ClockThứ Sáu, 22/07/2016 10:22

Chọn để có sản phẩm khác biệt

TTH - Đất Huế ẩn tàng rất nhiều thứ “của nả” quý hiếm. Cần phải rà soát kho báu của mình, chọn ra những sản phẩm độc đáo, tinh túy nhất để phục hồi và phát triển du lịch...

Vẫn là điểm đến nổi tiếng nhưng… “tụt hậu”

Đúng hẹn, tôi gặp ông ở phố đi Nguyễn Đình Chiểu. Hai anh em chọn một chiếc bàn nhỏ kê cạnh bờ sông và cùng nhâm nhi cốc bia sau một ngày đầy ắp công việc. Hoàng hôn đang dần tắt trên sông Hương. Những chiếc thuyền rồng lần lượt xuất bến để thỏa mãn thú thưởng thức ca Huế trên sông mà du khách nào khi đến Huế cũng khao khát một lần trải nghiệm.

Nhã nhạc cung đình - một trong những lựa chọn của du khách khi đến Huế. Ảnh: Huỳnh Mẫn 

- Sông Hương mình quá đẹp, và khách du lịch đến Huế cũng đông chứ đâu có ít. - Nhìn ánh đèn lấp lánh vui mắt từ những chiếc thuyền rồng đang lờ lững trôi trên sông, tôi bâng quơ.

Ông mỉm cười, có vẻ không mấy hào hứng. Nhấp ngụm bia, ông từ tốn:

- Huế mình lẽ ra phải hơn như vậy nữa. Của nả của mình nào có thua ai, nhưng du lịch Huế thì vẫn cứ chạy sau thiên hạ.

Tôi chột dạ. Nói du lịch Huế chạy sau thiên hạ có lẽ chưa chuẩn lắm, bởi có một thời du lịch Huế luôn thuộc top đầu cả nước. Nhưng…, dù sao thì cái thời hoàng kim ấy cũng đã qua lâu. Bây giờ, tuy vẫn là “điểm đến” nổi tiếng, nhưng du lịch Huế thì quả thật đang tụt hậu, tụt hậu ngay cả với những địa phương từng được xem là “em út”. Thực trạng ấy khiến cho không chỉ giới hữu trách sốt ruột mà cả những người yêu Huế cũng thao thức. Có thể nêu một vài con số mới nhất. Sáu tháng đầu năm 2016, tổng lượng khách du lịch đến Huế đạt gần 1,7 triệu lượt; khách lưu trú đạt 936 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế đạt 389 nghìn lượt. Các chỉ số đều tăng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, cũng trong cùng thời gian đó, so với các đơn vị bạn Huế vẫn ở “chiếu sau”. Chẳng hạn như với Quảng Nam: Gần 2 triệu lượt (chính xác là 1.986.000 lượt), và quan trọng là tỷ lệ giữa khách nội địa với khách quốc tế là 50/50. Vĩnh Phúc gần 2 triệu lượt, tăng 13%. Riêng Quảng Ninh thì còn là niềm mơ ước hơn nữa với lượng khác đã đón trong 6 tháng qua là 5,4 triệu lượt, khách quốc tế đạt gần 2 triệu lượt, tăng 52%...

Nói về tiềm năng thế mạnh, có lẽ Huế là một trong những địa phương ít có đối thủ. Thử hỏi, có địa phương nào hội tụ “Một điểm đến 5 di sản” như Huế? Huế (xin được gọi theo nghĩa rộng) còn là vùng đất nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là cửa ngõ hướng ra biển Đông của tuyến Hành lang Kinh tế Đông-Tây. Địa hình tự nhiên đa dạng, phong phú; có những bãi biển nổi tiếng như Lăng Cô - một trong top 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới; có hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á với nhiều của ngon vật lạ hiếm nơi nào đối sánh; có Vườn quốc gia Bạch Mã với hệ động thực vật phong phú, môi trường trong lành, cảnh quan và khí hậu tuyệt diệu. Huế còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nhiều lễ hội ý nghĩa và có bề dày truyền thống, có làng nghề, nhà cổ; có DMZ thừa “chất liệu” để làm du khách hài lòng… Vậy mà khách đến Huế vẫn chưa nhiều, thời gian lưu trú vẫn ngắn- Những bài toán mà lâu rồi vẫn chưa giải được. Ông là một nhà nghiên cứu, một người Huế nặng lòng với Huế, một người có tầm kiến văn đáng kể với du lịch. Hỏi ông có cao kiến gì để giải bài toán khó cho du lịch Huế?

Bắt đầu với những sản phẩm “cung đình”

Câu hỏi có lẽ không dễ, lại hơi đột ngột, nên ông chưa trả lời ngay. Một chiếc thuyền rồng di chuyển hơi gần bờ. Trên thuyền, một “ca nương” đang nhún nhẩy với điệu hầu văn. Tiếng đàn, tiếng phách vọng vang rộn ràng. Ông bỗng than phiền, rằng ông thấy rất lạ và không thể hiểu nổi là tại sao chương trình nghệ thuật nào của Huế cũng phải có điệu hầu văn. Kể cả những chương trình lớn, biểu diễn ngay tại không gian Đại Nội đều không ngoại lệ? Theo nghiên cứu của ông, hầu văn chỉ gắn với văn hóa tâm linh, thường chỉ được diễn tại miếu điện, không ai đưa vào chốn cung đình, giải trí. Vậy mà giờ đây, ca Huế trên sông, ca Huế thính phòng, các chương trình nghệ thuật phục vụ dịch vụ cơm cung đình… “thực đơn” đều phải có “món” hầu văn! Ông cho như vậy sẽ làm thui chột bản sắc, hạ thấp sự sang trọng, độc đáo của ca Huế. Ông so sánh ca Huế với ca Trù ở miền Bắc. Ca Trù mới được phục hồi và được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp cách đây mấy năm. Và cách làm sống dậy ca Trù là rất nghiêm cẩn, rất tinh tế, bảo lưu được thần thái, cốt cách văn hóa sang trọng của một trong những loại hình nghệ thuật tinh hoa của đồng bằng Bắc bộ. Trong lúc đó, ca Huế vốn đi ra từ chốn cung đình, một thể loại nghệ thật bác học trang nhã nhưng khi phục dựng, khai thác lại không được như vậy. Trước, các ca nương ca Huế trang phục thường chỉ là chiếc áo dài màu sắc nhã nhặn, chiếc khăn vấn nhẹ nhàng. Không hiểu sao sau này căn cứ từ tư liệu nào mà lại ca nương lại ăn vận rất “xô bồ”. Áo quần sặc sỡ, trang sức thái quá, lại thêm chiếc khăn xếp to đùng, rất nặng! Các tiết mục thì bị “độn” cả hầu văn, cả tân, cả cổ. Tất cả hình như làm cho ca Huế bị tầm thường hóa. Chẳng trách người ta chỉ xem/nghe một lần cho biết, rồi thôi. Dân “bổn địa” thì phát…sợ mỗi lần buộc phải dẫn khách đi nghe ca Huế. Làm du lịch như thế, thất bại là điều không lạ!

Cần chăm chút để ca Huế xứng tầm một loại hình nghệ thuật đặc sắc. Ảnh: Huy Khánh

Đó là đơn cử chuyện vui chơi, thưởng ngoạn. Còn như chuyện uống chuyện ăn cũng không thiếu thứ để bàn. Liên quan đến du lịch, có người từng nêu ý tưởng nên xây dựng Việt Nam trở thành và xứng tầm là “bếp ăn của thế giới”. Và với thế mạnh ẩm thực của mình, Huế hoàn toàn có thể là trung tâm của cái “bếp ăn” đó.

“Kinh đô một thuở, bao nhiêu sản vật, bao nhiêu của ngon vật lạ đều quy tụ về Huế cả. Huế lại có cả kho tri thức, kinh nghiệm về nấu nướng, từ dân dã cho đến cung đình. Tiếc là không phát huy được…”- Ông trải lòng, rồi đơn cử chuyện “cung đình”. Sao mà lắm thứ gắn mác cung đình đến thế? Cơm cung đình, chè cung đình, trà cung đình…. Đã có ai thẩm định, ai công nhận đó là món ẩm thực cung đình chưa? Chẳng hạn như cơm cung đình, rất nhiều nhà hàng, nhiều khách sạn đều tổ chức dịch vụ này. Cho khách mang hia đội mão, rồi phục vụ các món ăn “xanh xanh đỏ đỏ, tỉa tỉa tót tót”, bảo đó là cơm cung đình?!! Làm vậy là trật bậy cả, là hạ thấp Huế. Cung đình cho ra cung đình, phải có không gian phù hợp, hình thức phục vụ chuẩn mực, các món ăn cung đình chuẩn mực. Chứ còn như hiện nay chỉ mang tính sân khấu, tính “đóng kịch”, khách chỉ trải nghiệm một lần cho vui chứ không đọng lại gì cả. Cần phải thật nghiêm ngặt trong việc cấp phép. Doanh nghiệp nào xây dựng sản phẩm đạt chuẩn mới được cấp phép, mới được gắn nhãn “cung đình”. Phải xem cung đình là thương hiệu chứ không nên rẻ rúng đến thế!

- Nhưng như vậy thì giá phải đắt, khách không chịu nổi- Tôi băn khoăn.

- Muốn trải nghiệm thì không ai so đo tốn kém. Cơ bản là sản phẩm ta làm để phục vụ có xứng đồng tiền bát gạo với khách bỏ ra không. Nếu OK, họ không chỉ hài lòng mà còn giới thiệu cho bạn bè, bản thân họ cũng có thể còn quay lại. Bởi vì, muốn thưởng thức một món ngon như vậy, bổ dưỡng, quý phái và đẳng cấp như vậy, trong một không gian độc đáo như vậy, ngoài Huế ra họ sẽ không thể tìm được ở bất kỳ nơi nào khác. Tôi tin là nếu mình làm tốt, sẽ có khách.

Tôi chợt nhớ về một bài báo trước đây cũng nói về du lịch Huế. Bài báo nhắc đến đôi vợ chồng người Pháp, một năm 1 lần đều quay lại Huế để chỉ được thưởng thức món cá dìa của đầm phá Tam Giang. Đó cũng là bởi, họ không thể tìm ra món cá nào có hương vị đặc hữu như con cá dìa mà họ đã ăn ở Huế.

Nhân đây cũng nhắc lại chuyện dạ yến tiệc tại các kỳ Festival Huế. Tùy theo mỗi kỳ, vé vào Đêm Hoàng cung có dự yến tiệc đâu chừng triệu mấy, hai triệu. Năm 2016 là 2 triệu (VNĐ). Nhiều người cho đắt. Ông không đồng tình với nhận xét như vậy. Theo ông, cái giá 2 triệu nhưng đó là tổng chi phí cho cả những hoạt động bổ trợ (âm thanh, ánh sáng, chương trình nghệ thuật, bàn ghế, trang hoàng, đạo diễn…), còn chi phí dành cho món ăn chỉ khoảng 5-7 trăm ngàn. Chừng đó cho một thực đơn 6 món đúng đẳng cấp cung đình thì không là gì cả. Có thể hình dung đơn giản như món thịt heo phay thôi. Vô quán ăn một dĩa 3 chục ngàn cũng có, nhưng là thịt chấm nước mắm. Muốn ăn kèm dưa giá, tôm chua thì phải lên 5-7 chục ngàn. Còn cũng món ấy nhưng như vua ăn thì phải giá…300 ngàn mới dọn được. Bởi, thịt phải thật sự tươi ngon, xắt, dọn phải thật đẹp, nước chấm thì là mắm cua gạch. Muốn có chén nước chấm đó, phải chi 2-3 trăm ngàn mua 1 con cua trứng để lấy gạch mà làm nước chấm. Nên dĩa thịt heo vua ăn giá phải 300 ngàn mới dọn được là vậy.

Ngoài ẩm thực cung đình, ngoài ca Huế, đất Cố đô còn ẩn tàng rất nhiều thứ “của nả” độc đáo khác mà không dễ nơi nào cũng có. Cần phải rà soát kho báu của mình, chọn ra những sản phẩm độc đáo, tinh túy nhất để phục hồi, xây dựng, quản lý và phục vụ du lịch để làm giàu. Đó phải là những sản phẩm riêng có của Huế, những sản phẩm đó không chỉ để thu hút du khách, phát triển du lịch mà còn có ý nghĩa bảo tồn, lưu truyền và phát huy di sản văn hóa của miền đất Hương Ngự.

Đêm đã muộn, tôi tiễn ông về mà cảm thấy như có lỗi. Cứ ngỡ bia bọt thư giãn cuối ngày cho vui lại vô tình mời ông tham gia giải bài toán du lịch với Huế. Mạn phép ông vài dòng chắp nhặt, biết đâu sẽ hữu ích ít nhiều cho du lịch Cố đô…

HUY KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV

Tại giải Vô địch Cung thủ xuất sắc Quốc gia năm 2024 được tổ chức ở sân nhà, bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV. Mục tiêu này được kỳ vọng vào cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi.

Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV
Huế yên bình

Nhiều du khách chọn Huế là địa điểm du lịch lý tưởng khi muốn tìm kiếm một chút chữa lành nào đó. Cảnh đẹp nên thơ, với vô vàn địa điểm hấp dẫn của vùng đất Cố đô sẽ giúp du khách tìm thấy sự yên bình thật sự.

Huế yên bình
Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh

Sáng 21/3, tại Nhà khách Quốc hội (Hà Nội) diễn ra hội thảo “Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật do Liên hiệp các Hội VHNT của ba địa phương tổ chức.

Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh
Return to top