ClockThứ Hai, 10/09/2018 06:00

Chuẩn văn hóa nông thôn mới và văn minh đô thị: Khó nhiều tiêu chí

TTH - Sau hơn 5 năm triển khai Thông tư 17 và Thông tư 02 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, toàn tỉnh chỉ có 3 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và 2 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế chung tay xây dựng nông thôn mớiHương Bình công bố xã đạt chuẩn nông thôn mớiSớm xây dựng Nam Đông thành huyện nông thôn mới

Xây dựng các trung tâm văn hóa để duy trì sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các địa phương là tiêu chí cần thiết. (Ảnh minh họa)

Nhiều tiêu chí khó đạt

Ba xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới là Quảng Phú (Quảng Điền), Hương Vinh (Hương Trà) và Hương Phong (A Lưới), còn 2 phường là Trường An, Phú Hòa của TP. Huế được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Đây là tỷ lệ quá thấp so với tổng số 152 xã, phường, thị trấn.

Thực tế triển khai phong trào ở các địa phương cho thấy, tiêu chí đạt các danh hiệu trên không dễ. Đại diện Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, quy định trung tâm văn hóa – thể thao xã có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm, ổn định về tổ chức, hoạt động thường xuyên, hiệu quả và 100% thôn có nhà văn hóa - khu thể thao, trong đó có 50% đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính là điểm vướng mắc nhất, do kinh phí đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa thể thao xã rất lớn, đòi hỏi nguồn xã hội hóa cao.

Ở một số địa phương, dù trung tâm văn hóa - thể thao xã đã xây dựng nhưng còn thiếu nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản bảo đảm cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên, hiệu quả; nhà văn hóa cấp thôn vẫn chưa đạt đúng chuẩn theo quy định. Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP. Huế, băn khoăn: “Việc xây dựng trung tâm văn hóa phường đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hoạt động hiệu quả rất khó thực hiện, nhất là đối với các phường hiện không còn quỹ đất hoặc quỹ đất ít”.

Để đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển bền vững về chất và lượng, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành hướng dẫn bình xét và công nhận các danh hiệu này, trong đó quy định 90% trở lên hộ gia đình không vi phạm những hành vi nghiêm cấm tại quy định xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn của UBND tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quy định về đốt và rải vàng mã còn diễn ra, việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị chưa nghiêm túc là rào cản để tăng số lượng công nhận danh hiệu này.

“Gian nan” nhất là tiêu chuẩn “Có từ 50% thôn, làng, ấp, bản trở lên được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, làng, ấp, bản văn hóa liên tục từ 5 năm trở lên”.  Bởi, theo quy định chung, chỉ cần vượt mức về tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên thì không được công nhận “Thôn văn hóa”.

Ông Nguyễn Ánh Cầu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quảng Điền cho biết: “Tiêu chí đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới cao hơn nhiều so với xã nông thôn mới. Hiện nay, các địa phương ở Quảng Điền mới tiệm cận giới hạn tối thiểu để đạt 19 tiêu chí nông thôn mới”.

Phường Trường An là một trong hai phường được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị

Tập trung nguồn lực

Trong lộ trình công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, cơ sở vật chất văn hóa luôn là “gánh nặng” của nhiều địa phương. Để nâng cao tỷ lệ đạt danh hiệu này, UBND các huyện cần ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư các tiêu chí còn thiếu, yếu với các xã đã được công nhận nông thôn mới. Các phường, xã cũng cần rà soát các tiêu chí chưa đạt về cơ sở vật chất để tham mưu HĐND các cấp bố trí nguồn lực đầu tư...

Theo mục tiêu quy hoạch của TP. Huế, đến năm 2020 sẽ phấn đấu 80% số phường có trung tâm văn hóa và đến năm 2030 thì hệ thống trung tâm văn hóa, thể thao phường đạt 100% các tiêu chí quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, bố trí quỹ đất để 27 phường đều có đất xây dựng trung tâm văn hóa thể thao. Bà Quỳnh Dao cho hay: “Vấn đề bây giờ là kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí xây dựng, khai thác hợp lý các trung tâm văn hóa phường nhằm nâng cao chất lượng thiết chế này theo hình thức xã hội hóa. Ngoài ra, TP. Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với xử lý vi phạm để nâng cao nhận thức của người dân về chấp hành nếp sống văn minh đô thị”.

Việc thực hiện tốt các tiêu chí trên không phải một sớm một chiều mà phải có thời gian vận động cũng như xây dựng kế hoạch, lộ trình công nhận để danh hiệu khi được công nhận là thực chất, phát huy được tính phong trào và đảm bảo các nguyên tắc trong bình xét thi đua. Năm 2016, TP. Huế không xét công nhận danh hiệu đạt chuẩn văn minh đô thị cho phường Hương Sơ và Phú Hội do những đơn vị này chưa có trung tâm văn hóa cũng như việc chấp hành nếp sống văn minh đô thị còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho hay: “Ngành văn hóa đề nghị các địa phương ưu tiên đầu tư để hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa; kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh một số tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tiễn, cho phép vận dụng các công trình khác phục vụ cho văn hóa được xem  như thiết chế văn hóa; đồng thời vận dụng linh hoạt, hợp tình, hợp lý đối với tiêu chí thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật

Ngày 20/4, tại xã Vinh Thanh (Phú Vang), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI) tổ chức ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật. Tham dự tại có Đại diện văn phòng RCI cùng hơn 50 người khuyết tật và người chăm sóc trên địa bàn các xã Vinh Thanh, Vinh An, Vinh Xuân, Vinh Hà và Phú Gia.

Ngày hội văn hóa thể thao dành cho người khuyết tật
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

TIN MỚI

Return to top