ClockThứ Sáu, 28/04/2017 05:51
DỊCH VỤ DU LỊCH BIỂN ĐƯỢC BỒI THƯỜNG:

Chủ doanh nghiệp và người lao động đều phấn khởi

TTH - Thêm đối tượng sắp được bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển là các chủ nhà hàng, quán ăn và người lao động làm dịch vụ du lịch tại các bãi biển.

Các nhà hàng ở bãi biển Thuận An chuẩn bị vào mùa du lịch    

Tin vui trên được công bố khi các địa phương ven biển đang bước vào mùa du lịch mới sau sự cố môi trường biển. Ngoài chủ nhà hàng, quán ăn, người lao động làm công trong hàng quán cũng được bồi thường.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, nhân viên nhà hàng Sao Biển tại bãi biển Thuận An (Phú Vang), nhiều năm nay công việc chính của chị Linh chủ yếu “chạy bàn”. Chị Linh tâm sự: “Thu nhập mỗi tháng 5-7 triệu đồng giúp gia đình trang trải đời sống, nuôi con cái. Từ khi xảy ra sự cố môi trường biển, nguồn thu nhập bị mất hoàn toàn vì nhà hàng ngưng hoạt động. Mất việc nên gần một năm qua đời sống gia đình rất khó khăn”.

“Từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch biển bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Mới đầu mùa hè nhưng du khách đến tắm, tham quan, ăn uống ngày càng đông. Nhân viên các hàng quán bắt đầu có thu nhập. Đáng mừng hơn, các đối tượng như tui còn được Chính phủ đưa vào diện bồi thường thiệt hại. Vừa rồi, UBND thị trấn Thuận An niêm yết công khai danh sách bồi thường, tui rất mừng vì được có tên”, chị Nguyễn Thị Hiền, nhân viên nhà hàng Sao Biển tiếp lời.

Chủ nhà hàng Sao Biển Nguyễn Xuân Long chia sẻ: “Từ ngày xảy ra sự cố môi trường biển, hoàn toàn vắng bóng du khách, các hoạt động du lịch biển đều bị ngừng trệ. Các chủ nhà hàng phục vụ du khách bị thiệt hại nặng nề, trong khi đó, các khoản thuê mặt bằng kinh doanh, điểm đậu xe thì vẫn phải trả... Ước thiệt hại trong mùa du lịch biển năm qua của nhà hàng Sao Biển vài trăm triệu đồng. Khi nghe chủ trương được bồi thường, tui và các chủ nhà hàng đều phấn khởi. Số tiền bồi thường sẽ góp phần vào việc tái đầu tư cho mùa du lịch mới”.

Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An thông tin, đến nay, công tác kê khai, thẩm định các đối tượng là chủ nhà hàng, lao động làm việc trong các nhà hàng, các hoạt động du lịch trên địa bàn đã hoàn tất. Danh sách các đối tượng trình cấp trên phê duyệt đã được niêm yết công khai, với 12 nhà hàng, 155 đối tượng lao động phục vụ du lịch biển được kê khai bồi thường; tổng kinh phí trên 1,353 tỷ đồng. Sau khi được cấp kinh phí, địa phương sẽ tổ chức chi trả cho người dân. Hiện thị trấn chưa nhận ý kiến, đơn thư phản hồi, khiếu nại nào.

Theo Quyết định 309 của Thủ tướng Chính phủ, các đối tượng hoạt động du lịch biển được bồi thường là chủ các cửa hàng ăn uống phục vụ khách du lịch; người dân sống ven biển làm nghề có tính chất đơn giản: bán hàng, làm dịch vụ cho khách du lịch, làm việc trong cửa hàng ăn uống phục vụ khách du lịch có địa điểm kinh doanh, hoặc có đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú tại các xã, phường, thị trấn ven biển, bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển. Mức bồi thường là 2.910.000đ/người/tháng (trong 6 tháng).

Liền kề với Thuận An là hàng chục hàng quán ăn uống tại bãi biển xã Phú Thuận cũng đang bắt đầu vào mùa du lịch. Sự cố môi trường biển cũng gây thiệt hại lớn đối với các chủ nhà hàng, những người tham gia các hoạt động du lịch biển tại đây. Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ông  Đặng Tiến Tùy chia sẻ: “Địa phương rất vui khi Quyết định 309 của Thủ tướng Chính phủ quy định đối tượng chủ nhà hàng, người lao động tham gia du lịch biển được bồi thường thiệt hại. Đây là sự động viên rất lớn để người dân vượt qua khó khăn trước mắt, tiếp tục theo đuổi các hoạt động du lịch biển”.

Ngay từ khi có Quyết định 309, chính quyền địa phương đã triển khai thống kê, thẩm định các đối tượng. Vài ngày tới, xã Phú Thuận sẽ niêm yết công khai danh sách các đối tượng được đề nghị bồi thường. Địa phương chưa có số liệu chính thức, nhưng ước có đến hàng chục chủ hàng quán ăn uống và hàng trăm lao động phục vụ tại các nhà hàng, tham gia các hoạt động du lịch biển được đề nghị bồi thường thiệt hại.

Tại các xã bãi ngang ven biển như Phong Hải (Phong Điền), Vinh Thanh, Phú Diên (Phú Vang), Lăng Cô (Phú Lộc), Hải Dương (TX Hương Trà)... hoạt động du lịch biển phát triển trong những năm gần đây. Số hàng quán, người lao động tham gia làm du lịch ở các địa phương này khá nhiều. Ông Lê Xuân Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương thông tin, trên địa bàn xã có hàng chục quán ăn uống, nhưng chỉ có 2 quán với khoảng 10 lao động đủ điều kiện đưa vào diện bồi thường thiệt hại. Các đối tượng này cũng đã được niêm yết công khai, đề nghị cấp trên phê duyệt.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, hiện nay các huyện, thị xã đang triển khai thống kê, thẩm định các đối tượng kinh doanh, dịch vụ du lịch. Các ban ngành cũng đang cập nhật số liệu, sau đó trình tỉnh phê duyệt danh sách, định mức làm cơ sở đề nghị Trung ương cấp kinh phí bồi thường. Dự kiến, đợt chi trả cho các đối tượng này sẽ triển khai trong tháng 6/2017.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO):
Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu

Hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 22/4 cho biết; đồng thời lưu ý, các chính phủ sẽ cần phải hành động khi những con số tăng lên.

Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu
NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐỔ XÔ RÚT BẢO HIỂM MỘT LẦN VÌ DỰ ÁN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI SỬA ĐỔI:
Cần truyền thông sâu rộng

Thông tin từ Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi liên quan đến 2 phương án rút BHXH một lần thời gian qua khiến nhiều người lao động (NLĐ) hoang mang và đổ xô nghỉ việc để rút BHXH một lần, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Cần truyền thông sâu rộng
“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo danh sách từ Cục Thuế TP. Huế, trên địa bàn thành phố hiện có 781 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho gần 6.000 người lao động (NLĐ).

Hơn 780 đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội
Return to top