ClockThứ Tư, 08/02/2017 14:26

Chống “căn bệnh” chủ nghĩa cá nhân

TTH - Những biểu hiện cụ thể về suy thoái đạo đức, lối sống của “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” lần đầu tiên được chỉ rõ: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng đề ra những giải pháp để chữa “căn bệnh” này.

Bác Hồ nói chuyện về công tác cán bộ. Ảnh: Tư liệu

Gần 50 năm trước, ngày 7/6/1968, khi nói về việc làm và xuất bản sách Người tốt, việc tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một luận điểm quan trọng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Lời cảnh tỉnh đó đến nay vẫn có ý nghĩa sâu sắc với toàn Đảng và với mỗi cán bộ, đảng viên.

Chủ nghĩa cá nhân (CNCN) là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng tổ chức Đảng, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên. Với những cán bộ nhiễm “căn bệnh” này, pháp luật bị khinh nhờn, kỷ cương bị buông lỏng, đạo đức cách mạng bị suy thoái, xuống cấp. CNCN đặc biệt nguy hiểm và khó chống vì nó là kẻ thù vô hình, nằm trong chính bản thân mỗi con người, nó như vi trùng sinh ra nhiều bệnh khác, là gốc của mọi bệnh, với những biến tướng phức tạp khôn lường. CNCN nguy hiểm còn bởi vì những “căn bệnh” do nó gây ra dễ mê hoặc con người, dễ gây cho những kẻ mắc phải những sự sung sướng, mãn nguyện (dù là giả tạo, tạm thời) nên nhiều khi biết mà khó tránh.

Nhìn ra xã hội hôm nay, tình trạng thiếu trật tự kỷ cương, tệ quan liêu, xa dân, lãng phí của công, nạn tham nhũng, bộ máy cồng kềnh mà hoạt động kém hiệu quả...có thể nhìn thấy ở nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều cấp. Những vấn đề bức xúc thường xuất hiện ở những cơ quan hàng ngày có quan hệ trực tiếp với dân, với tiền, với hàng v.v..., qua gương mặt của những “ông quan” không còn là người công bộc phục vụ Nhân dân. Những căn bệnh do CNCN gây ra vẫn hiện diện trong xã hội, thậm chí ở những cơ quan có nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu và gian lận, những cơ quan được giao trọng trách duy trì sự nghiêm minh của pháp luật... Những lệch lạc về đạo đức, lối sống trong xã hội đã và đang diễn ra trước hết và nguy hiểm hơn ở những kẻ có chức có quyền, những kẻ mang danh “đầy tớ của Nhân dân” nhưng đã thoái hóa, biến chất.

Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng này được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): “... suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”.

Khi đã nhìn rõ thực trạng và đối tượng, tìm được nguyên nhân, việc cần làm ngay tiếp theo là đề ra những giải pháp khắc phục - cũng như hai giai đoạn chẩn đoán và chữa trị với một người bệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nêu cho chúng ta bí quyết chống CNCN ở ngay trong tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi người cần luôn cảnh giác đề phòng mọi biểu hiện của những căn bệnh cá nhân chủ nghĩa và chống nó bằng cách luôn phấn đấu, rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng bằng phương cách tốt nhất đối với mỗi cán bộ, đảng viên là tự phê bình và phê bình một cách thường xuyên, nghiêm túc.

Đồng thời, khi nói đến việc chống CNCN, những điều cần nhấn mạnh là phải tăng cường kỷ luật Đảng, dựa vào dân, tăng cường hiệu lực pháp chế, làm trong sạch, củng cố và hoàn thiện bộ máy để CNCN không có đất phát triển. Nhân dân có ngàn vạn tai mắt, có thể đánh giá chính xác những ưu điểm, khuyết điểm của bộ máy chính quyền cũng như của từng cán bộ. Trong tác phẩm nổi tiếng "Sửa đổi lối làm việc'', với tinh thần thực sự cầu thị, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tin vào dân chúng. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Sau này Người nhấn mạnh hơn: “Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) hệ thống những giải pháp, trong đó nhấn mạnh: Trong công tác chính trị, tư tưởng cần: “Xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức...”, “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên...”. Trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách: “Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên...”. Trong việc giám sát, kiểm tra, kỷ luật Đảng: “Các cấp uỷ, tổ chức đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công khai kết quả ...”, “Tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu...”, “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát...”. Trong việc phát huy vai trò của Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội - chính trị: “Tăng cường công tác dân vận của Đảng và của chính quyền; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, của Nhân dân, báo chí và công luận...”, “Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Trước mắt, tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc của Nhân dân”...

Trong mùa xuân mới Đinh Dậu 2017, Đảng đã nêu quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Từ năm 1962, tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyết tâm đấu tranh chống “căn bệnh” CNCN và cổ vũ toàn Đảng, toàn dân: “Chúng ta đã thấy rõ kẻ thù, Đảng đã định ra chiến lược sách lược đúng đắn. Chúng ta phải đồng tâm nhất trí, mạnh bạo xung phong”. Tinh thần đó, quyết tâm đó cần và đang được hiện thực hóa bằng những hành động quyết liệt, những việc làm cụ thể và những kết quả rõ rệt.

TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin

Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học cho rằng, việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin là một trong những yếu tố, cơ sở lý luận quan trọng, bảo đảm thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin
Trao danh hiệu “Công dân danh dự tỉnh Thừa Thiên Huế” cho 2 phụ nữ nước ngoài

Sáng 7/3, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự tỉnh Thừa Thiên Huế” cho Bà Andrea Teufel, Trưởng Đại diện Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Đức và Bà Kazuyo Watanabe, Chủ tịch Liên đoàn Chăm sóc Trẻ em châu Á - Nhật Bản. Tham dự có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Trao danh hiệu “Công dân danh dự tỉnh Thừa Thiên Huế” cho 2 phụ nữ nước ngoài
Return to top