ClockThứ Tư, 28/09/2016 13:51
TRỒNG RỪNG CÓ CHỨNG CHỈ FSC:

Chiến lược tái cơ cấu ngành lâm nghiệp

TTH - Khuyến khích người dân chuyển đổi từ phương thức trồng rừng gỗ dăm sang trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC (do Hội đồng Quản trị Rừng thế giới cấp) là chiến lược trong tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của tỉnh.

 

Hướng dẫn người dân cách trồng rừng có chứng chỉ FSC

Điều kiện cần sẵn có

Toàn tỉnh hiện có 95.475 ha rừng trồng các loại, trong đó rừng trồng của các hộ gia đình hơn 58.812 ha, riêng rừng trồng keo chiếm gần 48.500 ha. Lâu nay, các hộ gia đình cũng như các đơn vị lâm nghiệp chủ yếu trồng rừng theo phương thức lấy dăm với chu kỳ 4-5 năm cho thu hoạch. Tuy nhiên, một số nơi trồng theo phương thức này không mang lại hiệu quả kinh tế, thậm chí làm cho chất đất ngày một xấu đi, hiệu quả môi trường hạn chế.

Hiện nay, nhu cầu gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC sản xuất trong nước của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu rất lớn. Phần lớn các xưởng mộc trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng thay thế nguồn nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên sang dùng gỗ cây keo, gỗ xoan, mít… để làm đồ gỗ gia dụng. Do vậy, cây keo được trồng lấy gỗ là nguồn nguyên liệu có tiềm năng dồi dào và ngày càng có giá. Không riêng thị trường nội địa, kể cả thị trường châu Âu cũng đang rất chuộng các sản phẩm sử dụng nguồn gỗ có truy xuất nguồn gốc chứng chỉ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành chọn các vùng thích hợp và vận động người dân trồng rừng theo chứng chỉ FSC. Đến nay, đã có 259 hộ chủ rừng tại 11 xã của 4 huyện, thị xã: Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc đăng ký tham gia chứng chỉ rừng FSC với diện tích hơn 986 ha. Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Đông có 6.000ha và Công ty TNHHNNMTV Lâm nghiệp Tiền Phong có 3.096ha rừng trồng tham gia cấp chứng chỉ FSC. Đại diện và hỗ trợ cho các chủ rừng năng lực đầy đủ để đáp ứng tiêu chuẩn về quản lý rừng bền vững FSC, Hội Chủ rừng phát triển bền vững Thừa Thiên Huế được thành lập. Hội cũng đã hỗ trợ thành lập 14 nhóm chứng chỉ rừng đại diện cho 259 hộ tham gia.

Theo ông Thân Trọng Anh Hùng, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, kiêm thành viên tổ tư vấn kỹ thuật quản lý rừng bền vững Thừa Thiên Huế, để đạt tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng Quản trị Rừng thế giới (FSC) cấp, người trồng phải tuân thủ nhiều nguyên tắc rất nghiêm ngặt, đảm bảo về môi trường, xã hội, kinh tế và do các chuyên gia rừng thế giới kiểm tra, đánh giá công nhận mới được cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, mục đích của tổ chức này nhằm đem lại lợi ích cho xã hội, nên những tiêu chí cũng như nguyên tắc được đặt ra rất dễ được người trồng rừng tuân theo chứ không khó khăn như ban đầu nhiều người còn e ngại.

Hoàn toàn có lợi

Ông Đinh Công Bình, cán bộ phụ trách quản lý bảo vệ rừng - Hạt kiểm lâm Phong Điền cho biết, ban đầu, gần 90 hộ trồng rừng theo chứng chỉ FSC ở xã Phong Mỹ và Phong Sơn còn rất mơ hồ. Tuy nhiên, sau thời gian được tập huấn, phân tích về FSC, tổ chức cho đại diện nhóm trưởng đi tham quan để nhận biết keo giống thân thiện môi trường là như thế nào, cách khai thác ra sao, việc lập kế hoạch, ghi chép…, các hộ trồng rừng đã nhận thức rõ hơn mục đích của FSC không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn tác động tích cực đến xã hội và môi trường, giúp họ yên tâm kinh doanh sản xuất rừng ổn định, bền vững hơn.

Khoảng 6.000ha rừng trồng của hộ gia đình và 11.000 ha của đơn vị lâm nghiệp được cấp chứng chỉ là mục tiêu trong kế hoạch phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn của tỉnh đến năm 2020.

Theo những chủ rừng tham gia FSC, khi chưa tham gia chương trình này, đến kỳ khai thác, họ đều khoán trọn gói cho thương lái từ a đến z. Nhưng với rừng có chứng chỉ FSC, họ được hướng dẫn phải mang áo quần bảo hộ khi chặt, kỹ thuật chặt cũng phải tuân thủ tiêu chí FSC, không được khai thác trắng, tránh đốt thực bì... Mọi hoạt động phải đúng theo tinh thần của FSC. Khâu giám sát tuy rất “mở”, nhưng rất chặt chẽ và hiệu quả. Nếu đoàn đánh giá kiểm tra phát hiện chỉ cần có 1 hộ vi phạm thì coi như xóa sạch các nhóm hộ còn lại. Do đó, khâu giám sát không chỉ do tổ trưởng, người thu mua, cán bộ kỹ thuật mà còn có sự tự giám sát lẫn nhau giữa các hộ trồng rừng.

Nhóm chứng chỉ rừng ở Bến Ván, xã Lộc Bổn (Phú Lộc) là một trong những nhóm hộ đi đầu thực hiện trồng rừng theo chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh và đã khai thác gỗ có gắn mác FSC. Ông Hồ Đa Thê, Nhóm trưởng nhóm Chứng chỉ rừng Bến Ván cho hay, giá gỗ FSC bán cao hơn gỗ không có chứng chỉ khoảng từ 20- 25%. Với việc bán trực tiếp tới các nhà máy với tư cách là một hiệp hội mà không cần thông qua thương lái trung gian, các hộ dân có thêm cơ hội ổn định đầu ra, tăng cao thu nhập. 

Hiện nay, Công ty Scansia Pacific tiếp cận với các nhóm hộ và cam kết hỗ trợ về chi phí đánh giá chứng chỉ hàng năm, vốn vay lãi suất ưu đãi cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra dài hạn với mức giá cao hơn 20% so với giá bán gỗ dăm thông thường.

Đại diện Hội Chủ rừng phát triển bền vững Thừa Thiên Huế cung cấp thêm thông tin, ngoài FSC gỗ, sắp tới còn có FSC dăm gỗ. Thay vì trồng 7-8 năm khai thác, nhưng nếu người dân mới trồng khoảng 5 năm và thực hiện tốt mọi cam kết trồng rừng theo chứng chỉ thì sản phẩm vẫn được gắn mác FSC dăm và giá bán chắc chắn cao hơn gỗ dăm không có chứng chỉ.

HOÀI THƯƠNG

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu

Tại lễ Tết trồng cây năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, hoạt động trồng cây, gây rừng là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu
Trồng 2.400 cây rừng bản địa

Đó là hoạt động chào mừng Ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28/11 do Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh tổ chức vào ngày 25/11.

Trồng 2 400 cây rừng bản địa
Return to top