ClockThứ Bảy, 02/07/2016 14:07

Chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư có uy tín

TTH - Năm nay, Thừa Thiên Huế dự kiến thu hút 15 -20 dự án đầu tư, với tổng vốn cam kết khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Ðể đạt được mục tiêu này, tỉnh chủ động tìm các đối tác Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… và đẩy mạnh quảng bá chiến lược, định hướng phát triển đến các nhà đầu tư có uy tín.

Sản xuất Menfrit ở khu công nghiệp La Sơn

Gần 500 dự án được cấp phép đầu tư

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, Thừa Thiên Huế vẫn nỗ lực kêu gọi được nhiều nhà đầu tư. Một số dự án trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng như dự án Trung tâm thương mại, hội nghị, khách sạn 5 sao của Tập đoàn Vingroup tại 50 Hùng Vương; dự án khu du lịch Laguna - Lăng Cô giai đoạn II; dự án khu ở căn hộ cao cấp, biệt thự đa chức năng, dịch vụ thương mại của Công ty cổ phần Aninvest...

Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế đầu tư bến số 3 Cảng Chân Mây theo hướng cảng tổng hợp và các dịch vụ hậu cần cảng, đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải thủy trọng đến 50.000 DWT. Quy mô dự án hơn 13 ha; trong đó diện tích bến bãi hơn 10 ha; chiều dài bến 270m, tổng mức đầu tư 846 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý IV năm 2015 và hoàn thành vào năm 2018.

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã thu hút và cấp phép cho 497 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 101 nghìn tỷ đồng (trong đó, 88 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.620 triệu USD, chiếm 56,9% tổng vốn các dự án đầu tư). 

Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Quá trình tìm hiểu đầu tư, Thái Lan có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế cũng như kinh nghiệm chuyên môn; đặc biệt lĩnh vực du lịch. Chúng ta làm tốt công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư từ Thái Lan, nên các nhà đầu tư nhận thấy Thừa Thiên Huế là thị trường tiềm năng và họ đang tập trung đầu tư. Thừa Thiên Huế đã thu hút và tạo điều kiện cho Công ty cổ phần CP Việt Nam (Thái Lan) hoạt động hiệu quả, tạo hình ảnh tốt cho các nhà đầu tư khác. Laguna là đơn vị có thương hiệu về du lịch đã đầu tư tại Thái Lan, trước khi đầu tư tại Thừa Thiên Huế cũng tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư của Thái Lan đầu tư vào tỉnh ta. Nhiều doanh nghiệp Thái Lan cũng đầu tư ở Chân Mây, bắt đầu từ khu cảng, phi thuế quan, làm động lực lan tỏa cho Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô…”.

Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều dự án tiến độ triển khai chậm và có dự án chưa triển khai mặc dù đã hoàn thành các thủ tục đầu tư. Tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hiện có 16/34 dự án đã đi vào hoạt động. Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã thu hồi 6 dự án và đang rà soát 8 dự án chậm tiến độ để làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có trên 30% các dự án đầu tư chậm tiến độ hoặc chưa triển khai theo cam kết, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã thu hồi giấy phép đầu tư 17 dự án, đang rà soát 11 dự án chậm tiến độ để có phương án xử lý.

Khó trong thẩm định năng lực

Thừa Thiên Huế đã tận dụng cơ hội phát triển mạnh kinh tế đối ngoại, mở rộng các hình thức thu hút nguồn lực từ bên ngoài, kể cả các hình thức đầu tư trực tiếp, gián tiếp, mở rộng thị trường xuất khẩu, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư. Lãnh đạo tỉnh sẵn sàng lắng nghe, gặp gỡ trao đổi, kịp thời giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, “trải thảm đỏ” thu hút nhà đầu tư.

Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, UBND tỉnh ban hành điều chỉnh quy chế phối hợp về hướng dẫn, xử lý thủ tục đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Qua đó, giảm số ngày đăng ký doanh nghiệp từ 5 ngày xuống còn 3 ngày, thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua 2 hình thức online và trực tiếp tại phòng đăng ký kinh doanh. Hồ sơ được công khai, rõ ràng và minh bạch; quy định cụ thể về trách nhiệm, thời gian xử lý của từng sở, ngành, cơ quan có liên quan.      

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh tiến hành rà soát, phân loại tất cả các dự án đã đăng ký đầu tư, đề xuất phương án xử lý các dự án triển khai chậm tiến độ, chưa triển khai theo cam kết hoặc không có khả năng thực hiện để thu hồi giấy phép đầu tư. Đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, cần xem xét kỹ năng lực của nhà đầu tư để có biện pháp xử lý, không để kéo dài làm ảnh hướng đến việc thu hút đầu tư của các dự án và nhà đầu tư mới. Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng mô hình xúc tiến đầu tư của tỉnh để đảm bảo hiệu quả, ít đầu mối; phối hợp với các ngành chức năng xây dựng phần mềm quản lý, theo dõi tình hình đầu tư và hoạt động của các dự án trên toàn tỉnh.      

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Theo quy định khi cấp giấy phép đầu tư, nhà đầu tư phải có trách nhiệm kê khai năng lực tài chính. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư thì doanh nghiệp chỉ cần 20% vốn tự có, phần còn lại là họ vay ngân hàng. Thực tế, do các doanh nghiệp vay ngân hàng không được, lúc đó mới dẫn đến tình trạng dự án treo, dự án chậm….”.

Theo Luật Đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm kê khai năng lực tài chính, chứ không có quy định phải thẩm tra về tài chính. Tuy nhiên, căn cứ vào báo cáo tài chính của các nhà đầu tư thì chúng ta sẽ biết được năng lực tài chính của doanh nghiệp. Đối với những nhà đầu tư nước ngoài khi họ kê khai thì tỉnh không có điều kiện để thẩm định năng lực về tài chính và đầu tư, bản thân nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm. Do vậy, “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư, song bên cạnh việc trân trọng, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư thực sự có thiện ý thì cũng rất cần sự “để mắt”, chế tài đối với những nhà đầu tư không thể hiện năng lực, thiếu thực tâm làm ăn. Đó cũng là cách làm lành mạnh thúc đẩy môi trường đầu tư trên địa bàn.

Bài, ảnh: THANH THUẬN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế

Chiều 29/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế với toàn thể viên chức, người lao động của Trung tâm nhằm huy động nguồn lực để đầu tư trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế
Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

TIN MỚI

Return to top