ClockThứ Bảy, 10/02/2018 13:11

Chó cưng của danh họa

TTH - Với một sự quan sát thấu đáo, và bằng tình yêu mến, những tranh vẽ cùng phác thảo tuyệt vời về hai chú khuyển Stanley và Boodgie không chỉ là sự tôn vinh loài gia súc thân thiết nhất của con người mà còn là những tác phẩm của một bậc thầy hội họa.

Tranh hiếm của danh hoạ Picasso sắp bước vào cuộc đấu giá lịch sửTriển lãm tác phẩm năm 1932 của danh họa Pablo PicassoĐấu giá bức tranh cuối cùng của cố họa sĩ Leonardo Da VinciDanh họa Foujita & HuếNiềm đam mê của Picasso đối với những nền văn hoá xa xôi

Sách Dog Days của David Hockney với hình Stanley và Boodgie

Picasso và chó Lump

Trong số hàng chục ngàn bức tranh và phác thảo mà Pablo Picasso (1881-1973), nhà khai sáng trào lưu Lập thể trong hội họa hiện đại, để lại cho đời có nhiều bức thể hiện chú chó cưng Lump của ông. Lump thuộc giống dachshund - một loại chó Đức nhỏ, mình dài chân ngắn, lông màu nâu hoặc đen - đến với Picasso trong một trường hợp khá đặc biệt. Đó là vào năm 1957, nhiếp ảnh gia người Mỹ nổi tiếng về ảnh chiến tranh David Douglas Duncan đã tìm đến Villa La Californie, dinh thự cũng là xưởng vẽ của Picasso tại thành phố Cannes (Pháp) thực hiện một bộ ảnh về nhà danh họa. Cùng đi với nhà nhiếp ảnh có chú chó Lump của ông. Không ngờ khi Picasso và Lump gặp nhau đã nảy sinh một tình cảm lạ lùng để rồi chú chó đã ở lại Villa La Californie suốt sáu năm, trước khi Picasso dọn tới nơi ở mới là lâu đài Vauvenargues, gần Aix-en-Provence.

Những năm sống ở Villa La Californie, Lump được đặc quyền là có thể đến bất kỳ nơi nào trong khu dinh thự sang trọng trên đồi, là sinh vật duy nhất được phép ra vào xưởng vẽ của Picasso và là “chú chó duy nhất được Picasso bế trên tay” như lời David Duncan, tác giả của cuốn sách ảnh tuyệt diệu Picasso & Lump: một cuộc phiêu lưu của chú chó dachshund (NXB Bulfinch Press) ấn hành năm 2006, hơn ba thập niên sau khi Picasso và Lump đều qua đời, chỉ cách nhau vài tháng. Tính ra Lump và Picasso đã gắn bó với nhau trong hơn 16 năm và Lump đã xuất hiện trong 54 tác phẩm của nhà danh họa. Đặc biệt là với loạt tranh Meninas gồm 44 bức, được Piasso sáng tác từ 17-8 đến 30-12-1957 như một cách diễn giải mới kiệt tác Las Meninas của họa sĩ Tây Ban Nha Diego Velázquez (1599-1660), Lump có mặt trong 15 bức.

Andy Warhol với chú khuyển cưng Archie (trên), tranh vẽ Amos và Archie (dưới)

Archie, Amos của Andy Warhol

Được coi là một ông tổ của trào lưu Pop Art trong hội họa Mỹ, Andy Warhol còn làm phim, sản xuất âm nhạc và ở trong số các họa sĩ có tranh cao giá nhất mọi thời. Năm 1973, Jed Johnson, bạn nối khố của Warhol thuyết phục ông nuôi một chú khuyển. Từ đó chó Archie lông nâu giống dachshund gắn bó với Warhol như hình với bóng: Archie có mặt trong xưởng vẽ khi Warhol làm việc, đến với ngày khai mạc triển lãm tranh và theo Warhol vào nhà hàng quen thuộc của ông. Thậm chí Warhol đã từ chối một chuyến đi đến London bởi không thể để Archie chịu cảnh nuôi nhốt trong sáu tháng tại nhà. Vài năm sau, Warhol có thêm một chú dachshund được ông đặt tên là Amos.

Năm 1976, người quản lý của Warhol là Fred Hughes nêu ý tưởng là Warhol nên làm một triển lãm với toàn bộ tranh vẽ chó và mèo, hai loài vật được Warhol rất yêu thích. Ông rất thú vị với ý tưởng này nhưng khởi đầu chỉ vẽ những con chó và mèo được nhồi bông, mãi sau mới vẽ những con vật sống, và tất nhiên Archie cùng Amos đã xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm của Warhol.

Bìa sách Picasso & Lump: một cuộc phiêu lưu của chú chó dachshund

Hai chó cưng của David Hockney

“Một sưu tập đầy quyến rũ, một cuốn sách căn bản về giống chó dachshund hay là thú cưng của Hockney”, đó là nhận định của tuần báo Anh The Mail on Sunday về tập sách Dog Days được xuất bản lần đầu năm 1998 và tái bản nhiều lần. Sinh năm 1937, David Hockney là một trong những họa sĩ đương đại nổi tiếng và được yêu mến nhất tại Vương quốc Anh dù đề tài trong tranh ông luôn giản dị: khung cảnh cuộc sống hàng ngày, người thân, bè bạn và đồ vật quanh mình. Ông còn thiết kế sân khấu và là nhà nhiếp ảnh có nghề.  Năm nay đã ngoài tám mươi tuổi thọ, ông vẫn sáng tác và triển lãm tranh, ảnh.

Năm 1993, sau hàng loạt công việc thiết kế sân khấu cho các vở opera diễn ra dồn dập, Hockney dành thời gian nghỉ ngơi cũng là dịp để thử nghiệm những kỹ thuật và chất liệu mới, ông bắt đầu vẽ hai chú chó cưng Stanley và Boodgie. “Từ tháng 9-1993, tôi đã vẽ và ký họa những chú khuyển của tôi. Công việc này cần phải hoạch định ít nhiều bởi thông thường thì những con chó không thích thú gì chuyện vẽ vời ấy. Đồ ăn và chuyện yêu đương chiếm lĩnh cuộc sống của chúng”, họa sĩ kể.

Với một sự quan sát thấu đáo, và bằng tình yêu mến, những tranh vẽ cùng phác thảo tuyệt vời về hai chú khuyển Stanley và Boodgie không chỉ là sự tôn vinh loài gia súc thân thiết nhất của con người mà còn là những tác phẩm của một bậc thầy hội họa. “Hai sinh vật bé nhỏ đáng yêu (trong tập sách Dog Days) là bạn của tôi. Chúng thông minh, đằm thắm, hài hước và thường quấy rầy. Chúng trông tôi vẽ; tôi lưu tâm đến những dáng hình sôi nổi mà chúng cùng làm với nhau, đến nỗi buồn và sự vui sướng của chúng”. Stanley và Boodgie có mặt trong 84 minh họa đầy màu sắc trong Dog Days, tập sách tranh quyến rũ những ai yêu thích giống cho dashshund, cũng là cách Hockney thể hiện tình yêu của ông đối với hai chú chó thân yêu.  

Lucian Freud với những chú chó đua

Lucian Michael Freud (1922-2011) là một tên tuổi lớn của hội họa biểu hình Anh đương đại và là một trong những họa sĩ vẽ chân dung xuất sắc nhất thế kỷ 20 mà người mẫu hầu hết là bạn bè và người thân trong gia đình; qua đó thể hiện sự thấu suốt về mặt tâm lý đối với nhân vật cũng như khảo sát mối quan hệ phức tạp giữa ông với họ. Ngày 14-5-2015, trong một phiên đấu giá tại nhà Christie’s ở New York, bức chân dung khỏa thân Nàng Sue béo đã được bán với giá 56,2 triệu USD.

Lucian Freud thường đưa hình ảnh những chú chó Pluto và Eli của ông vào các tranh chân dung, thậm chí chúng có khi xuất hiện như thể là chủ đề chính trong tranh thay vì các nhân vật được ông vẽ chân dung. Họa sĩ lý giải tình yêu của ông khi vẽ các chú chó: “Tôi có ấn tượng với tính không kiêu căng của chúng, sự háo hức luôn có sẵn nơi chúng và tính thực dụng ở loài vật của chúng”.

Bài, ảnh: NGUYÊN ĐÁN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải quyết dứt điểm, thấu đáo các vấn đề người dân quan tâm, bức xúc

Tại buổi tiếp dân tại thị trấn Phú Lộc ngày 31/3, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu chỉ đạo: Cùng với việc tiếp thu, xử lý kiến nghị, đề đạt của người dân, cần đối thoại, giải thích rõ và có giải pháp giải quyết dứt điểm, thấu đáo các vấn đề người dân quan tâm, bức xúc.

Giải quyết dứt điểm, thấu đáo các vấn đề người dân quan tâm, bức xúc
Danh họa Foujita & Huế

“Lấy con mắt họa sĩ, và lạy chúa, lấy con mắt một người đàn ông mà nhìn, tôi thú thật phải quyến luyến biết bao vẻ kiều diễm, thanh nhã, đài các của các thiếu nữ chốn Thần kinh…”.

Danh họa Foujita  Huế
Niềm đam mê của Picasso đối với những nền văn hoá xa xôi

Sự ngưỡng mộ của danh họa Pablo Picasso đối với nghệ thuật từ các nền văn minh xa xôi vừa được giới thiệu trong một triển lãm mới ở Paris (Pháp). Sự kiện là nơi trưng bày những tác phẩm từ bộ sưu tập của Picasso, cũng như các phác họa, tác phẩm điêu khắc và bức tranh được lấy cảm hứng từ những nền văn hóa này của ông.

Niềm đam mê của Picasso đối với những nền văn hoá xa xôi
Return to top