ClockChủ Nhật, 27/11/2016 13:26

Chùa làng kể chuyện

TTH - Cùng với những thiết chế văn hóa tâm linh như đình, miếu, chùa làng cũng là một nơi ghi dấu lịch sử, văn hóa và con người của quần thể cư dân nơi ấy, thậm chí còn là kho sử liệu về một thời đoạn lịch sử của cả một vùng đất.

Ở chùa làng La Chữ là câu chuyện kể gắn liền với triều đại Tây Sơn. Năm 1791, Điện tiền Thái bảo Ngự giá Quận công Võ Văn Dũng - võ tướng dưới triều  Quang Trung - cùng với bố vợ và vợ tiến cúng chùa làng chiếc chuông đồng. Về mặt nghệ thuật, đây là chiếc chuông chùa độc đáo và kỳ lạ nhất ở Huế vì các hoa văn trang trí không mang nặng dấu ấn văn hóa Phật giáo mà được trang trí bằng bộ “tứ thời”: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Trên thân chuông còn có hình chiếc gương, lược sưa, lược dày - những vật dụng của nữ giới. Đặc biệt là 8 hình người tay cầm khí giới trong tư thế đang múa các thế võ mà nhiều người nhận định là võ Tây Sơn.

Hình người tay cầm khí giới trong tư thế đang múa các thế võ trên thân chuông

Xét về năm kiến tạo, chuông được đúc khi vua Quang Trung đang tại vị. Đây cũng là giai đoạn mà triều đại Tây Sơn thực hiện những biện pháp gắt gao để chấn hưng Phật giáo như không được lập chùa riêng, sát hạch tăng đồ - người có chí nguyện tu hành thì ở lại chùa, người lợi dụng chùa để miễn phu dịch, trốn thuế thì phải hoàn tục để góp sức với đời.

Chuông chùa La Chữ cùng với 2 quả chuông ở chùa Hạ Lang (xã Quảng Phú - huyện Quảng Điền) là 3 quả chuông đồng được đúc dưới triều Tây Sơn ở Huế trong tổng số khoảng 700 quả chuông đúc thời Tây Sơn hiện còn trong cả nước.

Không chỉ chiếc chuông, mà chùa làng La Chữ còn kể về các danh tướng thời Tây Sơn bằng việc dành riêng một gian thờ võ tướng Võ Văn Dũng và vợ; nữ tướng Bùi Thị Xuân; bà Lê Công Thị Nhơn - người đã nhường đất Hạ Lang để Bùi Thị Xuân luyện voi chiến.

Hay ở chùa Tiên Linh (xã Lộc Bổn - huyện Phú Lộc) lại kể về câu chuyện một thời những cư dân ở vùng biển Phú Lộc đã tham gia vào Đội Hoàng Sa. Trên thân chuông chùa có khắc chữ “Hội thủ Cai đội Niên Trường Hầu Nguyễn Hữu Niên”. Ở gian sau của chùa, dân làng cũng thiết lập một bàn thờ thờ Ngài Cai đội. Bài vị ghi rõ “Đại Việt cố hiển linh Hoàng Sa Cai đội Hiển Đức hầu quý công chi vị”. Trong cuộc tìm kiếm bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã vào chùa Tiên Linh ghi chép, chụp ảnh làm tài liệu cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Chuông chùa làng La Chữ

Về thăm chùa làng Thanh Lương (Phường Hương Xuân - thị xã Hương Trà) sẽ được nghe những vị cao niên trong làng giới thiệu về những bức tượng Phật và chiếc chuông chùa do ông Đặng Văn Hòa - làm quan qua 4 triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và được nhắc tên nhiều trong 24 tập “Đại Nam thực lục” hiến tặng. 

Ông Đặng Văn Hòa - bác ruột của danh nhân Đặng Huy Trứ - là một vị quan thanh liêm, suốt đời chỉ biết lo cho dân, cho nước. Ông làm quan ở nhiều tỉnh, khi về kinh đô, lần lượt làm Thượng thư tới 5 bộ: bộ Binh, bộ Hình, bộ Lễ, bộ Công và bộ Hộ; ba lần tham gia viện Cơ mật dưới triều các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức; phụ trách Viện Hàn lâm, làm Tổng đài Quốc sử quán. Trong bài văn khắc trên thân chuông, ông Đặng Văn Hòa đã gửi gắm sự lan tỏa của đời sống thiện lành “Tiếng chuông là phát động vậy, tiếng ngân nga gần xa có thể rửa sạch lòng trần mà khai mở thiện niệm, phát động cho nhiều người thực hiện sống thiện”.

Tọa lạc tại Thôn Tây Thượng (xã Phú Thượng- huyện Phú Vang), chùa Ba –la - mật do Đại sư Viên Giác Nguyễn Khoa Luận lập năm 1886. Nguyên ngài Nguyễn Khoa Luận làm quan Bố chánh tỉnh Thanh Hóa, sau treo ấn từ quan về lập chùa đi tu. Chùa Ba – la - mật sẽ kể thêm cho người yêu mỹ thuật Việt Nam câu chuyện về họa sĩ Lê Văn Miến (sinh năm 1874, mất năm 1943), là họa sĩ Tây học, họa sĩ vẽ tranh sơn dầu đầu tiên của Việt Nam và những tác phẩm của ông đã ghi tên mỹ thuật cận đại Việt Nam vào lịch sử mỹ thuật thế giới từ năm 1895. Những tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Miến nay chỉ còn 3 bức tranh được xác định chính xác, trong đó tại chùa Ba – la - mật có hai bức, là chân dung cụ ông và cụ bà Nguyễn Khoa Luận (nhạc phụ và nhạc mẫu của họa sĩ), hiện là di ảnh thờ ở chùa.        

***

Những chùa làng hôm nay không còn cảnh tranh tre nứa lá như thuở khai sơ, nhiều ngôi chùa trở thành một điểm tham quan, thăm viếng đẹp của làng. Và trong không gian yên ắng của ngôi chùa, những câu chuyện kể như là những trang sách giúp thế hệ hôm nay hiểu thêm một phần quá khứ về đời sống, văn hóa của một làng quê. Trong cái tấp nập, rộn ràng ngoài kia, bước vào cổng chùa là tách biệt với bên ngoài, để cho con người biết lắng nghe thêm câu chuyện của chính mình.

Bài, ảnh: DIỆU HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cổ ngọc kể chuyện trăm năm

Những món cổ ngọc quý hiếm được chế tác điêu luyện nằm trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn lần đầu tiên được trưng bày, giới thiệu đến công chúng khiến mọi người ngỡ ngàng, thích thú. Nhiều món đồ trong số đó, theo lời của chủ nhân, được thừa hưởng lại từ gia đình, một phần được ông cất công sưu tập từ hàng chục năm theo đuổi niềm đam mê cổ vật.

Cổ ngọc kể chuyện trăm năm
Ruộng lúa kể chuyện nghệ thuật

Một ruộng lúa được gieo trên cánh đồng kể lại câu chuyện lịch sử, sự hàn gắn nỗi đau quá khứ và nhắc nhở người trẻ về sự quan trọng của lương thực trong đời sống hiện đại. Quá trình từ khi gieo sạ cho đến thu gặt đã được các nghệ sĩ tạo nên một tác phẩm nghệ thuật bằng video art trên nền âm nhạc đồng quê.

Ruộng lúa kể chuyện nghệ thuật
Kể chuyện di sản trên nền áo dài

Những công trình kiến trúc cổ kính, những cây cầu gắn liền với lịch sử vùng đất Cố đô, những điệu múa cung đình truyền thống, hay đơn giản là chiếc thuyền rồng, hoa đăng… đã được các em nhỏ đặc tả một cách hồn nhiên mà duyên dáng, tỉ mỉ nhưng vô cùng ngộ nghĩnh trên tà áo dài.

Kể chuyện di sản trên nền áo dài
Kể chuyện Mỹ Thủy anh hùng

Cái tên Mỹ Thủy năm nào vẫn được nhắc đến như một hoài niệm và một ký ức hào hùng, đặc biệt là những ngày tháng Tư lịch sử này khi cách nay 48 năm, quê hương được giải phóng và đất nước được vẹn toàn.

Kể chuyện Mỹ Thủy anh hùng
Những “Con giống” kể chuyện bảo tồn

“Không có một hiện đại nào mà không bắt nguồn từ truyền thống. Nhưng muốn truyền thống sống được trong ngày hôm nay thì buộc phải hiện đại nó”, nghệ sĩ Lê Thiết Cương đã ví von như thế và cho rằng, đó cũng là thông điệp trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của ông cùng những cộng sự tại triển lãm “Con giống”.

Những “Con giống” kể chuyện bảo tồn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top