ClockThứ Hai, 26/12/2016 07:56

Chủ động ứng phó với thời tiết bất lợi

TTH - Theo kinh nghiệm dân gian, thường sau tiết đông chí, thời tiết đi vào ổn định, không còn bão lụt, nhiệt độ trong đất ấm lên, thích hợp với trồng rau màu, chăm sóc hoa phục vụ dịp tết và các lễ hội mùa xuân.

Nhưng năm nay, tiết đông chí đã hơn 5 ngày, song nông dân suốt dải miền Trung vẫn đang vật lộn với thiệt hại do những trận mưa lũ liên tiếp trong hơn một tháng qua, với những tổn thất to lớn. Hàng trăm ngàn ha rau màu, cây vụ đông và hoa tết bị hư hỏng; diện tích đất bị bùn non và cát vùi lấp, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.

Chưa hết, một cơn bão mạnh có tên quốc tế là Nock-ten đang đi vào biển đông, kết hợp với đợt không khí lạnh mạnh đang tràn xuống miền Trung, dự báo sẽ tạo ra một đợt mưa rét, lũ lụt vào những ngày cuối năm 2016 và đầu năm 2017. Các phân tích dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cũng đã nhận định, bão và áp thấp nhiệt đới vẫn còn hoạt động trên khu vực nam biển đông trong tháng 1 và tháng 2/2017; lượng mưa tại khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận từ tháng 11/2016 đến tháng 2/2017 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%; các đợt rét đậm, rét hại vẫn còn kéo dài...

Thời tiết thường diễn biến theo quy luật, tần suất khoảng 10 năm hoặc 100 năm lặp lại một lần. Còn nhớ vụ đông xuân năm 2007 cách đây gần 10 năm, mưa lạnh kéo dài ra đến tháng 2 tháng 3, hạt giống gieo xuống không nẩy mầm, rau màu và các loại cây trồng khác bị mưa rét làm cho cùn ngọn không phát triển... Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của Sở NN&PTNT, chính quyền các địa phương và người dân, một loạt giải pháp được đưa ra để ứng phó. Kết quả vụ đông xuân năm đó được cho là được mùa lớn; tuy giá trị sản phẩm không cao, vì cơ cấu cây trồng bị thay đổi.

Thời tiết tuy bất lợi nhưng sản xuất thì không thể ngừng. Để đảm bảo khung lịch thời vụ, ổn định đời sống sản xuất năm nay không còn cách nào khác là có giải pháp thích ứng. Trước mắt, cần tập trung nhân lực, vật lực để vệ sinh đồng ruộng, be bờ, đắp đập, chủ động tiêu úng khi cần thiết. Ứng dụng các biện pháp khoa học để giữ ấm cho cây trồng sinh trưởng, phát triển. Sẵn sàng có phương án thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ giống dài ngày sang ngắn ngày và thay đổi một số loại cây trồng thích hợp với kiểu thời tiết bất lợi, nhằm bảo đảm khung lịch thời vụ, ổn định thu nhập cho người dân cũng như bảo đảm an ninh lương thực trong thời gian tới.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng
Return to top