ClockThứ Năm, 06/12/2012 17:31

Chờ lụt về

TTH - Đã sang tầm tháng mười một, tháng chạp rồi mà Huế vẫn yên ắng, chả thấy trận lụt nào đổ về, nó lạ quá, khiến ai đó cứ thấp thỏm một sự chờ đợi đã ăn sâu từ tiền kiếp. Bình thường thì ngay sau Trung thu đã có mưa nguồn, mưa lũ. Sang tháng chín thì xứ Huế - Thừa Thiên mưa “vuốt mặt không kịp, cất mặt không lên”, đến nỗi “tắt con mắt, tắt dĩa dầu”. “Mưa lụt” đã là một hình tượng khó quên với câu: “Tháng Chín, tháng Mười ai cười mang tơi”. Đây là cao điểm của lũ lụt đất Thần kinh. Nó đến một cách định kỳ và đúng hẹn lạ lùng, đến nỗi mỗi người dân Huế cũng đều dám quả quyết “Tới ngày trùng cửu không mưa/Cha con làm ruộng bán cày bừa mà ăn!”. Vậy mà Nhâm Thìn này, đi giữa phố ngày đông lại cứ cảm giác Huế mình đang ở giữa hè.

Khó có diễn tả nào hay hơn, đúng hơn câu ca “Trời hành cơn lụt mỗi năm”. Ký ức đau thương của bao người và bao thế hệ đã gắn nhiều với những trận lụt lịch sử, những cơn đại hồng thuỷ. Còn đó trong sách vở là trận lụt năm thìn (1904) dữ dằn đến nỗi chợ Đông Ba sập, một phần Trường Quốc Học bị cuốn phăng và ngay cả cửa biển Thuận An cũng bị dóng bít lại luôn. Rồi cơn lụt 1953 mà nhiều người còn nhớ với sự kinh hoàng, làm cuốn trôi luôn cả ngôi làng ở vùng thượng nguồn sông Hương. Mới tinh khôi, nguyên vẹn trong ký ức của tôi là cơn đại hồng thuỷ 1999 với bao cảnh hãi hùng: đất lở, nhà trôi, người chết thảm... Thế đó, lũ lụt xứ Huế gây nên bao oan nghiệt khiến con người ta phải đào sông, ngăn đập để ngăn ngừa, chế ngự dẫn tới bao hệ luỵ không vui khác phải gánh chịu trong sản xuất và đời sống.

Vậy mà đã tới mùa vụ trong vòng quay mưa nắng của xuân- hạ-thu-đông mà lụt đâu chẳng thấy lại khiến người Huế toan lo. Buổi tối ở quê ngồi với mẹ nay đã lẩn thẩn cả năm nay rồi, bỗng nghe bà lẩm bẩm như sự ngạc nhiên quá đỗi: “Lạ ri hè, lụt mô không chộ, mần ăn răng được…”. Thì thôi, tôi đã hiểu rồi. Người nông dân một thời của xứ Thừa Thiên là mẹ tôi đang… chờ lụt như mong muốn một nạn kiếp phải vượt qua trong năm để rồi năm dài và tháng rộng dễ bề tính toán cho một cuộc mưu sinh mới.

Mà đâu chỉ có vậy. Lụt lội Huế mình đâu chỉ mang bộ mặt của một hung thần. Là tôi muốn nói đến tâm trạng thấp thỏm trong câu “cha con làm ruộng bán cày bừa mà ăn?” có từ bao đời nay rồi. Sau ngày mùa, từ độ rằm tháng tám là thời điểm nông nhàn “rơm khô và thóc khén”. Cánh đồng lúa của làng Dạ Lê Thượng quê tôi trên này hay dưới nữa Đồng Di, Lang Xá… ở bên miệt Phú Vang, hay nữa là Thành Trung, Phú Lương… mãi ngoài kia Quảng Điền, chờ đợi đến khát khao những con nước ngập đồng, tẩy rửa và tống khứ bao thứ chua phèn ứ đọng, đem lại nhiều lớp phù sa bồi tụ chuẩn bị cho những mùa vụ liền kề bội thu.

Còn nữa là những kẻ như tôi lớn lên từ làng quê và ruộng đồng, mùa lụt đã là hoài niệm theo mãi cuộc đời. Lụt về ngày xưa là lúc cùng mẹ lên rẫy, lên nương đánh luống trồng cải, vãi mè, trồng mướp, trồng gừng… Lụt về cũng là lúc lắm kẻ “chạy theo” con chuột, con cá, con tôm ngoài đồng, kiếm thêm “năm đồng ba trự” để tăng thêm gia vị cho bữa ăn hằng ngày và bù thêm cho thu nhập chẳng lấy gì đầy đặn của bao kẻ nông phu. Không thấu tận nỗi niềm kia thì làm sao tường tận được tâm trạng “chờ lụt” để khát khao của người dân nơi xứ đồng. Nó như nét đậm hay điểm nhấn mạnh về vùng đất có nhiều nghịch lý đan xen và phức tạp, cũng như trong tính cách, tâm hồn vốn không đơn giản bởi nhiều cung bậc và cảm xúc thật khác nhau của con người xứ Huế quê mình.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top