ClockThứ Tư, 19/10/2016 06:23

Chờ kinh phí trùng tu di tích

TTH - Di tích nhiều nhưng kinh phí trùng tu, tôn tạo quá khiêm tốn là nghịch lý tồn tại nhiều năm nay.

Đình làng An Cựu xuống cấp trầm trọng chờ trùng tu, tôn tạo

Mòn mỏi đợi

Sau nhiều năm “kêu cứu”, đến nay, đình làng An Cựu (đường An Dương Vương, TP. Huế), di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vẫn chưa được trùng tu. Trở lại đây sau gần 1 năm, di tích này càng xuống cấp trầm trọng, hệ thống cột kèo xiêu vẹo, hư hỏng vì mục mối. Mái ngói bể, dột nát, trời mưa nước chảy lênh láng khắp đình. Ông Trần Văn Sửu – Phó làng An Cựu lo lắng: “Nghe nói đình làng được đưa vào diện được trùng tu lâu rồi nhưng chúng tôi chờ đợi mòn mỏi. Tui lo mưa, bão, đình làng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào”. 

Đình làng An Cựu là một trong số nhiều di tích xuống cấp nhưng chưa được trùng tu. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, toàn tỉnh có 981 di tích được kiểm kê, làm hồ sơ; trong đó có 153 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia (kể cả 35 di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế). Hầu hết các di tích đều xuống cấp và có đến 60% cần phải được trùng tu, tu bổ cấp thiết.

Thiếu kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích là bài toán chưa có lời giải từ nhiều năm nay, bởi di tích thì nhiều nhưng kinh phí trùng tu, sửa chữa lại như “muối bỏ biển: “Khoảng 3-5 tỷ đồng đầu tư cho các di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia do Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Hồ Chí Minh quản lý. Trong khi đó, một công trình tu bổ di tích cần vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng. So với nhu cầu tu bổ, kinh phí chỉ đáp ứng khoảng 10-15% và chỉ có thể ưu tiên phân bổ cho những di tích cấp thiết và quan trọng nhất. Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trăn trở: “Chúng ta tự hào khi có nhiều di tích nhưng đó cũng là khó khăn, thách thức khi điều kiện để bảo tồn các di tích hiện rất khó khăn do thiếu kinh phí”.

Khó nguồn vốn đầu tư

Với di tích cấp quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư kinh phí một phần (từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa) và tỉnh đầu tư một phần. Tuy nhiên, với di tích cấp tỉnh thì nguồn đầu tư do tỉnh đảm nhận nên rất khó khăn. 

Nguồn kinh phí ít ỏi, việc đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích dàn trải, thiếu trọng điểm nên hiệu quả không cao. Di tích nào cũng xuống cấp, cần phải trùng tu nhưng nguồn vốn nhỏ giọt, phải phân bổ dàn trải nên ít di tích được đầu tư trùng tu hoàn thiện. Mỗi công trình được đầu tư mỗi năm một ít, phải chia ra nhiều giai đoạn, làm nhiều năm mới. Ông Dũng cho hay: “Công tác trùng tu chủ yếu chống xuống cấp cấp thiết. Việc tổ chức thi công, phát huy giá trị của di tích gặp nhiều khó khăn vì thời gian kéo dài, khi nào có vốn mới làm nên chắp vá, manh mún”. 

Trong khi quần thể di tích Cố đô Huế mỗi năm được đầu tư khoảng vài chục tỷ đồng để bảo quản cấp thiết và gia cố chống hư hại hệ thống di tích triều Nguyễn. Dẫu vẫn chưa đủ để trùng tu, nhưng đó là một con số “khổng lồ” nếu so sánh với sự đầu tư dành cho các di tích khác ngoài quần thể di tích Cố đô Huế thuộc Sở Văn hóa và Thể thao quản lý. Giải thích về sự chênh lệch này, ông Phan Tiến Dũng cho rằng: “Tỉnh cũng muốn tập trung ưu tiên đầu tư cho các di tích triều Nguyễn để phát huy và tạo ra được nguồn thu. Đó là yêu cầu phục vụ du lịch, quảng bá các giá trị văn hóa không chỉ cho Huế mà cả quốc gia. Với các di tích khác, tỉnh cũng rất quan tâm đầu tư nhưng không biết lấy nguồn ở đâu trong điều kiện ngân sách địa phương hạn hẹp”.

Cách tốt nhất để bảo tồn di tích trong điều kiện khó khăn về kinh phí là xã hội hóa công tác trùng tu, huy động sự đóng góp của Nhân dân, các tổ chức được pháp luật cho phép. Nguồn vốn để trùng tu di tích cần sự hỗ trợ bằng nhiều nguồn khác nhau: ngân sách Nhà nước, nguồn lực của địa phương, nguồn xã hội hóa của người dân trong và ngoài nước, sự tài trợ của các tổ chức quốc tế... Ông Phan Tiến Dũng cho rằng: “Tùy tình hình của mỗi di tích mà có chính sách huy động nguồn vốn phù hợp. Trong đó, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách”.

Sắp tới, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm bố trí nguồn vốn và làm kế hoạch tu bổ di tích, trong đó nhiều di tích đã được đưa vào kế hoạch giai đoạn 2016-2020.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trùng tu di tích đình làng

Là địa phương có khá nhiều đình làng và di tích văn hóa lịch sử, thời gian qua TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi, hướng đến tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích.

Trùng tu di tích đình làng
Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
Return to top