ClockThứ Sáu, 18/03/2016 07:03

Chống mặn cứu lúa

TTH - Vụ đông xuân năm nay tình trạng nước mặn xâm thực, chua phèn đến sớm hơn mọi năm, làm ảnh hưởng một số diện tích lúa ở các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc. Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai nhiều biện pháp chống mặn, phèn cứu lúa.

 Dùng máy đo độ mặn trên ruộng để chủ động ứng phó

Nước mặn xâm thực sớm

Tình trạng đất lúa bị nhiễm mặn, phèn không mới với bà con xã viên HTX NN Thành Công (xã Quảng Công, huyện Quảng Điền). Tuy nhiên, năm nay nước mặn xâm nhập sớm, sâu hơn đã gây không ít khó khăn cho sản xuất vụ đông xuân.

Theo ông Hồ Công Trình, PGĐ HTX NN Thành Công, đến nay đã có 15 ha lúa (trên tổng số 55,8 ha toàn HTX) bị nhiễm mặn, phèn, chủ yếu tập trung ở thôn 4. Nhiễm mặn phèn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng cây lúa, đã có 2-3 ha bị chết. Nhiều bà con phải bỏ lúa, cắt cho bò ăn.

Dẫn chúng tôi ra xứ đồng ở thôn 4, nhiều khoảnh ruộng ven phá bị vàng lá, cháy rễ do bị nhiễm phèn, mặn. Một số diện tích bị nặng, bà con “bỏ liều” không buồn chăm sóc. Nguyên nhân, theo ông Trình do hệ thống đê bao ngăn mặn dài 5,5km ven phá Tam Giang bị thấm qua lòng đất; nhiều diện tích lúa sau khi thu hoạch vụ năm trước bà con cho thuê đấu đồng để nuôi và thu hoạch tôm rảo, trổ nước vào ruộng sớm làm nhiều diện tích bị nhiễm phèn, mặn và ảnh hưởng các xứ đồng xung quanh.

Trong khi đó, xã Quảng Công, việc triển khai các biện pháp chống nhiễm mặn, phèn rất khó khăn do hồ ao nhỏ, lượng nước trữ ít, hệ thống nước ngầm cũng cạn kiệt không đủ để thau chua rửa phèn.

Tại địa phương Hương Phong (thị xã Hương Trà), cũng có 10 ha lúa đông xuân bị nhiễm mặn, phèn. Trong đó, có một số diện tích cây lúa có dấu hiệu vàng lá, kém sinh trưởng. Ông Trần Đăng Quyền, một hộ dân nói: “Tui trồng 8 sào lúa ở xứ đồng Cồn Bàu Hạ, ngay từ đầu vụ mặc dù đã có xử lý vôi nhưng tình trạng nhiễm mặn, chua phèn vẫn diễn ra. Một số diện tích cây lúa bị quăn, vàng lá; rễ bị thối vàng. Thời gian tới, theo hướng dẫn của cán bộ HTX, cần bón thúc thêm phân lân, giúp cây lúa sinh trưởng”.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ nhiệm HTX Thuận Hòa (Hương Phong) cho biết: “Năm nay, tuy nước mặn xâm thực sớm, sâu hơn nhưng nhờ HTX điều tiết đóng các cửa cống ngăn mặn sớm; gia cố đê bao chống thấm nên bảo vệ được nhiều diện tích lúa”. HTX cũng thường xuyên dùng máy đo độ mặn trên ruộng để chủ động có biện pháp xử lý.

Tại các địa phương như Vinh Hiền, Vinh Hải (huyện Phú Lộc) cũng có khoảng 15 ha lúa bị nhiễm phèn, mặn, tập trung ở diện tích lúa ven biển, đầm phá. Trong đó, có khoảng 5 ha ở xứ đồng Bàu Bường (xã Vinh Hải) bị “chết trắng” hoàn toàn. Do hệ thống thủy lợi ở các địa phương này chưa được đầu tư đúng mức, xuống cấp nên công tác chống mặn xâm thực đang rất khó khăn.

Tích cực ứng phó

Hiện nay, các hồ lớn như Tả Trạch và Bình Điền, Hương Điền mực nước chỉ đạt 30-40% dung tích; các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ hơn như Truồi, Thọ Sơn, Hòa Mỹ đạt trên 60% dung tích. So với mọi năm, tình trạng nhiễm mặn dù có đến sớm hơn nhưng nhờ công tác điều tiết nước, chủ động đóng các cửa cống lớn ven đầm phá kịp thời nên hạn chế tối đa nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng”. 

Nắm bắt được tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, ngay từ đầu vụ, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống mặn, phèn, như chủ động đóng các cống ngăn mặn, tích nước ngọt, sử lý chua phèn trước khi cấy...

Riêng năm 2015, thị xã Hương Trà đã trích kinh phí hơn 200 triệu đồng gia cố tuyến đê ngăn mặn Thóc Lóc và Bàu Lác ven phá Tam Giang nên đã bảo vệ được nhiều diện tích lúa đông xuân, ngăn nước mặn từ khu vực Rú Chá vào.

Ngoài ra, một số địa phương còn mạnh dạn đưa số giống mới chịu mặn giúp bà con canh tác ổn định, thích ứng với tình trạng nước mặn xâm thực.

“Về lâu dài, HTX đã tiến hành thử nghiệm giống lúa TR145 trên diện tích 4 sào ở các xứ đồng thường xuyên bị nước mặn xâm thực. Kết quả rất khả quan khi năng suất bằng các giống lúa khác canh tác từ trước đến nay nhưng khả năng chống chịu mặn, chua phèn rất tốt. Thời gian tới, được sự hỗ trợ của Trạm khuyến nông-lâm-ngư Quảng Điền, HTX sẽ đưa vào sản xuất giống TR145 với diện tích 4 ha”. Ông Hồ Công Trình, PGĐ HTX NN Thành Công trao đổi

Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV QL&KT Công trình thuỷ lợi tỉnh cho hay, từ đầu vụ đông xuân đơn vị đã có phương án chống hạn, mặn. Công ty cho đóng sớm các cửa cống ngăn mặn trục chính ven đầm phá từ huyện Phú Lộc ra Quảng Điền, kịp thời ngăn mặn xâm nhập vào trong nội đồng. UBND tỉnh cũng có những chỉ đạo kịp thời điều tiết lượng nước ở các hồ chứa lớn trên thượng nguồn như Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch, Truồi, do đó mực nước trong nội đồng khá cao, giữ không cho mặn tràn và mặn thấm vào đồng ruộng.

Để đối phó với tình trạng các loại mặn sủi, thấm rất dễ gây chết lúa khi trời nắng nóng, công ty thường xuyên lấy mẫu nước ở các cửa cống chính như Cửa Lác, Cồn Cửa (Quảng Điền), Thảo Long, Cầu Long, Diên Trường (Phú Vang), Công Trường (Phú Lộc)… kiểm tra, quan trắc để phát hiện sớm tình trạng mặn xâm thực, nhằm có biện pháp chủ động xử lý. Đồng thời, kiểm tra các cửa van bị rò rỉ, thấm; gia cố các hồ thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn để đảm bảo quá trình tích nước, tưới tiêu.

HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) phối hợp với các thủy điện thượng nguồn trong quá trình xả, điều tiết nước, chỉ đạo các trạm quản lý chặt các nguồn nước trên sông. Đồng thời, các đập, cống trên đê tiếp tục thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý tránh thất thoát nước trên các trục sông chính ra đầm phá.

Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn
Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô

Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN), phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi, xây dựng lại cơ cấu cây trồng để thích ứng kịp thời trong điều kiện khô hạn và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng vùng đất.

Ứng phó hạn mặn đầu mùa khô
Return to top