ClockThứ Năm, 16/07/2015 11:05

Chưa ổn vì thiếu kinh phí

TTH - Hiện nay, chỉ có số ít cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thừa Thiên Huế đầu tư hệ thống xử lý rác thải y tế, còn lại đa phần đều chưa ổn, hoặc đang trong quá trình triển khai xây dựng.

Tại phòng khám đa khoa Medic 1, rác thải y tế được tập kết như thế này sau đó chờ công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế đến thu gom đi xử lý

Quản lý còn khó khăn

Sở Y tế đang tiến hành lập đề án kế hoạch xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh, đầu tư hạ tầng xử lý chất thải y tế đối với từng cơ sở thông qua nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) của Bộ Y tế. Với tổng vốn 160 triệu USD, đề án có thể đầu tư hạ tầng xử lý chất thải y tế cho khoảng 700 bệnh viện trong cả nước; trong đó khoảng 10 triệu USD dành cho công tác tập huấn, đào tạo cán bộ quản lý, người thu gom vận chuyển chất thải...

Sau nhiều năm lúng túng trong việc xử lý chất thải y tế, năm 2010, Bệnh viện Đa khoa Hương Trà là một trong những bệnh viện tuyến huyện được đầu tư hệ thống hạ tầng khang trang, cùng với lò đốt rác thải, hệ thống xử lý nước thải. Quy trình vận hành xử lý nước thải theo dây chuyền khép kín. Sau khi xử lý xong, nước thải được bơm ra hệ thống thoát nước chung.
Ông Lê Đình Thao, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hương Trà cho biết, cùng với việc xử lý nước thải, rác thải y tế của bệnh viện được phân loại từ các khoa phòng, sau đó được tập kết đưa vào lò đốt. Dung nạp mỗi lần đốt 30-35 kg, tùy thuộc vào lượng rác thải ra. Tuy nhiên, nan giải hiện nay của đơn vị là chuyện xử lý rác thải nguy hại, như: chai, lọ, bơm kim tiêm... vì lò đốt tại bệnh viện chỉ đầu tư một buồng, tính năng xử lý không triệt để. Với loại rác thải như chai lọ thủy tinh, phải hợp đồng đơn vị chức năng xử lý.
Tìm hiểu một số bệnh viện và các phòng khám đa khoa trên địa bàn, việc xử lý chất thải y tế hiện còn bất cập. Một số nơi, nước thải y tế không tách riêng, nhập chung với nước thải sinh hoạt và chỉ được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại rồi xả ra ngoài môi trường. Các lò đốt chất thải y tế đều làm thủ công, hư hỏng xuống cấp. Để khắc phục, các đơn vị đều chọn giải pháp “gởi” đơn vị chức năng xử lý.
“Mục sở thị” Phòng khám Đa khoa Medic 1, đường Bến Nghé, TP Huế, đơn vị có đủ các ban, phòng chức năng khám, điều trị bệnh ngoại trú, nhưng chuyện xử lý chất thải y tế còn nhọc nhằn. Bình quân mỗi ngày phòng khám từ 150-200 lượt bệnh. Thường lệ, sau mỗi ngày, lượng rác thải y tế được các hộ lý phân loại tập kết tại thùng rác bên lối đi. Những thùng rác này đi đâu về đâu là nhiệm vụ của Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế vì đã có hợp đồng thu gom xử lý định kỳ. Nước thải ở đây tập trung về bể tự hoại nhỏ sau đó đưa ra hệ thống nước thải công cộng, chẳng khác nhiều so với việc xử lý nước thải hộ gia đình. Ông Trần Hoài Ái, Phó Ban Điều hành Phòng khám Đa khoa Medic 1 khẳng định: “Quy trình xử lý chất thải y tế ở đây đều đảm bảo. Lượng rác hàng ngày đơn vị đã hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế thu gom, xử lý, mỗi năm kinh phí không dưới 30 triệu đồng. Hệ thống xử lý nước thải đã phối hợp các ngành hàng năm tiến hành đo đạc, lấy mẫu, phân tích đều đảm bảo các chỉ số về môi trường”.
Theo Sở Y tế, hiện ngoài Bệnh viện Trung ương Huế, các Bệnh viện Đa khoa Phú Vang, Hương Trà, TP Huế và Đại học Y Dược Huế... đang trong giai đoạn hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải y tế đúng quy chuẩn, số còn lại trong tổng 189 cơ sở y tế (gồm: 24 bệnh viện, 8 phòng khám đa khoa khu vực, 152 trạm y tế xã phường) thì vẫn chưa đảm bảo về hệ thống xả thải y tế. Trong 27 đơn vị khám chữa bệnh (KCB) lớn trên địa bàn, 9 đơn vị có hệ thống xử nước thải hoạt động thường xuyên, 7 đơn vị hoạt động không thường xuyên (do hỏng). Quản lý chất thải rắn y tế hiện chỉ có 8 đơn vị sử dụng lò đốt, trong đó 3 đơn vị sử dụng lò đốt 2 buồng có hệ thống xử lý khí thải, số còn lại sử dụng lò đốt 1 buồng và thủ công. Ngoài thiếu về cơ sở vật chất, các đơn vị còn khó khăn về con người. Cán bộ quản lý, xử lý chất thải một số đơn vị còn làm kiêm nhiệm: Việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý chất thải y tế còn hạn chế.
Thạc sĩ Trần Bá Thanh, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường, sức khỏe trường học, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, hiện nay công tác quản lý chất thải y tế ở các cơ sở, y tế rất khó khăn. Ngoài hệ thống y tế tuyến xã, những cơ sở KCB lớn đang lúng túng. Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Quảng Điền dù đã có quyết định đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế từ năm 2013 của UBND tỉnh, nhưng đến nay vẫn chờ vốn.
Giẫm chân tại chỗ
PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn bên cạnh thực hiện các định hướng phát triển lĩnh vực y tế cũng đang quan tâm thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT. Việc xử lý chất thải rắn y tế thông thường tại các cơ sở đến nay đảm bảo 100%. Việc xử lý chất thải nguy hại y tế được các cơ sở tự xử lý bằng lò đốt hai buồng, hay một buồng hoặc hợp đồng với đơn vị chức năng xử lý. Đối với xử lý chất thải y tế nguy hại, hầu như các cơ sở y tế đều ý thức về vấn đề này. Tuy nhiên, do khó khăn hạ tầng, công nghệ xử lý, nên hầu hết các cơ sở trên địa bàn đều chọn giải pháp xử lý tạm thời.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Sơn, những bất cập trên là một thực tế mà ngành y tế Thừa Thiên Huế cũng như trong cả nước đang phải đối mặt. Hiện tại, kinh phí để xử lý chất thải y tế đã được cơ cấu một tỷ lệ nhỏ trong viện phí, nhưng chỉ là kinh phí cho xử lý chất thải y tế. Trong khi nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng xử lý chất thải y tế, nhất là muốn đầu tư một hệ thống xử lý nước thải y tế hoàn chỉnh phải mất vài tỷ đồng, chưa kể chi phí, nhân lực và chuyên môn để vận hành bảo dưỡng thiết bị sau khi được đầu tư. Đây là lý do khiến hầu hết các cơ sở y tế lâm vào tình trạng giẫm chân tại chỗ, chờ nguồn hỗ trợ từ Trung ương, hoặc các chương trình dự án mới mong cải thiện được công tác quản lý, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý đồng bộ.
Trước mắt, ngành y tế tính toán bố trí kinh phí đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường như hệ thống xử lý nước thải, hệ thống lò đốt chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở thực sự đang cấp thiết. Đồng thời, bố trí nguồn kinh phí để phục vụ việc vận hành, duy tu, bảo dưỡng các hệ thống xử lý chất thải, góp phần thực hiện tốt mục tiêu chăm sóc, KCB cho người dân, đảm bảo an toàn về môi trường và cho sức khỏe cộng đồng.
Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

TIN MỚI

Return to top