ClockThứ Bảy, 08/06/2019 12:54

Chờ phương án, chủ trương di dời, tái định cư ở Phong Xuân

TTH - Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (Công ty Đồng Lâm) đã có thiện chí, kịp thời hỗ trợ, sửa chữa nhà cửa, công trình bị rạn, nứt của những hộ dân lân cận mỏ đá vôi xã Phong Xuân (Phong Điền) ngay khi người dân có phản ánh đến công ty. Đáp ứng nguyện vọng an cư của người dân, chính quyền địa phương đang phối hợp với công ty xây dựng phương án tái định cư (TĐC) để báo cáo, xin chủ trương của UBND tỉnh.

Giải pháp giảm ô nhiễm tại nhà máy xi măng Đồng LâmĐồng hành cùng người lao động.Hướng đến phát triển bền vữngGiải quyết rốt ráo những vấn đề người dân Phong Xuân quan tâm

12 hộ dân cách đường băng tải 50m nằm trong kế hoạch di dời tái định cư

Hỗ trợ khắc phục 

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin: Quá trình hoạt động, Công ty Đồng Lâm tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, nhưng hiện có 3 vấn đề liên quan cần giải quyết: nhà cửa của một số hộ dân bị rạn nứt nghi ngờ có sự tác động của nổ mìn; ô nhiễm tiếng ồn, bụi từ tuyến băng tải của nhà máy và sụt lún cục bộ khu vực lân cận đê bao mỏ đá vôi Phong Xuân.

Thời gian qua, công ty đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các phòng ban liên quan của xã Phong Xuân, huyện Phong Điền giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bất cập liên quan đến việc nổ mìn khai thác đá, hoạt động băng tải chuyền của nhà máy. Duy trì việc họp trao đổi thường xuyên hàng tháng với chính quyền xã, thôn để nắm tâm tư nguyện vọng của dân và kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của nhà máy.

Đại diện chính quyền địa phương khẳng định, qua những lần nổ mìn để đo đạc, kiểm chứng tác động rung chấn, tiếng ồn từ khu vực mỏ đá của nhà máy dưới sự chủ trì của Sở Công thương, với sự tham gia đầy đủ các sở ngành liên quan và chính quyền địa phương, các chỉ số liên quan đến độ ồn, mức rung chấn đều nằm trong giới hạn quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Tuy nhiên, phía công ty sẵn sàng hỗ trợ, khắc phục nhà, công trình bị rạn, nứt của người dân mà ít nhiều có sự ảnh hưởng của nổ mìn. Đồng thời, đại diện lãnh đạo công ty cam kết sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ kịp thời cho những trường hợp bị ảnh hưởng nếu sau sửa chữa vẫn bị rạn nứt trở lại.

Xuất hiện những điểm sụt lún gần khu vực mỏ đá ở Phong Xuân

Năm 2018, công ty đã hỗ trợ tiền cho 97 hộ dân tự sửa nhà (trong đó có 10 đình làng và nhà văn hoá thôn, nhà thờ họ) và công ty tự thuê nhân công sửa chữa 21 nhà theo đề nghị của các hộ dân. Tổng số tiền công ty đã hỗ trợ để khắc phục rạn nứt nhà cửa, công trình cho người dân là 1,773 tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ thêm 381 tấn xi măng cho 127 hộ dân bị ảnh hưởng để cải thiện môi trường sống.

Ngoài hỗ trợ nhà cửa bị rạn nứt và hỗ trợ tổ chức sản xuất các diện tích đất bị ảnh hưởng do mất nước, sụt lún, đá văng, khói bụi tại các thôn nằm dọc đê bao của nhà máy, Công ty Đồng Lâm đã hỗ trợ nhiều hạng mục khác (bằng xi măng, tấm đan bê tông, kinh phí, quà tặng, hiện vật...) để đảm bảo an sinh xã hội, thực thi trách nhiệm cộng đồng trên địa bàn xã Phong Xuân với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng từ năm 2012 đến tháng 5/2019.

Cần nguồn lực lớn để bố trí tái định cư 

Đến thăm nhà bà Hồ Thị Chạy, thôn Cổ Xuân-Quảng Lộc, xã Phong Xuân, một trong những trường hợp được Công ty Đồng Lâm trực tiếp cho người về sửa chữa lại các vết nứt vào năm 2018, bà Chạy cho biết: Ngôi nhà cấp 4 của bà được xây từ trước năm 2000. Vừa qua, sau khi công ty về khảo sát có 108 vết nứt và đã được sửa chữa. Nhưng hiện có một số chỗ tái nứt và nứt mới. Nguyện vọng của gia đình là nếu được bố trí TĐC nơi ở mới cho những hộ trong vùng bị ảnh hưởng thì luôn sẵn sàng đồng tình ủng hộ.

Dù sự hỗ trợ của Công ty Đồng Lâm là kịp thời, đúng thỏa thuận giữa công ty và các hộ dân, nhưng qua các cuộc tiếp xúc cử tri các cấp, nguyện vọng của các hộ dân là được bố trí TĐC để người dân an tâm sinh sống, ổn định sản xuất.

Theo lãnh đạo huyện Phong Điền, dự kiến có 2 khu vực bố trí TĐC cho 84 hộ dân. Trong đó, một khu vực khoảng 3ha (phía sau chợ Phong Xuân) dự kiến sẽ bố trí cho 72 hộ (60 hộ chính và 12 hộ phụ) trong phạm vi 300m từ đê bao khu khai thác mỏ đá vôi. Khu vực thứ 2 khoảng 0,8ha (nằm trên trục đường chính của xã) để bố trí TĐC cho 12 hộ (7 hộ chính, 5 hộ phụ) dưới đường băng tải của nhà máy.

Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Công ty Đồng Lâm xây dựng phương án di dời, TĐC cho 84 hộ dân để báo cáo, xin chủ trương của UBND tỉnh.

Ông Phạm Phước Hiền Hoà, Phó Tổng giám đốc Công ty Đồng Lâm cho biết: Trong tháng 4/2019, Huyện ủy, UBND huyện Phong Điền có buổi làm việc với lãnh đạo nhà máy xi măng Đồng Lâm để thống nhất các giải pháp, phương án di dời cho người dân ở các khu vực có liên quan gần đê bao mỏ đá vôi và tuyến băng tải vận chuyển đá. Đơn vị đang chờ chính quyền địa phương, cơ quan chức năng chủ trì đưa ra phương án và trao đổi với công ty để thống nhất phương án di dời, bố trí TĐC cho các hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng. Công ty sẵn sàng phối hợp, thực hiện bồi thường, di dời, hỗ trợ TĐC cho các hộ dân, công trình bị ảnh hưởng.

Đối với hiện tượng sụt lún cục bộ trong phạm vi khu vực gần đê bao mỏ đá vôi Phong Xuân, công ty chủ động thuê chuyên gia địa chất thủy văn khảo sát và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn. Cơ bản, hiện tượng sụt lún đã giảm đến mức tối đa.

Về lâu dài, UBND tỉnh đã thống nhất đề xuất của UBND huyện Phong Điền nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh nhằm xác định nguyên nhân, phân vùng các khu vực có nguy cơ sụt lún đất, đánh giá nguy cơ đối với dân cư và các công trình kinh tế-hạ tầng cũng như các giải pháp giảm thiểu.

Trên cơ sở đó, UBND huyện đang phối hợp với Công ty Đồng Lâm triển khai nghiên cứu đề tài nhiệm vụ KH&CN với chủ đề: Nghiên cứu, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp lâu dài, bền vững để phòng tránh nguy cơ sụt đất tại khu vực xã Phong Xuân.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo

Hưởng ứng thư kêu gọi của UBND tỉnh về việc, toàn dân thực hiện cuộc vận động giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) và pháo thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã thu hồi nhiều loại súng, đầu đạn pháo, CCHT các loại; góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top