ClockChủ Nhật, 01/05/2016 06:49
QUY HOẠCH CHI TIẾT HAI BÊN BỜ SÔNG HƯƠNG:

Chọn dự án “đường dạo sàn gỗ” làm thí điểm

TTH - Dự án quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương đang trong giai đoạn nước rút, trong đó dự án thí điểm đường dạo sàn gỗ là một trong những công trình nhận được nhiều sự quan tâm.

Phối cảnh dự án đường dạo sàn gỗ

Sau hai lần tổ chức hội thảo lấy ý kiến và nhận được sự đồng tình của hầu hết các chuyên gia và nhà quản lý, dự án thí điểm “đường dạo nổi dọc sông Hương kết nối tuyến đi bộ” đã được đơn vị tư vấn của Koika hoàn chỉnh thiết kế để chuẩn bị lấy ý kiến người dân. Tuy vậy, cũng như các dự án trước đó, một số ý kiến đã bày tỏ sự lo lắng…

Nhận được nhiều sự ủng hộ 

Thật ra, việc người dân bày tỏ sự lo ngại đối với một công trình xuất hiện trên dòng Hương Giang là một phản ứng thường thấy đối với tất cả các công trình xây dựng bên bờ sông Hương trước đây. Điều này xuất phát từ tình yêu, sự quan tâm đặc biệt của những người yêu Huế đối với dòng sông thơ mộng này. Họ đều có chung mối lo, sự xuất hiện các công trình mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan của dòng sông. Trong hai cuộc hội thảo lấy ý kiến do Koika tổ chức một cách bài bản, nghiêm túc, có khá nhiều ý tưởng được đơn vị tư vấn này nêu ra như xây dựng Đài ngắm cảnh sát cầu Trường Tiền, sân khấu biểu diễn ngoài trời gần bia Quốc Học và đều không nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu văn hóa Huế. Vậy nhưng, riêng với với ý tưởng kết nối phố đi bộ bên bờ sông Hương, một ý tưởng được bổ sung sau này thì hầu hết đều đồng tình, ngay cả những nhà nghiên cứu lâu nay thường rất quan ngại đến sự tác động của các công trình xây sát sông Hương, như Nguyễn Xuân Hoa, Phan Thuận An cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng này.

Tại sao các nhà nghiên cứu và nhà quản lý đều lại ủng hộ dự án? Đó là do tính khả thi cũng như sự cân nhắc thiệt hơn giữa lợi và hại do dự án đem lại. Đầu tiên là sự tác động của dự án đến sông Hương sẽ không lớn như các dự án khác ở trên do quy mô của dự án vừa phải. Với sự kỳ vọng đưa Huế trở thành một thành phố văn hóa, lễ hội mang tầm quốc tế, đã đến lúc Huế cần phải mạnh dạn có những ý tưởng, giải pháp mang tính đột phá để không gian sông Hương thực sự sinh động, hấp dẫn và mang hơi thở hiện đại.

Liên quan đến vật liệu để thi công, theo giải thích của đơn vị tư vấn thiết kế, trước khi chọn gỗ lim để lát sàn cho tuyến đường trên, đơn vị này đã cân nhắc đến yếu tố khí hậu ở Huế. Việc đề xuất sử dụng vật liệu gỗ lim để lát sàn mà không chọn các vật liệu khác như gạch, đá ceramic là để tạo nên sự thân thiện với môi trường, tạo cảm giác ấm cúng cho không gian công cộng.

Về mối lo tuổi thọ của công trình, sự xuất hiện của các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn với khả năng điều tiết lũ khá tốt nên vài năm trở lại đây đã không ghi nhận các trận lũ lớn trên sông Hương. Với tính chất của gỗ lim chịu được nước, cộng với việc dùng sàn bê tông bên dưới sẽ hoàn toàn có thể bảo đảm tuổi thọ công trình khi dùng loại vật liệu này.   

Cần mạnh dạn thay đổi

Theo phương án được KOICA đề xuất, dự án sẽ tạo một con đường đi bộ trên sông Hương dài 380 m, kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu lên đến khu vực công viên Lý Tự Trọng (trước Bệnh viện Trung ương Huế). Trong đó, chia làm 3 không gian với nhiều tổ hợp như bến thuyền, vườn sen, quảng trường tổ chức sự kiện...Với phương án này, đơn vị tư vấn đã đề xuất đóng cọc bê tông xuống sông Hương để làm một con đường đi bộ rộng 4 m, kết cấu bê tông, sàn lát gỗ lim gắn lan can bằng vật liệu đồng thau, đồng thiếc hoặc thép mạ đồng. Dự kiến, mô hình dự án thí điểm sẽ được đưa ra trưng bày tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu để cho mọi người cùng thảo luận, tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm hoàn thành bản thiết kế, sau đó sẽ được tiến hành thi công từ tháng 7/2016 đến đầu tháng 4/2017.

Sông Hương có một tiềm năng rất đặc biệt để khai thác du lịch, nhưng sông Hương của Huế hiện nay lại “vừa tối vừa tĩnh”, nhất là về đêm. Ý tưởng xây dựng cầu đi bộ dọc sông Hương có thể xem là một ý tưởng mới mẻ, mang tính đột phá. Nếu xét ở nhiều góc độ khác nhau, dự án này rất khả thi…Việc làm cầu nổi đi bộ kết hợp với chiếu sáng nghệ thuật sẽ tạo ra một không gian sinh động, ấn tượng cho cảnh quan bên bờ sông Hương về đêm, cũng là tạo ra nhiều không gian cho công chúng và du khách vui chơi, ngắm cảnh, thưởng ngoạn. Nhìn vào phối cảnh thiết kế có thể thấy, dự án hứa hẹn sẽ tạo ra một không gian mới, ở đó ngoài đường đi dạo kết nối bờ sông Hương phía Nam (lâu nay bị chia cắt bởi Trung tâm dịch vụ du lịch Festival) còn kết hợp các không gian công cộng cần thiết khác cho thành phố du lịch như bến thuyền, sân khấu, quảng trường tổ chức sự kiện... Và những ý tưởng con đường ven sông như thế này đã từng xuất hiện ở một số thành phố du lịch trên thế giới. Giải pháp cầu đi bộ dọc sông tiệm cận với mặt nước sẽ tạo ra cảm giác về sự thoáng đãng, mênh mông của sông nước, từ đó tạo nên cảm hứng rất đặc biệt cho người dân và du khách.

Vậy thì tại sao, Huế không mạnh dạn để tạo ra một sự thay đổi cho sông Hương, để sông Hương thực sự là một thực thể gắn liền với sự phát triển ngày càng năng động hơn của du lịch Huế? Nói như ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế trong hội thảo lấy ý kiến về dự án quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương, lãnh đạo TP. Huế luôn trăn trở và kỳ vọng, qua dự án quy hoạch chi tiết bờ sông Hương với tầm nhìn của những nhà quy hoạch có kinh nghiệm đến từ Hàn Quốc sẽ đánh thức tiềm năng của sông Hương, năng động hóa dòng sông này để khai thác du lịch. Phải làm thế nào để Huế có thể giàu hơn nhờ sông Hương, chứ không phải để sông Hương mãi “tĩnh lặng” trong dòng chảy phát triển như hiện nay.

QUANG PHONG

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top