ClockThứ Sáu, 19/10/2018 12:45

Chủ động ứng phó trong mùa mưa bão

TTH - Lực lượng Công an tỉnh và công an các địa phương đã và đang triển khai nhiều phương án để chủ động ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy trong mùa mưa bão năm nay.

Công an TP. Huế điều động, bố trí cán bộBản lĩnh người cảnh sát cơ độngThành lập Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an huyện A Lưới

Không để bất ngờ

Phường Kim Long (TP. Huế) là một trong những địa bàn “xung yếu” khi mùa mưa bão đến. Ngoài bám sát kế hoạch của Ban Chỉ huy Công an TP. Huế, Công an phường Kim Long đã xây dựng phương án phòng chống bão lụt với tinh thần chủ động, không để bất ngờ.

Tuyên truyền, nhắc nhở người dân, chủ các phương tiện tàu thuyền không chủ quan là một trong những phương án ứng phó với mưa bão của các lực lượng Công an tỉnh

Trung tá Nguyễn Xuân Di, Trưởng Công an phường Kim Long cho biết: “Xác định các điểm có nguy cơ cao thường xảy ra ngập úng ở đường Phạm Thị Liên, Vạn Xuân, Lý Nam Đế…, chúng tôi phân công cụ thể từng cán bộ, chiến sĩ bám nắm địa bàn để phối hợp với chính quyền địa phương chủ động ứng phó với mọi tình huống khi mưa bão xảy ra”.

Đến nay, công an 27 phường trên địa bàn TP. Huế, nhất là những đơn vị đóng quân nơi thấp trũng, xung yếu như: An Hòa, Phú Hậu, Phú Hiệp, Hương Long… đã cùng chính quyền địa phương xây dựng phương án; chuẩn bị trang, thiết bị, đồ dùng cần thiết để khi xảy ra mưa bão là triển khai ngay lực lượng phòng chống, tìm kiếm cứu nạn. Cùng với lực lượng tại chỗ, các tiểu đội cơ động là cán bộ, chiến sĩ trẻ được tuyển chọn từ các đội nghiệp vụ Công an TP. Huế cũng sẽ được tăng cường về cơ sở...

Tinh thần chủ động, giúp dân phòng chống bão lụt cũng đã được công an các địa phương triển khai tích cực. Tại huyện Quảng Điền, trung tá Hồ Thành Hưng, Phó Công an huyện cho biết: “Ban Chỉ huy Công an huyện đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tổng kiểm tra phương tiện giao thông đường thủy, hệ thống thiết bị an toàn giao thông trên phá Tam Giang, các cọc tiêu, biển báo trên các tuyến đường có khả năng ngập lụt để kiến nghị ngành chức năng kịp thời khắc phục. Công an huyện phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn kiểm tra các tuyến đê xung yếu, các hồ thủy lợi, khu dân cư ở vùng đầm phá ven biển, ven sông; lên danh sách các hộ dân có hoàn cảnh neo đơn, người già…để khi có tình huống lụt bão xảy ra là tổ chức di dời kịp thời”.

Tuyến QL1A đoạn qua xã Lộc Trì (Phú Lộc), tuyến QL 49 lên A Lưới và một số tuyến đường tại các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền…thường xảy ra ngập úng, sạt lở đất khi mưa, lũ nên lực lượng CSGT Công an tỉnh cùng CSGT công an các huyện, thị, thành phố đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, rà soát; kiến nghị cắm bổ sung các loại biển báo hướng dẫn phương tiện giao thông và chuẩn bị lực lượng ứng trực phân luồng nhằm đảm bảo an toàn.

Đại tá Phan Văn Minh, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh khẳng định: “Chúng tôi đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng lực lượng chuẩn bị phương tiện, vật tư ứng phó khi có tình huống bão lụt xảy ra theo phương châm: “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”. Toàn lực lượng Công an tỉnh và công an các địa phương luôn trong tư thế chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống”.

Giữ vững an ninh trật tự

Song song với việc chủ động phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai, công tác phòng chống tội phạm cũng được Công an tỉnh quan tâm. Bởi, thời gian mưa bão xảy ra là cơ hội cho kẻ gian lợi dụng để trộm cắp tài sản. Các đối tượng thường lợi dụng khi mọi người tập trung lo đối phó, tránh trú bão hay chạy lũ thì ra tay trộm cắp tài sản. Do vậy, vừa chủ động các phương án phòng chống bão lũ, lực lượng công an các đơn vị, địa phương cũng tăng cường hơn việc giữ vững an ninh trật tự.

Ông Mai Thanh Trí, Trưởng Công an xã Phú An (Phú Vang) lưu ý: “Trước khi rời khỏi nhà để di chuyển đến nơi an toàn, người dân cần khóa cửa chắc chắn, tài sản có giá trị nên cất giữ ở nơi an toàn. Nếu phát hiện đối tượng nghi trộm cắp thì báo ngay cho cơ quan công an để có biện pháp xử lý”.

Để ngăn chặn hoạt động trộm cắp vào mùa mưa bão, ngoài nắm chắc tình hình, phát hiện tội phạm, lực lượng chức năng khuyến cáo các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước cần bảo đảm đủ người, đủ điều kiện để phát huy hiệu quả công tác bảo vệ.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: “Công tác phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của Công an tỉnh. Tất cả các lực lượng công an trên địa bàn phải chủ động vừa giúp dân, cùng chính quyền phòng chống bão lụt, vừa phải đảm bảo tuyệt đối tính mạng, tài sản cho Nhân dân..."

Ngoài tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức khi mùa mưa bão đến, thì mỗi xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng đã chuẩn bị từ 3 đến 5 đò máy, 2 thuyền chèo tay; mỗi gia đình chuẫn bị lương thực, thực phẩm, nước sạch bảo đảm đủ sinh hoạt từ 5 đến 7 ngày; các lực lượng phòng chống bão lụt đều được thành lập với quy mô từ 5  đến 20 người…

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) phối hợp với các thủy điện thượng nguồn trong quá trình xả, điều tiết nước, chỉ đạo các trạm quản lý chặt các nguồn nước trên sông. Đồng thời, các đập, cống trên đê tiếp tục thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý tránh thất thoát nước trên các trục sông chính ra đầm phá.

Điều tiết nguồn nước ứng phó hạn mặn
Return to top