ClockThứ Sáu, 24/11/2017 08:54

Chủ động “chờ” lũ

TTH - Đi qua nhiều vùng lũ ở Huế, không nơi nào ghi dấu ấn bằng những trận lụt nơi cái rẻo đất bên dòng Ô Lâu - vùng Hòa - Bình - Chương (Phong Điền). Người dân nơi đây vốn có kinh nghiệm “sống chung” dài ngày với lũ, khi dòng sông mẹ Ô Lâu trở nên hung dữ trong mùa nước lớn!

Các vùng trũng Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền, Hương Thủy ngập trên diện rộng

 Chủ động "sống chung" với lũ của người dân xã Phong Chương

Cứ mỗi mùa lũ, trên vách nhà bà Hoàng Thị Thẻo (thôn Tân Bình, xã Phong Bình) lại thêm một “chỉ dấu” mới của con nước. Đó là vết bùn non còn sót lại trên vách, chỉ sau trận lũ năm 1999, vạch nước cao nhất là trận lũ do ảnh hưởng của bão số 12 đầu tháng 11 vừa qua.

Cứ mỗi mùa lũ về, trong cái dáng liêu xiêu cùng chiếc nón ướt đẫm màu nước sau phiên chợ Điền Hương, bà lại bấm đốt ngón chân trong lớp bùn non tất tả về nhà. Về thấu đầu ngõ đã nghe tiếng bà í ới gọi những đứa con trai, cùng chồng mau đưa những bao lúa hè thu lên “tra” (gác).

Dân Tân Bình vốn là cư dân vạn đò, trước đây sống trên sông nước vùng vốn đã quen với những trận bão, lụt. Khi chính quyền tạo điều kiện tái định cư trên mảnh đất nằm bên con hói Ma Nê, cuộc “lên bờ” nhưng chưa bao giờ trốn được lũ lụt. “Cứ mỗi mùa mưa, khi nhìn dòng Ma Nê con nước chảy ngược là biết lũ thượng nguồn về. Tui không biết báo động II, báo động III là cái chi, chỉ biết khi nước còn ngấp nghé ngoài sân thì trong nhà dọn đồ, xoay lưng lại thì nước đã lên cao. Dân Tân Bình sống chung với lũ là rứa đó”, bà nói khi vừa chèo thuyền ra đường lớn, đi chợ Điền Hương trở về.

Với nông dân vùng trũng như Phong Bình, khi cơn lũ về, họ nhớ đến 2 thứ: những bao lúa hè thu mới gặt và trữ thức ăn khô chuẩn bị cho lũ dài ngay.

Bà Thẻo bảo rằng, bây giờ đã khác xưa, lũ không còn nằm trên “tra” mà nhai gạo sống, chờ cứu trợ. Xưa thì ai cứu mình được, đường sá thấp, ghe thuyền thì nhỏ, nhà nào lo thân nhà nấy. Bây giờ trước khi lũ về nhà nhà đều trữ thức ăn- cái mà cán bộ xã thường bảo là “tự quản tại chỗ” là rứa đó! Những thứ cá đánh được trên đồng ruộng sẽ phơi khô, làm mắm trữ trong mùa mưa bão. Gia đình 6 người như bà Thẻo đều trữ thêm mấy thùng mì tôm, đèn sáp và lúa đã xay sẵn. Bà con chủ động mọi thứ để “chờ” lũ dài ngày.

Trước khi mưa lớn, thôn cũng thông báo rộng rãi trên phát thanh đầu làng. Toàn thôn Tân Bình 60 hộ dân, hiện nay mới chỉ có được vài nhà cao tầng, nhưng chỉ “vài nhà” thôi cũng đủ thấy người dân vùng rốn lũ đùm bọc nhau trong lũ biết nhường nào. Những ngôi nhà cao tầng sẽ là “căn cứ địa” đầu tiên cho bà con trong cơn khốn khó. Nhà nào thấp sẽ di tản lên những nhà cao tầng tránh lũ. Khi nước lớn quá chính quyền xã sẽ bố trí di dời khẩn cấp lên nhà cộng đồng, trường học gần đó. Dù đi đâu thì thôn dân Tân Bình cũng “tự quản” lẫn nhau trong mùa lũ.

Người dân Phong Bình trích trữ, chuẩn bị lương thực trong mùa lũ

Ông Võ Văn Hoãn, Trưởng thôn Tân Bình bảo rằng, toàn thôn có 60 hộ dân với hơn 270 khẩu, năm nào nước sông Ô Lâu ngấp nghé báo động III là dân Tân Bình “đón” lũ. Có khi lũ ngâm dài ngày, hay nước vừa rút đầu hôm đã lên lại, ngập nửa nhà như đợt lũ những ngày mới đây. Bà con kể cả chính quyền thôn "sống chung với lũ" lâu ngày nên có kinh nghiệm ứng phó. Đó là từ công tác chuẩn bị lương thực, di dân tránh lũ, khắc phục sau lũ đều được thực hiện bài bản. Rút kinh nghiệm nhiều địa phương khác, trong lũ không thiệt hại về người mà sau lũ mới thiệt hại là do công tác chủ quan. Gia đình thiếu sự tự quản con em; chính quyền lơ là, thiếu chủ động nhắc nhở các hộ dân vùng sông nước. Ở đây, dân Tân Bình có một điểm lợi là làm gì thì làm, trong gia đình luôn xây dựng một “tra” tránh lũ và một chiếc thuyền giúp di tản nhanh, gọn mỗi khi nước lớn. Nhờ mọi công tác chủ động nên bao mùa lũ qua, người dân vẫn an toàn.

Nếu vùng Tân Bình bị ngập thì nhìn qua con hói Ma Nê, vùng đất Phong Chương cũng bàng bạc một màu nước. Ông Lê Viết Phước, Chủ tịch UBND xã Phong Chương bảo rằng, chỉ cần nước sông Ô Lâu xấp xỉ báo động III là địa phương đã tính đến công tác khẩn trương di dân ở những vùng thấp trũng. Điểm lợi ở địa phương là tuyến tỉnh lộ đi qua địa bàn có địa hình cao. Các thôn đều nằm trên trục đường chính đó, mỗi khi nước lớn, công tác di dời tại chỗ hoặc di dân khẩn cấp đều triển khai nhanh nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản. Trận lũ vừa qua, toàn xã có 727 hộ ở các thôn Nhất Phong, Đại Phú, Ma Nê, Phú Lộc bị ngập, nhiều nơi sâu đến cả mét nước- nhưng như lời ông Phước nói là mọi thứ vẫn “trong tầm kiểm soát”.

“Điều mà chính quyền lo nhất và năm nào cũng triển khai công tác ứng phó kịp thời là 65 hộ dân ở thôn Nhất Phong. Đây là vùng thấp trũng nhất với nhiều hộ dân còn nhà cấp 4 tạm bợ. Mỗi khi nước lớn, chính quyền địa phương đều phân công rõ công việc của từng cán bộ về tận cơ sở kiểm tra, đôn đốc và cập nhật liên tục mực nước để vừa chủ động ứng phó và vừa giải thích cho dân hiểu mỗi khi có quyết định di dời khẩn cấp hay không”, ông Phước chia sẻ.

Trong lũ đã thế, sau lũ, mọi công việc tưởng chừng “nhẹ” hơn nhưng không đơn giản chút nào. Đó là bắt tay vào công việc ruộng đồng tất bật chuẩn bị nọi thứ cho vụ đông xuân. Ông Phước bảo, không phải sau lũ là nghỉ ngơi được ngay, mà phải tận dụng khi con nước rút nhanh, ngoài vận động, giúp dân dọn dẹp nhà cửa thì khơi thông bèo rác, đắp lại kênh mương nội đồng phải huy động các lực lượng vũ trang, đoàn thể… chung tay cùng người dân. Nếu không làm lúc đó thì sau này vào vụ sản xuất càng gian nan hơn bởi không còn con nước đẩy mọi thứ từ đồng ruộng ra sông, đầm phá.

“Các trận lũ vừa qua cho thấy sự chủ động ứng phó, vào cuộc chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương các cấp, làm tốt phương châm “bốn tại chỗ”, đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiệt hại về người và tài sản trong Nhân dân. Qua đó, cũng rút ra bài học trong công tác điều hành, nâng cao năng lực dự báo, truyền thông và điều tiết lượng nước trên các công trình thủy điện, thủy lợi”, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đánh giá.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng
Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới

Khảo sát của Booking.com chỉ ra 7 xu hướng du lịch được du khách yêu thích trong năm 2024. Thừa Thiên Huế có điều kiện thuận lợi để đáp ứng các xu hướng mới về du lịch. Vấn đề đặt ra là sự chủ động trong việc nắm bắt và khai thác lợi thế.

Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới
Đảm bảo lượng máu phục vụ điều trị và cấp cứu ngày tết

Chiều 10/2 (Mùng 1 Tết), Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế cho biết, Trung tâm Huyết học truyền máu của đơn vị đảm bảo cung cấp đầy đủ máu và chế phẩm máu điều trị và cấp cứu ngày tết cho 11 cơ sở thuộc 4 tỉnh thành ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Đảm bảo lượng máu phục vụ điều trị và cấp cứu ngày tết
Return to top