ClockThứ Sáu, 10/11/2017 14:01

Chủ động phòng dịch khi lũ chưa qua

TTH - Nhiều đợt mưa lớn liên tục những ngày qua gây ngập lụt nhiều nơi làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Dù lũ chưa qua nhưng các ngành chức năng và người dân đều chung tay phòng ngừa bệnh dịch có nguy cơ xảy ra.

Phòng dịch cho các điểm trường học ở phường Hương Hồ

Sáng 8/11, mưa lớn kéo dài nhưng cán bộ Trung tâm Y tế Hương Trà phối hợp với cán bộ y tế phường Hương Hồ (Hương Trà) phun hóa chất tại các chợ và điểm trường học. Không chỉ phun tiêu độc khử trùng, các cán bộ y tế còn phân công theo nhóm phát tờ rơi tuyên truyền vận động người dân khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra. Bà Lê Thị Thơm, sống cạnh chợ Hương Hồ, cho biết: “Mưa lớn dài ngày làm ngập lũ nhiều vùng trên địa bàn. Nhà tôi ở cạnh chợ nên rác rưởi ứ đọng hôi thối. Khi thấy cán bộ y tế phun thuốc, tiêu độc khử trùng, chúng tôi ở đây yên tâm và hưởng ứng tham gia thu gom rác thải, vệ sinh thôn xóm, để môi trường thông thoáng, ổn định cuộc sống”.

Theo bác sĩ CK II Lê Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hương Trà, những trận mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua gây ngập lũ hơn 2/3 số xã, phường trên địạ bàn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đây là thời điểm các vi sinh vật, rác, chất thải theo dòng nước tràn ra, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Do vậy khi mưa lũ chưa qua, đơn vị cắt cử cán bộ về các địa bàn nước lũ đã rút để vận động người dân vệ sinh môi trường; phối hợp tiêu độc khử trùng các khu vực có nguy cơ cao nhằm khống chế dịch bệnh. Thời điểm này, các xã, phường vùng cao và dọc Quốc lộ (QL)1A đã xử lý, tạo môi trường thông thoáng; các địa bàn vùng thấp sẽ nhanh chóng xử lý sau khi hết ngập lũ..

Sáng 9/11, nhiều xã, thị trấn huyện Phong Điền thu dọn vệ sinh, rác thải, tạo môi trường thoáng đãng. Đợt lũ này, Phong Điền có 3 xã Phong Bình, Phong Chương, Phong Hòa bị ngập nặng. Do vậy, sau khi nước rút dần người dân ở đây vừa thu dọn tài sản, đồng thời tham gia vệ sinh nhà cửa môi trường thôn xóm, đường sá. Theo bác sĩ Cao Thuyết, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV, Trung tâm Y tế Phong Điền, hiện tại đơn vị phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức thực hiện phương châm nước rút đến đâu dọn dẹp vệ sinh môi trường đến đó. Ở các vùng có nguy cơ cao tiến hành phun hóa chất khử trùng; nơi nào gặp sự cố, thiếu nước sinh hoạt có phương án hỗ trợ để cung cấp nước sạch an toàn. “Quyết tâm không để xảy ra dịch bệnh sau mưa lũ trên địa bàn”, bác sĩ Thuyết nói.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng phòng tỉnh, trước khi mưa lũ diễn ra, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tập trung cho công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ. Trung tâm đã rà soát, chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, hóa chất, phương tiện phục vụ công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Khi mưa lũ diễn ra, Ban lãnh đạo trung tâm thành lập 3 đoàn về các huyện, thị xã kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị y tế triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút, tổ chức giám sát, xử lý tiêu độc khử trùng các khu vực nguy cơ cao. Đến thời điểm này, tất cả các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đều thực hiện phương châm “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, cho biết: “Kinh nghiệm cho thấy sau mưa lũ, các bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy, lỵ, thương hàn, cảm cúm, đau mắt đỏ… thường xảy ra. Với việc triển khai các giải pháp, như: chuẩn bị đủ cơ số thuốc, vật chất, con người; trong đó tập trung chỉ đạo là các đội cơ động chống dịch của trung tâm sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ hỗ trợ cho cơ sở về phòng dịch, nhất là các địa bàn ngập lũ... hy vọng những ngày đến, dịch bệnh sẽ được khống chế, giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Trước khi mưa lũ diễn ra, ngành y tế bố trí, cung cấp đủ hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để xử lý nước, môi trường cho mỗi huyện, thị xã 50 kg Cloruamin B, 50 nghìn viên Aquatabs, máy phun hóa chất diệt khuẩn…Do ảnh hưởng của các đợt lũ lớn kéo dài nhiều ngày qua, nhu cầu về hoá chất tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường của các địa phương tăng lên. Do đó, ngoài nguồn hỗ trợ của Viện Pateur Nha Trang 200 lít hóa chất diệt muỗi trong đợt lũ này, ngành y tế đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ thêm để đảm bảo công tác vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh sau lũ.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng
Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới

Khảo sát của Booking.com chỉ ra 7 xu hướng du lịch được du khách yêu thích trong năm 2024. Thừa Thiên Huế có điều kiện thuận lợi để đáp ứng các xu hướng mới về du lịch. Vấn đề đặt ra là sự chủ động trong việc nắm bắt và khai thác lợi thế.

Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới
Đảm bảo lượng máu phục vụ điều trị và cấp cứu ngày tết

Chiều 10/2 (Mùng 1 Tết), Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế cho biết, Trung tâm Huyết học truyền máu của đơn vị đảm bảo cung cấp đầy đủ máu và chế phẩm máu điều trị và cấp cứu ngày tết cho 11 cơ sở thuộc 4 tỉnh thành ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Đảm bảo lượng máu phục vụ điều trị và cấp cứu ngày tết
Return to top