ClockThứ Ba, 01/11/2016 13:31

Chờ đợi sự phát triển của y học

TTH - Lập gia đình sớm, sinh nhiều con, chồng làm thợ nề, vợ buôn bán nhỏ không đủ khả năng nuôi con học hành nhiều nhưng nhìn các con khỏe mạnh, lớn lên có nghề nghiệp ông Trần Hữu Dũng (Thuận Thành, Huế) cũng thấy mát lòng, nhưng bất hạnh nối tiếp bất hạnh đến với gia đình ông.

Ông Dũng và con trai

Bất hạnh nối tiếp bất hạnh

Ông Dũng có 5 người con, cả gia đình sống trong căn nhà tạm bợ chưa đến 20m2 dựng trên đất của cha mẹ. Thời tiết ở Huế mùa đông kéo dài, nghề thợ nề thu nhập không ổn định nên ông phải sang Lào làm thuê. Sau khi 3 người con lớn (1 trai, 2 gái) lập gia đình, con trai thứ 4 của ông cũng nghỉ học sớm để học nghề. Gánh nặng vơi bớt nhiều phần, ông Dũng mong nuôi cậu út học hành đàng hoàng. Lúc này, Trúc đang học lớp 3 Trường tiểu học (TH) Thuận Thành.

Năm 2011, vợ bị bệnh nặng, ông vội chạy từ Lào về, nhưng bà không qua khỏi. Ông Dũng dằn vặt tự trách mình ở xa mới đến nông nỗi như vậy nên quyết định ở nhà chăm sóc các con. Nỗi đau chưa nguôi thì tháng 9/2014, cháu Trúc sốt kéo dài, sau 1 tháng làm các loại xét nghiệm bác sĩ kết luận cháu bị ung thư máu dòng tủy, khả năng khỏi bệnh là rất mong manh. Một lần nữa, như muốn ngã gục, nhưng ông phải đứng dậy, vì con trai chỉ có ông để dựa.

Nhờ hợp nhóm máu với con nên giảm được tiền truyền máu, nhưng chi phí điều trị ban đầu sau khi đã trừ bảo hiểm hơn 30 triệu đồng cũng nằm ngoài khả năng. Ông phải chạy vạy khắp nơi cầu cứu, viết đơn đến Trường TH Thuận Thành, UBND phường nhờ giúp đỡ. Ban Giám hiệu Trường TH Thuận Thành đã kêu gọi phụ huynh và giáo viên hỗ trợ được hơn 21 triệu đồng, Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ 1,2 triệu đồng. Số tiền đó như chiếc phao cứu sinh, không chỉ giúp ông Dũng giải quyết khó khăn, mà còn động viên ông tiếp tục cùng con chiến đấu với bệnh tật.

Từ đó đến nay, hằng năm, UBND phường hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho Trúc. Anh em, họ hàng, bạn bè, hàng xóm của ông tuy không nhiều, nhưng thi thoảng người giúp vài trăm ngàn đồng phụ ông chi phí lặt vặt và bồi dưỡng cho con phần nào giúp ông bớt cô đơn trong cảnh gà trống nuôi con.

Anh trai đầu của Trúc là Trần Hữu Tuấn gạt nước mắt khi kể: “Hồi đó, nhìn em tím tái trên giường bệnh, người đầy dây dợ và cái lắc đầu của bác sĩ khiến gia đình tôi cứ tưởng không cứu sống em được. Thế nhưng ba tôi vẫn quyết tâm “còn nước còn tát”, em tôi hồi phục ăn được đến bây giờ quả là trời không phụ ông”.

Chờ đợi y học

Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ theo địa chỉ: Trần Hữu Dũng, số nhà 5/23 Nhật Lệ, phường Thuận Thành, TP.Huế, số điện thoại 01647239077. Hoặc Báo Thừa Thiên Huế, số 61 đường Trần Thúc Nhẫn, TP.Huế; điện thoại: 0543820424.

Sau 1 năm tròn điều trị điều trị ung thư máu tại Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế, Trần Hữu Anh Trúc xuất viện. Em trở lại lớp trước sự lo lắng của gia đình và nhà trường, nhưng nếu không cho em đi học xem như cắt đi phần “thuốc an thần” đang rất hữu ích với việc điều trị của em. Cô giáo Lê Thị Mai Lan, Hiệu trưởng Trường TH Thuận Thành nhớ lại: “Hôm chúng tôi đến thăm em ở bệnh viện, trong hơi thở yếu ớt, em chỉ nói duy nhất một câu “Con mong mau lành để được về đi học”. Vì thế, chúng tôi đồng ý cho em tiếp tục đi học dù vẫn biết bệnh tình của em không nên tiếp xúc nhiều với môi trường không an toàn”.

Ngày xuất viện, bác sĩ dặn gia đình phải hết sức cẩn thận, bệnh của Trúc để có vết thương là không cầm máu được, hoặc khi thấy em có hiện tượng chóng mặt là dấu hiệu nguy hiểm phải lập tức đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Bình thường, 2 tuần, Trúc phải tái khám để kiểm tra máu. Hiện nay chi phí điều trị đã có bảo hiểm, ông Dũng chỉ lo Trúc phát bệnh, không biết xoay xở thế nào…

 Từ ngày gia đình xảy ra nhiều chuyện buồn, nơi ở của gia đình xuống cấp, ông Dũng đưa Trúc vào ở nhờ nhà nội, chăm con và chăm mẹ già 88 tuổi. Các con ông đều là những lao động chân tay, có gia đình riêng, thu nhập chỉ tạm đủ sống, thi thoảng có dư chút tiền chỉ đủ mua cho em ít thức ăn chứ không phụ cha việc lo cho em. Không đủ sức để làm thợ nề, ông Dũng hiện làm thời vụ tại Bệnh viện Mắt, lương mỗi tháng hơn 2 triệu đồng, phải trả ngân hàng hơn 1,2 triệu đồng. Trong khi đó, bệnh của Trúc đòi hỏi phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng, nhất là những loại thức ăn có tác dụng hỗ trợ việc sản sinh hồng cầu, như thịt bò, cua, cá… Ông Dũng nghẹn ngào: “Hôm mô anh chị hắn cho tiền, tui ra chợ mua con cua, ăn xong thì thấy sắc mặt nó hồng hào hơn, nhìn vừa vui vừa xót xa. Đến tiền bồi dưỡng cho con tui lo còn chưa xong, lỡ có chuyện chi không biết tính răng”.

Khó khăn là vậy, nhưng chưa bao giờ có ý bỏ cuộc, nhất là sau lần Trúc vượt qua cửa tử cách đây 2 năm, ông Dũng vẫn có một niềm tin mãnh liệt vào y học, tin các nhà khoa học sẽ đuổi kịp bệnh của con ông. Rất mong các nhà hảo tâm, các tổ chức, cơ quan, ban ngành quan tâm giúp đỡ để cha con ông Trần Hữu Dũng vượt qua được khó khăn hôm nay.

Bài, ảnh: Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đòn bẩy” để người nghèo vươn lên

Xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, kết nối những tấm lòng hảo tâm cùng chung tay với chính quyền địa phương để giúp các hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Đó là những gì Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam phường Đông Ba, TP. Huế đã và đang làm được để tạo nên những “đòn bẩy” giúp người nghèo vươn lên.

“Đòn bẩy” để người nghèo vươn lên
Sống chung với mưa lũ

Ngày 16/11, nước còn ngập ở nhiều vùng. Người dân vẫn tìm cách thích nghi trong mưa lũ bởi với họ, vẫn phải sinh hoạt, mưu sinh. Dù khó khăn song trong hoạn nạn, ở đâu đó, sự sẻ chia là món quà sưởi ấm lòng người lúc này. ​

Sống chung với mưa lũ
Ông Nhật cần đến luật sư để tìm hướng giải quyết dứt điểm

Mới đây, Báo Thừa Thiên Huế nhận được đơn của ông Lê Minh Nhật, nguyên là nhân viên Trung tâm Kỹ thuật - Công nghệ Thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở TN&MT (gọi tắt Trung tâm) phản ánh ông Nguyễn Tất Tùng, nguyên giám đốc Trung tâm (giai đoạn năm 2015 đến 2022) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra tình trạng mất đoàn kết trong đơn vị.

Ông Nhật cần đến luật sư để tìm hướng giải quyết dứt điểm
Đồng lòng, đoàn kết giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam

Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023 của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thừa Thiên Huế, tuy đã có nhiều khó khăn nhưng hoạt động của các cấp hội trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì và đã đạt được một số kết quả đáng kể.

Đồng lòng, đoàn kết giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam
Return to top