ClockThứ Ba, 09/05/2017 14:02

Chống suy thoái về tư tưởng, chính trị

TTH - Đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Nhóm những biểu hiện suy thoái biến chất trên lĩnh vực này được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xếp lên hàng đầu.

Các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, suy thoái trong phương pháp và phong cách lãnh đạo thường đi cùng với nhau và thật khó tách bạch trong từng con người.

Tuy những biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng, chính trị có thể ở mức độ khác nhau nhưng không thể coi nhẹ. Sự suy thoái trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng hủy hoại Đảng từ bên trong. Suy thoái trên lĩnh vực này đã từng làm mục ruỗng và tan vỡ cả một hệ thống các đảng cộng sản cầm quyền (đã có lúc rất mạnh) như Đảng Cộng sản Liên Xô và nhiều đảng cộng sản khác ở các nước Đông Âu, làm sụp đổ cả một chế độ đã từng đứng vững trước thù trong giặc ngoài. Những bài học đó còn chưa cũ.

Hiện nay, những suy thoái về tư tưởng, chính trị tất yếu sẽ dẫn đến: “Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”. Hành vi kế tiếp sẽ là: “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước” (trích Nghị quyết Trung ương 4). Trước những sự dao động và hoài nghi, phai nhạt và sai lệch về cả lý tưởng và nhận thức, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là công việc cấp bách đang đặt ra để xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Nhìn nguyên nhân từ bên ngoài của những hiện tượng hoài nghi tư tưởng, dao động lập trường, phai nhạt lý tưởng, khủng hoảng niềm tin...rõ ràng có nhiều vấn đề mới, phức tạp từ thực tiễn nhưng chưa được lý giải và xử lý kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, chủ nghĩa tư bản hiện đại có sự tự điều chỉnh để thích nghi với tốc độ phát triển của lực lượng sản xuất khi khoa học - kỹ thuật - công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, tạo ra khối lượng khổng lồ sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội, từng giờ, từng ngày thay đổi thế giới. Những sự điều chỉnh đó đã tạo ra sự ổn định và phát triển cho các mô hình xã hội của chủ nghĩa tư bản cùng lúc mô hình xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu khủng hoảng và sụp đổ đã tạo sự ngộ nhận với nhiều người.

Trước sự tấn công của “diễn biến hòa bình”, một bộ phận cán bộ, đảng viên mơ hồ, thụ động trong việc đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, ngụy tạo và thù địch. Không ít cá nhân cán bộ, đảng viên vẫn bảo thủ, trì trệ trong nhận thức. Những tri thức về văn hoá, khoa học, về pháp luật, về lý luận chậm (hoặc không) được cập nhật đã làm “chết” tính sáng tạo trong tư duy của những cán bộ này. Do thường xuyên phải dựa đến quyền uy để mong lấp đi những thiếu hụt về tri thức và cả nhân cách, cùng với chủ nghĩa cá nhân “thường trực” bên cạnh đã dẫn đến suy thoái cả trong phương pháp và phong cách lãnh đạo ở nhiều cán bộ, đảng viên với nhiều biểu hiện: quan liêu, độc đoán, hách dịch, xa dân, coi thường luật pháp..., “tư duy” ở mức cảm tính, theo chủ nghĩa kinh nghiệm hoặc bị thực dụng làm tha hóa. Sự “kiên định” về tư tưởng được khẳng định qua kiểm điểm phê bình đảng viên nhiều khi chỉ là hình thức. Các cán bộ, đảng viên đều “kiên định” lý tưởng, lập trường cho đến khi bị phát hiện phạm khuyết điểm (!).

Để chống lại sự suy thoái tư tưởng, chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu những giải pháp quan trọng: “... Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương”; “Tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là những mô hình mới, kinh nghiệm hay; khuyến khích phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học...”. Bên cạnh đó, cần “Chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Để thực hiện có hiệu quả những giải pháp đó, trên mặt trận tư tưởng, chính trị, công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận cần đẩy mạnh hơn nữa và phải đi vào thực chất, gắn lý luận với thực tiễn để lý luận không những phải theo kịp với thực tiễn đang vận động và biến đổi nhanh chóng mà còn phải đóng vai trò dẫn đường, dự báo, mở đường cho thực tiễn phát triển. Cần chống lại quan niệm về công tác lý luận với lối tư duy cũ bằng phẳng, một chiều và gắn với nó là bệnh giáo điều và bệnh kinh nghiệm. Đồng thời, cũng cần tỉnh táo chống lại bệnh “giáo điều mới” - phủ nhận tất cả cái cũ, chấp nhận một cách thiếu chọn lọc, sùng bái, lệ thuộc, bắt chước “cái mới” một cách mù quáng không xuất phát từ những điều kiện cụ thể.

Muốn sáng tạo phải có tri thức, có trí tuệ và để có được những điều đó không còn con đường nào khác là học, học nữa, học mãi, học từ sách vở, học từ thực tiễn, học từ Nhân dân, học để làm người, làm cán bộ... như tinh thần của V.I. Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lười nhác cũng là một biểu hiện suy thoái, biến chất. Trong tiêu chuẩn để kiểm tra đánh giá cán bộ định kỳ nên đặt ra câu hỏi và yêu cầu trả lời cụ thể: Thời gian qua đã học được gì? Hiệu quả của việc học đó thể hiện như thế nào trên những cương vị công tác được giao?

Công cuộc chống thoái hoá chính trị, tư tưởng như những yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 đòi hỏi đổi mới toàn diện cả về nhận thức, tư tưởng và phương pháp tư duy để nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng ngang tầm với nhiệm vụ trong thời đại mới, để bên cạnh việc được thừa nhận là đạo đức Đảng còn và phải được thừa nhận là văn minh.

TS. Ngô Vương Anh

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học và làm theo Bác “không ở đâu xa”

Bằng những việc làm cụ thể, nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 - đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thành những chương trình hành động thiết thực ở cơ sở.

Học và làm theo Bác “không ở đâu xa”
Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023) và 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2023)
Đồng hành với nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà

Đánh giá về những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh năm 2023, Đại tá Hoàng Văn Nhân - Phó Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh cho biết:

Đồng hành với nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà
Return to top