ClockThứ Năm, 25/02/2016 10:52

Chính phủ khoá mới giải quyết những tồn tại thế nào đây?

Chính phủ nhiệm kỳ qua có nhiều thành tựu, dấu ấn. Tuy nhiên, nhiều vấn đề lớn cần Chính phủ khoá mới tiếp tục giải quyết.

Cho ý kiến về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011 – 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá Chính phủ nhiệm kỳ qua thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp, luật định; khẳng định được vai trò cơ quan hành chính cao nhất, cơ quan hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội; thực hiện quản lý nhà nước thống nhất về tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Chính phủ gần dân hơn

Các ý kiến cho rằng, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng với nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành, địa phương thực hiện đã kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đạt tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối; thực hiện có kết quả bước đầu các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giữ được hòa bình, hữu nghị với các nước; bảo đảm ổn định chính trị xã hội; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển cao hơn trong giai đoạn tới.

Trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng chỉ tiêu này năm 2014 và 2015 đã có chuyển biến tích cực, vượt kế hoạch đề ra.

Nhấn mạnh điều hành kinh tế vĩ mô trong điều kiện tình hình khó khăn là một thành tựu lớn, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội chính là sự mở đầu đúng đắn, trí tuệ, được sự đồng thuận cao.

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội đánh giá cao chính sách xã hội trong giai đoạn 5 năm qua

Từ góc độ chính sách xã hội, bà Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, 5 năm qua là giai đoạn chuẩn bị có bước chuyển về chính sách để đi những bước tiến bộ xã hội.

Theo đó, thị trường lao động tiếp tục được hoàn thiện, định hình bước cơ bản qua việc sửa các luật. Chính sách chủ động được hình thành như liên quan việc làm, đào tạo nghề, thông tin thị trường lao động. Chính sách thụ động có bảo hiểm thất nghiệp hướng tới giải quyết rủi ro cho người lao động. Quan hệ lao động có bước tiến triển tích cực. Chính sách an sinh luôn được ưu tiên mạnh mẽ.

Đánh giá cao thành tựu của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc  Ksor Phước nhấn mạnh, nhiệm kỳ qua có nhiều khó khăn, thách thức lớn nhưng cơ bản giữ vững ổn định đất nước, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường quan hệ đối ngoại, tạo được sự phát triển và nền tảng cho khoá tiếp theo.

“Báo cáo bám sát các nhiệm vụ, đặt biệt nói rõ tồn tại, hạn chế chứ không chỉ là thành quả. Còn nhiều khó khăn thách thức phía trước và nhiều vấn đề phải được giải quyết tốt hơn nữa. Tất cả xử lý làm sao đảm bảo tinh thần chúng ta không bị thua trên sân nhà khi hội nhập và nền dân chủ xã hội, yêu cầu của người dân cao hơn” – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Dấu ấn của Chính phủ còn thể hiện ở sự quyết liệt về hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính.

“Xây dựng Chính phủ, chính quyền gần dân, sát thực tiễn, giải quyết được vấn đề bức xúc của đất nước, của vùng miền. Nhiệm kỳ qua làm tốt hơn, nhanh nhạy hơn và xác thực, hiệu lực rõ ràng hơn”, ông Ksor Phước nói.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, thông tin của Chính phủ ngày càng đầy đủ, toàn diện và được người dân mong tìm, tin tưởng. Điều này rất quan trọng “vì trước đây người ta nghĩ ta chỉ cho cái muốn cho về thông tin, bây giờ cung cấp đầy đủ, kịp thời phục vụ cho sự phát triển, ổn định đất nước”.

"Khoá sau giải quyết thế nào đây?"

Góp ý vào Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt vấn đề: Qua các lần chất vấn và Quốc hội yêu cầu thì Chính phủ giải quyết được bao nhiêu và dứt điểm vấn đề gì? Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội thì các Nghị quyết của Quốc hội đưa ra Chính phủ làm được bao nhiêu?

Đề cập những “tồn tại nặng nề”, ông Ksor Phước đề nghị cần đánh giá cho đúng việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương về “tam nông” – nông nghiệp, nông thôn và nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là vấn đề xác đáng, trách nhiệm rất cao trong việc thể chế hoá từ quan điểm của Đảng, đến Quốc hội, Chính phủ. Hiện nay vẫn là lĩnh vực yếu kém.

Vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường đã được nhìn thấy và đề cập từ cách đây mấy nhiệm kỳ nhưng theo ông Ksor Phước là “giờ ngày càng thấy nghiêm trọng từ thành phố tới nông thôn, đặc biệt là quản lý bảo vệ rừng. Khoá sau cần giải quyết thế nào đây?”

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị cần đánh giá cho đúng việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương về “Tam Nông”

Hay mục tiêu xây dựng chính quyền chuyên nghiệp, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả đặt ra từ lâu tuy có thực hiện song lạc hậu so với yêu cầu phát triển: “Đơn cử như chính quyền đô thị ngày càng rõ nét nhưng hiện rất chậm so với thực tiễn nhưng Chính phủ chưa làm quyết liệt. Cần làm hết sức nghiêm túc để khoá sau thực hiện”.

Dù đánh giá rất cao công tác xoá đói giảm nghèo nhưng theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc là khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, nhất là giữa miền núi với miền xuôi. Chính sách còn giải quyết cấp thời vì quan trọng phải kích thích nội lực để người ta vươn lên làm chủ cuộc sống của mình cùng sự phát triển chung của đất nước.

Còn theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, báo cáo cần đề cập việc thực hiện chiến lược biển vì đây là vấn đề quan trọng được cử tri quan tâm và đặc biệt trong điều kiện hiện nay phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thì cho rằng cần có phần đánh giá về doanh nghiệp. Bởi số doanh nghiệp ngừng hoạt động do khó khăn có mặt nguyên nhân từ chính sách. Cùng với đó là vấn đề cải thiện môi trường đầu tư.

“Mắt xích lớn nhất là con người, bộ máy công quyền. Thế giới công nhận luật của mình đủ minh bạch, công khai nhưng việc cắt bỏ thủ tục hành chính chưa đạt. Xã hội bức xúc vấn đề tham nhũng, lãng phí. Cứ để có nhà đầu tư nước ngoài nói sợ “chi phí gầm bàn” thì phản cảm hiệu quả chính sách”, ông Giàu bày tỏ. Ngoài ra vấn đề bộ máy biên chế, tiền lương là nhiệm vụ lớn cần tập trung làm trong nhiệm kỳ tới.

Theo VOV

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top