ClockThứ Bảy, 15/07/2017 12:10
HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ DU LỊCH TẠI KHU DI SẢN HUẾ:

Chờ đợi nhà đầu tư tâm huyết & giàu kinh nghiệm

TTH - “Đúng là hệ thống dịch vụ và các sản phẩm liên quan chưa được như mong đợi dù đã xã hội hóa hoàn toàn. Đây cũng là một điểm yếu của ngành du lịch dịch vụ cần nỗ lực khắc phục…”, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, chia sẻ.

TS. Phan Thanh Hải

Thừa Thiên Huế đang nỗ lực xây dựng thương hiệu “Một điểm đến 5 di sản”, vậy chiến lược để thu hút du khách đang ở phân khúc nào?

Thế mạnh của Huế chính là di sản văn hóa. Chiến lược phát triển du lịch cũng hướng đến việc thu hút các thị trường khách có nhu cầu cao về tìm hiểu văn hóa, lịch sử, nổi bật là du khách châu Âu, Bắc Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Mấy năm trở lại đây, lượng khách đến tham quan di tích luôn tăng với tốc độ rất ổn định, trung bình khoảng 17-18%/năm. Tương lai gần, chúng tôi tiếp tục hướng vào đối tượng khách truyền thống này, nhất là khách Nhật Bản.

Một cảnh trong “Lễ đổi gác”. Ảnh: Bảo Minh

Trong Hoàng thành Huế, một số công trình trọng điểm, như điện Cần Chánh, điện Kiến Trung dù đã được chuẩn bị nhiều năm nhưng vẫn chưa thể tiến hành trùng tu. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, phải ưu tiên cho việc trùng tu phục, tu bổ, bảo quản những công trình kiến trúc hiện còn, như: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Triệu Tổ miếu, Thế Tổ miếu, Hưng Tổ miếu, Thái Bình lâu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh… Thứ hai, việc nghiên cứu phục hồi những công trình kiến trúc quan trọng có quy mô lớn như điện Cần Chánh, điện Kiến Trung đòi hỏi phải tiến hành hết sức công phu và cần nguồn lực đầu rất lớn. Thứ ba, trong kế hoạch trung hạn (2016-2020), chúng ta đang ưu tiên trùng tu phục hồi một số công trình có quy mô nhỏ hơn nhưng cũng rất quan trọng, như: Nhật Thành lâu, vườn Thiệu Phương. Điện Kiến Trung hay điện Cần Chánh vẫn là những dự án chiến lược nằm trong kế hoạch trung hạn và dài hạn của công cuộc trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế.

Hiện, công tác chuẩn bị hồ sơ cho dự án trùng tu điện Kiến Trung cơ bản hoàn thành, còn hồ sơ phục hồi điện Cần Chánh đang được triển khai.

Có ý kiến rằng, nghệ thuật điêu khắc, tranh gương, khảm sành sứ… thời nhà Nguyễn bị thất truyền rất nhiều, trong khi các nghệ nhân hiện tại lại áp dụng kỹ thuật mới mà không có phương pháp phù hợp. Vấn đề này có trong thực tiễn trùng tu các công trình di tích Huế không?

Trong công tác trùng tu di sản ở Huế, công nghệ truyền thống và đội ngũ nghệ nhân - những người nắm giữ bí quyết, luôn luôn được coi trọng và quy trình trùng tu di tích luôn tuân thủ các nguyên tắc bảo tồn theo Công ước Di sản thế giới và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam. Các công nghệ được áp dụng đều là công nghệ truyền thống từ chạm trổ, điêu khắc, sơn thếp, nề ngõa… Đội ngũ nghệ nhân phần lớn đều là con nhà nòi, có truyền thống lâu đời, hoặc được đào tạo bài bản. Di sản Huế là kết tinh từ tài năng, trí tuệ và những đôi bàn tay vàng của người Việt Nam từ khắp mọi miền trong nước, và nay chúng tôi vẫn tiếp tục truyền thống này. Đó là một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng của công tác trùng tu tại quần thể di tích Cố đô Huế. Đến nay, Huế vẫn được UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đánh giá cao về công tác bảo tồn, trùng tu các di sản văn hóa.

Tất nhiên, có những sản phẩm đặc biệt như tranh gương, đồ sứ cao cấp ký kiểu từ Trung Quốc… thì không phải là sản phẩm nội địa của Việt Nam, nên đến nay chúng tôi vẫn cố gắng bảo tồn những gì vốn có, hạn chế tối đa việc tác động vào các hiện vật gốc.

Đại Nội mở cửa đón khách tham quan về đêm đã hơn 1 tháng, nhưng có vẻ hiệu quả ban đầu chưa như mong muốn...

Đúng là chương trình chưa đạt kết quả như mong đợi. Tuy vậy, cũng nên ghi nhận những thành công bước đầu, nhất là trong tuần mở cửa đầu tiên về đêm, Hoàng cung Huế đã đón hàng vạn người dân địa phương đến tham quan, thưởng lãm. Đây là cơ hội tốt để chúng tôi đưa di sản đến với cộng đồng, để người dân thêm hiểu biết và tự hào về di sản của cha ông.

Sau hơn một tháng mở cửa, chúng tôi đã đánh giá lại một cách tổng thể chương trình mở cửa Đại Nội đêm, phân tích những điểm bất cập và có sự điều chỉnh kịp thời. Theo đó, chương trình ca Huế sẽ chuyển về biểu diễn tại Thái Bình Lâu, thay vì ở nhà Bát giác và nhà hát Duyệt Thị Đường sẽ là nơi trình diễn vở Bát tiên hiến thọ, thay vì tại khu vực sân vườn cung Trường Sanh. Ánh sáng nghệ thuật và hệ thống biển chỉ đường có gắn sáng sẽ được điều chỉnh và bổ sung. Hy vọng, Đại Nội đêm sẽ dần dần khẳng định được thương hiệu và sẽ được du khách chọn lựa như một điểm đến không thể thiếu trong chương trình tham quan Cố đô Huế.

Không ít ý kiến đánh giá, sản phẩm du lịch tại Cung Trường Sanh, Lục Bộ, Nhà lưu niệm bà Từ Cung, lầu Tứ phương Vô sự… chưa xứng tầm với giá trị của điểm đến. Quan điểm của ông và hướng phát triển dịch vụ tại khu di sản Huế?

Đánh giá đó không sai. Chúng tôi đang tích cực xây dựng đề án đổi mới mô hình hoạt động của Trung tâm theo hướng tinh gọn, hiệu quả, gắn liền với việc xã hội hóa hoàn toàn các hoạt động dịch vụ. Hy vọng sẽ có những nhà đầu tư có tâm, có tầm và giàu kinh nghiệm để có thể thay đổi một cách cơ bản các hoạt động dịch vụ trong khu di sản Huế. Hiện tại, đối với các điểm hoạt động dịch vụ trong khu di tích Huế, chúng tôi đang nỗ lực cải thiện chất lượng phục vụ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có 35 năm xây dựng và phát triển, nhưng mô hình quản lý và phát huy giá trị di sản Huế vẫn đang là vấn đề được quan tâm. Theo ông, đối với khu di sản Huế, mô hình nào sẽ phù hợp?

Thừa Thiên Huế đang quyết tâm đổi mới mô hình hoạt động của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản. Hiện nay, đã có nhà đầu tư chiến lược làm việc với lãnh đạo tỉnh về vấn đề này và UBND tỉnh giao Trung tâm phối hợp với đơn vị đó xây dựng đề án xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích. Đề án chúng tôi đang phối hợp xây dựng mô hình quản lý phù hợp theo hướng tinh gọn, hiệu quả và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy, đồng thời vẫn giữ được mục tiêu lớn nhất là phải bảo tồn được di sản. Nếu xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị không khéo thì rất dễ phá vỡ di sản văn hóa.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

ĐỒNG VĂN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2

Ngày 25/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hàn Quốc do Thượng nghị sĩ Quốc hội, thành viên Ủy ban Y tế phúc lợi, Ủy ban Phụ nữ và gia đình Quốc hội Hàn Quốc Choi Younsuk làm trưởng đoàn cùng đại diện Bộ Y tế Phúc lợi Hàn Quốc, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng, nhà đầu tư, giám đốc điều hành các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế Hàn Quốc đến thăm, tìm hiểu cơ chế đầu tư giai đoạn 2 tại Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2.

Đoàn Đại biểu Quốc hội Hàn Quốc cùng các nhà đầu tư đến thăm, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2
Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

TIN MỚI

Return to top