ClockThứ Năm, 26/11/2015 10:16

Chứng rối loạn tâm thần gia tăng

TTH - Không quen cũng chẳng biết, đang nhẩn nha ly cà phê sáng trên phố Trương Định (Huế), bất chợt một bạn trạc 16 - 17 tuổi, gương mặt đờ đẫn, rụt rè bước vào vòng hai tay lên ngực, cúi mặt chào: "Thưa thầy, em vừa lên trời!?". Tôi băn khoăn, chợt nhớ, hôm qua mình đã gặp một trường hợp tương tự. Hiện nay khá phổ biến chứng bệnh mà nhiều người gọi là "tê tê".

Em Lê Thị Chung đang được các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Huế điều trị chứng rối loạn tâm thần

Từ những nỗi buồn

Theo khuyến nghị của các bác sĩ chuyên khoa ở Bệnh viện Tâm thần Huế, để tránh mắc các bệnh rối loạn tâm thần cần cân bằng cuộc sống, giảm áp lực công việc, biết hài hòa giữa làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn, tham gia chơi thể dục, thể thao. Với giới trẻ, gia đình nhà trường xã hội phải kết hợp quan tâm chăm sóc tốt về mặt thể chất và tinh thần. Khi phát hiện những biểu hiện rối loạn tâm thần, không nên nghĩ đến chuyện bùa phép ma thuật mà đưa người bệnh đến bệnh viện tâm thần khám, điều trị để trở lại cuộc sống bình thường ban đầu.
Tâm trạng hưng phấn của một sáng đầu tuần bỗng tan nhanh khi bước vào cổng Bệnh viện Tâm thần Huế. Trên lối dẫn vào nơi làm việc của Ban Giám đốc bệnh viện, chúng tôi bắt gặp nhiều bệnh nhân đăm chiêu, rồi lại cười, những nụ cười ngờ nghệch...
Chúng tôi xin gặp một số bệnh nhân, Thạc sĩ Bùi Minh Bảo, Giám đốc bệnh viện Tâm thần Huế vui vẻ. Trong đầu tôi thoáng nỗi bất an về hình ảnh những “người điên” thường la hét, đập phá... nhưng khi chứng kiến mới thấy hết nỗi đau và muốn chia sẻ với những hoàn cảnh lâm bệnh ở đây. Trường hợp đầu tiên là cô bé Lê Thị Chung, 16 tuổi, ở xã Hương Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) đang điều trị tại khu nội trú. Bé Chung có khuôn mặt trắng hồng đang ngồi nhìn ra song cửa. Hỏi tên chẳng biết, hỏi tuổi chẳng hay nhưng khi có người thân đến bên cạnh, em đứng phắt dậy, nhảy xổm hướng về phía người đối diện. Chị Bùi Thị Tư, mẹ của bé Chung cho biết: Năm trước Chung bị sốt, lên khám ở bệnh viện huyện, bác sĩ bảo cháu bị cúm. Gần đây, cháu rên la nhức đầu, ban đêm mất ngủ, ban ngày thường la hét, gia đình đã xuôi ngược đưa cháu chữa trị nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi. Giờ vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Huế, gia đình chỉ cầu mong cháu giảm vài phân để bớt khổ. “Mấy hôm nay được bác sĩ ở đây theo dõi, cho thuốc uống cháu đã hiền ra và bắt đầu biết vâng lời mẹ”. Chị Tư chia sẻ.
Trường hợp khác, chúng tôi bắt gặp trước phòng khám, ngay hàng ghế đầu là thanh niên Nguyễn K.P, phường Tây Lộc (TP Huế) đang cúi mặt vào tường. Mới nhìn, không ai có thể ngờ rằng anh P, dáng người cao ráo, khuôn mặt điển trai đang phải đến khám, điều trị bệnh thần kinh. Lúc chúng tôi cố tìm bắt chuyện, mặt P. chợt cau lại như cố nghĩ chuyện gì đấy và lặng thinh. Thông tin từ người thân của anh P. cho biết: “Trước đây, anh P. là kỹ sư xây dựng, vì chút phiền muộn khi chia tay vợ, anh rơi vào tình trạng mất ngủ nhiều đêm, có hiện tượng ảo giác, không tập trung làm việc. Khi đến bệnh viện thăm khám thì được bác sĩ kết luận bị căng thẳng thần kinh. Điều trị theo phác đồ của bác sĩ được 2 tuần, bệnh tình đang có chuyển biến tích cực.
Trường hợp đáng thương hơn là Nguyễn Thị Q.T. ở thị trấn Phong Điền, SV năm 1, Trường đại học Ngoại ngữ Huế gần đây phải thường xuyên đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Huế. Em trai của Q.T. cho biết mấy tháng trước chị đi học bình thường. Gần đây tính tình đột nhiên thay đổi, chán ăn, không muốn nói chuyện với người thân và cứ ngồi miết một mình trong phòng. “Chỉ vì áp lực chuyện học hành, thi cử mà chị quá lo lắng. Bố mẹ em khuyên nghỉ ngơi, vui chơi chị không chịu nghe. Bây giờ đã rước khổ vào thân. Đi đâu, đứng ở đâu cũng như người mất hồn. Gần cả tháng nay vào bệnh viện khám và được bác sĩ theo dõi cho thuốc uống nhưng chưa thấy thuyên giảm”. Cậu em trai than phiền.
Tăng 20-30%
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thượt, Trưởng phòng khám Bệnh viện Tâm thần Huế, có ít thì giờ rỗi vì phải luôn đón tiếp, tư vấn nhiều bệnh nhân và người nhà vào buổi sáng, cho biết một cách vắn tắt bệnh nhân vào đây là ở nhiều tỉnh thành, không riêng ở địa bàn Thừa Thiên Huế. Bình quân mỗi tuần, bệnh viện đón từ 600-800 bệnh nhân, tăng từ 20-30% so với thời gian những năm về trước. Đa số rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần như mất giấc ngủ, lo âu, trầm cảm...; nặng hơn là bị thần kinh phân liệt, chậm phát triển trí não, tự kỷ... Qua theo dõi tiên lượng bệnh, bệnh viện thường xuyên điều trị nội trú từ 100-120 bệnh nhân, phần nhiều là rối loạn thần kinh nặng.
Tranh thủ thời gian bác sĩ Thượt hoàn tất việc khám tư vấn và chỉ định thuốc cho một loạt bệnh nhân, chúng tôi dò hỏi về nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn tâm thần. Bác sĩ Thượt cho rằng, một phần do di truyền, nhưng hiện nay có những yếu tố trong cuộc sống góp phần làm bệnh xuất hiện nhiều hơn là vì áp lực công việc, các chấn thương tâm lý, như xung đột trong gia đình, lo lắng về công việc, học hành, kinh tế... Đáng lo hơn, một số giới trẻ sa vào thú nghiện game, dùng các chất gây nghiện ma túy đá, uống nhiều rượu dần dần lâm vào trạng thái rối loạn tâm thần, gây ảo giác. Theo bác sĩ Thượt, những người mắc bệnh khởi phát triệu chứng bệnh từ từ nên rất khó phát hiện, chỉ người nhà, người thân mới phát hiện được người bệnh có những thay đổi tính tình. Ví dụ như trước đây hay đi chơi với bạn bè nay dừng hẳn. Trước đây, về đến nhà vui vẻ nói chuyện với mọi người nhưng nay chỉ ở trong phòng, không muốn trò chuyện với ai; thường giở sổ ghi chép, có thể ghi những điều rất hoang tưởng hoặc viết những câu hoàn toàn vô nghĩa... Bên cạnh những biểu hiện của chứng rối loạn tâm thần nêu trên, những người mắc phải chứng bệnh này còn có nhiều hành vi bộc phát, biểu hiện mãnh liệt, gia tăng hành vi khi bị xúc động hay kích động rất dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực có suy nghĩ muốn quyên sinh. Gần đây, có nhiều trường hợp đã vào Bệnh viện Tâm thần Huế, một hai đòi tự tử nhưng được bác sĩ cách ly, theo dõi, trấn an tâm lý, cắt cơn bộc phá hành vi dần dần trở lại trạng thái bình thường.
Bài, ảnh: Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top