ClockThứ Bảy, 25/05/2019 10:45

“Chướng tai gai mắt”: Đã có dịch vụ phản ánh hiện trường

TTH - Là một trong 7 dịch vụ được Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) triển khai, “phản ánh hiện trường” (PAHT) được xem là kênh cảm biến quan trọng giúp người dân, du khách phản ánh trực tiếp đến cơ quan công quyền những “chướng tai gai mắt”, giúp cơ quan chức năng kịp thời xử lý, chấn chỉnh, hướng đến một môi trường sống an toàn hơn trong xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM).

Giải thưởng sáng tạo Châu Á: Mô hình hợp tác thành công giữa chính quyền và doanh nghiệpVinh danh đô thị thông minh

Từ phản ánh hiện trường

Đầu tháng 5/2019, một người dân đã quay clip cảnh rải vàng mã với số lượng lớn xuống sông Hương. Từ clip này, cơ quan công an vào cuộc, mời những người liên quan đến xử phạt 3 triệu đồng. Những người này còn bị phạt thêm hành vi đậu đỗ thuyền du lịch không đúng nơi quy định.

Trước đó, ngày 17/4, một Việt kiều phản ánh trên facebook việc một du khách nước ngoài mua 1,7 kg măng cụt tại khu vực bán hàng gần chùa Linh Mụ và đưa cho người bán hoa quả 2 tờ 500.000 đồng nhưng người bán hàng không chịu trả lại tiền thừa. Thấy vậy, ông đã can thiệp nhưng bị một người khoảng 15 - 16 tuổi cầm dao định tấn công. Khi ông xấn tới thì xuất hiện thêm một người đàn ông khoảng 55 tuổi lao vào định đánh. Thông tin này được phản ánh qua hệ thống phản ánh hiện trường của IOC và sau đó Công an TP. Huế vào cuộc, tìm ra các đối tượng "chặt chém" du khách để xử lý.

Đó là 2 thông tin trong hàng nghìn phản ánh được người dân gửi về IOC và được cơ quan chức năng kịp thời làm rõ, xử lý. Theo ông Nguyễn Dương Anh, Giám đốc IOC, thông tin được người dân phản ánh phong phú, đa dạng, từ việc xả rác bừa bãi, ô nhiễm môi trường, kẹt xe…đến vấn đề ép giá, rải vàng mã bừa bãi, sử dụng xe công không đúng mục đích, khúc mắc trong giải quyết thủ tục hành chính… bằng hình ảnh, clip. Thậm chí việc sử dụng trụ sở UBND xã tổ chức đám cưới trong giờ hành chính ở A Lưới cũng được phản ánh, giúp cơ quan chức năng kịp thời can thiệp.

Mắt xích quan trọng

Để tải ứng dụng nhiều tiện ích này, mọi người có thể dễ dàng truy cập tại cửa hàng ứng dụng trên các thiết bị di động thông minh chạy hệ điều hành Android hoặc IOS, tìm từ khóa “Hue-S” hoặc “đô thị thông minh Huế" vào cài đặt. Ứng dụng PAHT là một thành phần của dịch vụ ĐTTM. Đây là công cụ giúp người dùng phản ánh các vấn đề bất cập trong cuộc sống, thông qua đó hỗ trợ công tác xử lý hiệu quả từ các đơn vị chức năng, hướng đến cải thiện môi trường sống và làm việc  tốt cho người dân. Ứng dụng cung cấp chức năng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, khách du lịch phản ánh toàn diện các hoạt động trên địa bàn tỉnh khi nhận thấy các vấn đề bất cập bằng cách gửi phản ánh về IOC kèm theo hình ảnh chụp hoặc quay video clip.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ, thông qua Cổng thông tin dịch vụ ĐTTM và ứng dụng Hue-S, mọi công dân, tổ chức, doanh nghiệp đều có thể gửi phản ánh liên quan tất cả các lĩnh vực đến một đầu mối thống nhất toàn tỉnh là IOC. Trung tâm IOC sẽ kích hoạt vận hành quy trình xử lý có thời gian hoặc xử lý tức thời tùy theo tính chất phản ánh. Nhằm đảm bảo tính chính xác, độ tin cậy và mục đích phản ánh, công dân, tổ chức, doanh nghiệp khi phản ánh phải đăng nhập tài khoản theo quy định.

“Thông tin gửi đến sẽ được triển khai theo chế độ mật, ngoài nhân sự có thẩm quyền của trung tâm, các cơ quan, đơn vị phối hợp còn lại đều không nắm được thông tin. Kết quả xử lý sẽ được công khai lên Cổng thông tin dịch vụ ĐTTM và ứng dụng Hue-S để hỗ trợ công dân, doanh nghiệp theo dõi, tương tác và đánh giá mức độ hài lòng về xử lý của cơ quan nhà nước”, ông Sơn khẳng định. 

Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm, hiện tỉnh mở rộng tiếp nhận phản ánh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc triển khai thành công giải pháp PAHT là mắt xích quan trọng, làm cơ sở để triển khai có hiệu quả các dịch vụ ĐTTM khác trong thời gian tới. Qua đó, đảm bảo hoàn thành mục tiêu Đề án “Phát triển dịch vụ ĐTTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2025”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng một chính quyền phục vụ xã hội tốt nhất.

Những phản ánh, kiến nghị của cá nhận, tổ chức gửi về Trung tâm IOC được phân thành các nhóm vấn đề: hạ tầng đô thị, trật tự đô thị, hạ tầng viễn thông, vệ sinh môi trường, dịch vụ du lịch, dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công ích và một số lĩnh vực khác. Đến nay, đã có 68 cơ quan chức năng tham gia xử lý phản ánh, kiến nghị do IOC cung cấp.

Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế
Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển
Return to top