ClockThứ Tư, 30/01/2019 12:08

Chừng ấy tiền, thành phố có sạch hơn không?

TTH - Một thành phố được mệnh danh là trung tâm văn hóa, du lịch như TP. Huế thì rất cần xây dựng một thành phố xanh, sạch, văn minh.

Nhà phố đô thị: Cần một sự điều chỉnh & thay đổiXả rác ra môi trường, ý thức người dânChỉnh trang đô thị Huế: Còn nhiều việc phải làm

Du khách bỏ rác vào thùng rác thông minh do Bridgestone Việt Nam trao tặng. Ảnh: Đức Quang

Trong cuộc gặp mặt báo chí nhân dịp đón Xuân Kỷ Hợi, một phóng viên đặt câu hỏi: Năm 2019, phí môi trường sẽ thu cao hơn nhiều so với trước đây, ông có thể giải thích điều này? Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời đại ý, chúng ta phải chuyển dần các loại phí thành giá, phải dần chuyển theo cơ chế thị trường…

Tôi hiểu rằng, “chuyển dần theo cơ chế thị trường”, có thể hiểu là chúng ta chưa hoàn toàn để cho thị trường quyết định về giá mà còn một phần “bao cấp”, tức là bù giá thông qua phí. Có nhiều thứ, nhiều lĩnh vực không dễ gì để cho thị trường quyết định hoàn toàn mà cần sự can thiệp của Nhà nước. Những lĩnh vực nào có thể thì cũng cần thiết để cho thị trường quyết định.

Thị trường quyết định giá nó có cái hay là dần đưa đến sự hợp lý, tạo động lực; dần điều chỉnh và triệt tiêu những động lực thiếu tích cực. Ở đây, nói về chuyện phí môi trường. Có thể không phải là tất cả nhưng tôi tin rằng, một khi anh không đóng đồng nào về phí môi trường, so với có đóng với mức 20 -30  ngàn đồng và mức 80 ngàn đồng, thậm chí còn cao hơn nữa… anh sẽ có chút phân tích, nghĩ ngợi: À! Nếu mình cứ vứt rác bừa bãi thế này thì có thể một ngày nào đó, phí môi trường sẽ còn thu cao hơn nữa, vì công để thu gom, xử lý rác thải tốn nhiều hơn. Từ những suy nghĩ như vậy sẽ dẫn đến hành động ứng xử với rác thải tích cực hơn.

Ở nhiều nước, hành động vứt rác bừa bãi là hành động không chấp nhận được và nó được luật hóa. Nếu ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, có những nước, như Singapore, người ta còn dùng hình phạt bằng roi, bắt đi lao động công ích 3 tháng. Ở Việt Nam ta thì không được vậy, có thể nói, ý thức của quá nhiều người dân là rất kém trong vấn đề này. Thôi thì không nói gì ngoài đường phố, chỉ cần vào một số quán ăn, quán nhậu mà xem, không ít người sử dụng giấy lau rồi vứt ngay dưới chân mình ngồi. Cho nên, có nhiều quán khi hết bán là rác tràn ngập dưới bàn. Đã đi ăn uống mà còn vậy thì hy vọng chi ngoài đường phố họ ứng xử tốt hơn. Đáng tiếc, đây không phải là trường hợp hy hữu, cá biệt mà là số đông. Cho nên chúng ta thấy, đường phố của chúng ta không mấy nơi được sạch đẹp, mặc dù khẩu hiệu được trưng ra rất nhiều: “tuyến phố văn minh”, “tuyến đường tự quản”, “tuyến đường không rác thải”…

Thùng rác thông minh Bridgestone Việt Nam được đặt ở các công viên. Ảnh: Đức Quang

Nếu tôi có dịp được hỏi Chủ tịch UBND tỉnh về chuyện phí môi trường, tôi sẽ không hỏi với số tiền thu như vậy là cao hay thấp mà tôi sẽ hỏi: liệu thành phố của chúng ta có sạch hơn không? Để cho thành phố sạch hơn thì cần những biện pháp xử lý như thế nào?

Một thành phố được mệnh danh là trung tâm văn hóa, du lịch như TP. Huế thì rất cần xây dựng một thành phố xanh, sạch, văn minh. Muốn văn minh thì cần xây dựng một đô thị thông minh như chúng ta thường đề cập trong thời gian gần đây. Và còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có ý thức của người dân về rác thải. Việc ứng xử với rác thải nó liên quan đến mọi gia đình, cho nên rất cần mỗi người dân chung tay. Chúng ta chưa thực hiện phổ biến việc phân rác tại nguồn, nghĩa là mỗi gia đình tự phân loại: rác hữu cơ, rác vô cơ, rác thải rắn… thì người dân cần bỏ rác đúng chỗ, đúng giờ quy định. Nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước Singapore, khi vạch chiến lược để đưa Singapore phát triển, có một vấn đề ông quan tâm là phải xây dựng đảo quốc này xanh và sạch. Xanh và sạch cũng là một yếu tố để nâng cao tính cạnh tranh của quốc gia.

Phải phân tích và “luật hóa” cho được, trong việc ứng xử với rác thải để thành phố sạch, văn minh, ít chi phí nhất… thì người dân phải làm gì, chính quyền phải làm gì; những hành vi vi phạm sẽ phải chế tài ra sao; bài học về ứng xử với rác thải cần thiết được dạy trong nhà trường từ nhỏ không…?

Hàng đêm, dù mùa hè hay mùa đông cắt da cắt thịt, những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài thu gom rác. Những chiếc thuyền qua lại trên dòng sông An Cựu và nhiều con sông khác để vớt rác thải…Chúng ta có thường xuyên bắt gặp những hình ảnh như vậy; con trẻ của chúng ta có được thường xuyên nhìn thấy những hình ảnh như vậy, kèm với những lời giải thích của các bậc phụ huynh… Tôi tin rằng, ý thức về môi trường, về xử lý rác thải sẽ được cải thiện rất nhiều. Nói chung, cái gì cũng phải được giáo dục. Khi con người ta được hiểu biết thì cách ứng xử làm sao cho đúng, cho đẹp… cũng sẽ khác đi.

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không chỉ giữ bình yên, mà còn phải xanh, sạch, đẹp

Dù tất bật với nhiệm vụ giữ vững sự bình yên cho cuộc sống Nhân dân, nhưng cán bộ, chiến sĩ công an trong toàn tỉnh đã sắp xếp thời gian, công việc để tham gia “Ngày Chủ nhật xanh” với mục tiêu đặt ra là: Vì một TP. Huế không chỉ bình yên, an toàn, thân thiện, mà còn phải xanh, sạch, đẹp.

Không chỉ giữ bình yên, mà còn phải xanh, sạch, đẹp
Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý

UBND TP. Huế vừa ban hành kế hoạch về thực hiện Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới.

Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý
1.000 học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu về tài chính

“Hiểu biết về tài chính” là cuộc thi được Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp tổ chức cho học sinh Trường tiểu học Thủy Biều và sinh viên Trường đại học Khoa học - Đại học Huế trong ngày 5/4. Chương trình thu hút hơn 1.000 học sinh, sinh viên tham gia.

1 000 học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu về tài chính
Vì một môi trường sống sạch đẹp

Năm nay, chiến dịch Giờ Trái đất được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Giảm dấu chân carbon - hướng tới Net zero” “Reducing carbon footprint towards net zero”.

Vì một môi trường sống sạch đẹp
Return to top