm mạnh, ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt.

Để giảm bớt áp lực của người dân kinh doanh tại khu vực này, Nhà máy Chân Mây đã thực hiện chia sẻ nguồn nước vào ngày thứ 7, chủ nhật. Ngoài nguồn tự chảy từ thượng nguồn về khoảng 40% tổng lượng nước (60% cấp nước sinh hoạt), vào thứ 7, chủ nhật nhà máy sẽ đóng hệ hống thu nước từ 3 đến 4 tiếng (từ 4h sáng đến 7h sáng) để người dân có thể thay nước phục vụ kinh doanh. Các hộ dân kinh doanh cũng dùng bạt che chắn các điểm nước chảy tạo thành các hố thu giữ nước phục vụ kinh doanh dọc suối.

Ông Phương thông tin thêm, để đảm bảo cấp nước an toàn, Nhà máy Chân Mây đã tăng thêm định mức xử lý các loại hóa chất (PAC, SODA, Clo) và bổ sung thêm than hoạt tính bột nhằm loại bỏ màu mùi của nước. Chất lượng nước đầu ra cấp cho khách hàng được theo dõi, giám sát liên tục hàng ngày. Kết quả phân tích tất cả các chỉ tiêu về nước sạch (Độ đục, pH, màu, COD, độ cứng, độ kiểm, Clorua, sắt, mangan, nhôm, nitrit, nitrat, amoni, độ dẫn, TDS, e.coli, coliform) đều đạt theo QCVN 01:2009/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch) trong đó chỉ tiêu độ đục nước sạch Nhà máy Chân Mây thấp hơn 20 lần so với quy định.

Bài, ảnh: Hoàng Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

TIN MỚI

Return to top