ClockThứ Ba, 01/08/2017 10:28

“Chơi” cưới ở quê

TTH - Bạn rủ về quê ăn cưới chị gái bạn. Nhưng phải về trước một ngày, để buổi tối còn “chơi”...

Làng Trẹm (thuộc xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà) nằm ngay bên bờ sông Hương. Nhìn qua bên kia là chợ Tuần sầm uất, nhưng bên này lại khác hẳn, rất yên bình và lặng lẽ. Bạn bảo, vì quê bạn nằm ở vị trí như hòn đảo, được bao bọc bởi hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch, trước chỉ có thể ra khỏi làng bằng đò, ghe. Mấy năm nay mới có cầu, làng bạn mới thông thương thuận lợi với bên ngoài, “tân tiến” hơn một chút. Vậy nên, mỗi khi trong làng có cưới hỏi, thì vui còn hơn hội. Nhưng vui nhất vẫn là đêm trước đám cưới.

Đêm trước đám cưới, người trong làng đã tề tựu rất đông

Mới 6 giờ tối, thanh niên trong vùng đã lác đác kéo đến. Nhà bạn đang ăn cơm, nhưng cũng nhanh cắt cử người ra pha trà, rót nước, chêm hạt dưa. Có người đùa: “Trà nước chi, bia là được rồi”. Bạn cười. “Ngày vui mà. Bia rượu sao thiếu được”.

Gần 7 giờ, rạp cưới trước sân đã ngồi chừng 7, 8 bàn. Trên bàn rượu có, bia có, còn có mấy dĩa mồi đầy ú ụ để nhâm nhi. Nhạc cưới cũng rộn ràng hẳn. “Ngày trước, cưới hỏi gia chủ đều phải tự nấu nướng. Đêm trước đám cưới phải mổ heo, mổ gà. Thanh niên tụ tập lại giúp một tay. Công việc xong xuôi thì túm tụm lại ngồi… gặm chân gà, ăn lòng lợn, nhâm nhi xị đế rồi hát hò cho đến khuya. Chừ không phải mổ gà mổ lợn đãi tiệc, nhưng nếp xưa vẫn còn. Nhà ai cũng thịt dăm con gà để thanh niên trai tráng lai rai cho vui. Đám cưới ở quê, là phải chộn rộn như rứa”, dì Chín, dì ruột của bạn nói.

Lần đầu về “chơi” đám cưới, nên mọi thứ cũng thấy là lạ, nhưng mà vui, cũng hóng được bao nhiêu là chuyện. Đó là lúc ngồi kế bên một anh, mặt cứ đỏ bừng lên khi nghe người bạn giục: “Thương người ta lâu như vậy không lo tỏ tình, để trai làng khác qua “hốt” mất. Dở tệ. Chừ lên hát bài “Sao em nỡ vội lấy chồng đi”, may ra còn gỡ gạc tí”. Mình trợn mắt. Thời bây giờ chẳng lẽ còn có người “chơi trò” yêu thầm?

Còn đang mơ màng nghĩ đến đoạn tình cảm lãng mạn của anh trai làng kia thì ai đó gào lên khúc “Vợ người ta” khiến không gian rộn ràng hẳn. Một người nhìn lên sân khấu, ngón tay cứ chỉ chỉ người hát: “Đi tán gái thì mở miệng không ra. Giờ người ta đi lấy chồng, gào cái chi mà gào. “Giờ em đã là vợ người ta”, chứ không lẽ là vợ chú mày chắc” khiến vài người ngồi cạnh cứ tủm tỉm.

Bạn kể, ở quê hay lắm nghe. Đi “tán” gái cũng lạ lắm. Không phải hẹn hẹn hò hò như ở phố. Cả ngày đi làm đồng, tối về cơm nước xong là đám thanh niên cứ kéo đến nhà cô gái mình để ý, rồi… ngồi cho đến tận khuya mới về. Có anh ít mồm ít miệng, đêm nào cũng đến nhà cô gái ngồi chình ình vậy đó, miệng không nói được một câu, vậy mà cũng cưới được vợ. Mình cười suýt nghẹn, đưa tay cầm lấy cốc nước uống một ngụm cho trôi cái hạt dưa khi không lại dính ở họng.

Bạn nói, thanh niên làng bạn cũng nhiều, nhưng không nhiều như vầy. Là thanh niên làng khác nghe có đám, cũng ghé đến chơi. Vui là chính mà. Như hồi nãy, mình còn nghe một anh nhìn đám đông rồi phàn nàn: “Thằng Thanh không đến được à? Sơ sài thế?”. Ý nói đều là bạn bè người quen trong làng trong xã, mà không đến chơi là không có thành ý vậy.

Trời đã xem xém khuya. Mấy o mấy dì trong bếp cũng đã bẻ xong bánh su sê, đơm hoa đơm trái trên bàn thờ tươm tất, bắt đầu ra ngoài “hát góp”. Có mệ phải ngoài 70 tuổi. Mình đoán thế, vì thấy mệ tra rồi. Hình như răng trước còn rụng mất mấy cái thì phải. Vậy chứ sung lắm nghe. Mệ nói với anh dẫn chương trình: “Đánh cho mệ bài “Phận làm con gái” đi con. Mà mệ nhớ khúc mô hát khúc nấy hí”. Mà mệ hát hay thiệt. Âm nhạc đúng là không phân định tuổi tác.

Đám thanh niên rượu vào lời ra, hát mỗi lúc một sung. Mình kéo tay bạn bảo: “Có khi nào giành hát mà xảy ra đánh nhau không?”. Bạn lắc đầu, vùng này chưa từng có. Ngày vui mà, đánh nhau răng vui cho được. Nhưng mà bạn nói ở vùng khác thì có đó nghe. Ví như hồi trước, báo chí đăng rần rần đó thôi, nói ở dưới Phú Lộc, rồi ngoài Quảng Điền, vì tranh nhau hát trong đám cưới, nên đánh nhau suýt chết đó thôi. Ghê thật. “Thanh niên xứ mình được cái hiền, nên chưa khi mô có chuyện động đậy tay chân”. Bạn khẳng định, mặt còn có chút tự hào.

10 giờ đêm. Chủ nhà còn chưa “đuổi khách”, nhưng thanh niên trai gái đã lục tục đứng dậy ra về. Mình nghĩ bụng, đang vui răng lại về. Mình thì không hát được, nhưng nghe mọi người hát hò, trò chuyện, cũng thú vị không cách chi kể hết. “Phải về để nhà người ta còn nghỉ ngơi, mai phải lo dọn tiệc”, một o thủ thỉ.

O bảo, ngày trước chơi nhạc sống, ồn ào dữ lắm. Người già, trẻ con không cách chi ngủ được. Nhưng dân quê vốn lành. Lại lâu lâu mới có cưới hỏi, cũng vui làng vui xóm, nên chẳng ai khó chịu, phàn nàn. Nhưng mọi người hát hò đến 10 giờ là nghỉ, để mai còn có sức đi làm ruộng làm nương. Cái lệ ấy, kéo dài cho tới chừ, không thay đổi.

Mạ mình nói nhà mình hồi trước ở An Cựu, mấy chục năm trước vẫn còn quê rề rề. Đêm trước đám cưới cũng hát hò vui phải biết. Chứ không như chừ, cưới hỏi cứ kéo nhau ra nhà hàng hết, nghĩ cũng bớt vui. Cơ mà nhà cửa ở phố cứ san sát nhau như thế, hát hò kiểu ấy có mà bị dân phòng đến gõ cửa.

Thế nên, lâu lâu thấy nhớ không khí đám cưới xưa, cứ về quê ăn cưới là hết nhớ liền.

Bài, ảnh: Hồ Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top