ClockThứ Hai, 12/02/2018 08:10

Chuyện bán trú của học trò vùng đầm phá

TTH - Không còn cảnh phụ huynh phải đem cơm cho con đến trường vào buổi trưa. Bọn trẻ cũng không còn mệt nhoài khi được ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Mô hình “bán trú dân nuôi” được triển khai ở nhiều trường tại huyện Phú Vang được người dân đồng tình.

Học sinh Trường tiểu học Phú Đa 2 trong giờ ra chơi

Chật vật khi ở lại trường

Khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ nên hầu như các trường ở nông thôn đều không có bán trú. Nhiều địa phương ở vùng thấp  trũng, ngoài bậc mầm non có bán trú buổi trưa, ở các trường bậc tiểu học, việc bố trí chế độ bán trú cho học sinh gặp rất nhiều khó khăn và có rất ít trường tổ chức được. Có chăng chỉ được trường ở trung tâm thị trấn, nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn mới tổ chức được.

Nhà cách trường 2 - 4 km, phụ huynh thường làm đủ nghề. Họ lên Huế hay về các vùng phụ cận, bươn chải cho cuộc mưu sinh nên việc đưa, đón con, nhất là học sinh học 2 buổi/ngày quả không dễ. Những đứa trẻ tiểu học ở vùng sông nước sớm “tự túc” bữa ăn theo nhiều cách. Có em được bố mẹ gói cho ổ mì, xôi, khoai sắn… để buổi trưa ở lại trường ăn. Có em bố mẹ phát tiền, ăn quà vặt. Gia đình nào có điều kiện hơn thì đem cơm đến tại trường nhưng cũng có khi phụ huynh “quên” nên giáo viên ở lại trường phải san sẻ. Có cô giáo kể rằng, khi nào mình cũng nấu cơm thật nhiều, nén thật chặt vào cặp lồng, chẳng may em nào không có cơm ăn buổi trưa thì cô “cứu trợ”.

Chuyện ăn đã thất thường, chuyện ngủ hầu như không có. Các em chạy chỗ này, leo trèo nơi kia, không ai quản lý… cho đến khi trống đánh vào tiết, mới chịu vào lớp. Chương trình học thì nhiều, lại đang tuổi ăn, tuổi lớn mà cứ kéo dài ăn uống, nghỉ ngơi thất thường nên các em không có sức để học. Tới giờ lên lớp, nhiều em ngáp dài, ngủ gật ngay tại bàn học…

Chị Nguyễn Thị Huyền, phụ huynh có con đang học ở Trường tiểu học Vinh Thanh (Phú Vang) cho biết: “Vợ chồng tôi làm nghề xây dựng, đi từ sáng tới tối mới về. Ông bà lại già yếu nên buổi sáng đưa con đến trường thì được nhưng đón đưa trước và sau buổi trưa là việc khó khăn. Chúng tôi chỉ mong nhà trường có hệ bán trú buổi trưa để các cháu được ăn trưa, nghỉ trưa tại trường”.

Phụ huynh đồng tình, cộng đồng ủng hộ

Những năm qua, mô hình bán trú dân nuôi được coi là một biện pháp hữu hiệu để huy động học sinh đến trường. Thông qua mô hình, các trường chú trọng và thực hiện khá tốt "3 tập trung" cho học sinh: ở tập trung, ăn tập trung và quản lý tập trung, giúp phụ huynh và học sinh yên tâm hơn trong quá trình học tập.

Huyện Phú Vang có gần 10/35 trường triển khai mô hình bán trú dân nuôi. Kinh nghiệm là trường nào làm tốt công tác tham mưu, có sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền sẽ dễ tập trung được nguồn từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân và phụ huynh. Từ nguồn tài trợ, các trường hình thành được bếp, nhà ăn, quạt, tivi… dựng nhà bếp, mua sắm vạt giường, chăn chiếu… và nhiều vật dụng phục vụ cho bán trú.

Mô hình bán trú dân nuôi được triển khai tại Trường tiểu học Phú Đa 2 (Phú Vang) là một niềm vui đối với phụ huynh và giáo viên nhà trường. Trường tiểu học Phú Đa 2 tổ chức bán trú cho học sinh dưới hình thức hợp đồng với căng tin của Trung tâm Y tế huyện Phú Vang. Mỗi suất ăn tại trường với mức giá 10.000 - 15.000đ. Đây có thể xem là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết cơ bản về nhu cầu của phụ huynh, học sinh và cả điều kiện về cơ sở vật chất của nhà trường.

Thầy giáo Lê Xuân An, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Đa 2 cho biết: "Đa số các em đều ở thôn Trường Lưu, đi học khoảng 4km nên bán trú ở trường sẽ rất thuận tiện. Các em được ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, nhất là bảo đảm an toàn khi có sự giám sát của giáo viên vào ban trưa".

Ban đầu, nhiều trường gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình này. Điều kiện về cơ sở vật chất chưa đủ nên nhiều trường phải dùng nhà kho sửa lại làm gian bếp. Phòng học của học sinh được làm thành phòng ăn, phòng ngủ sau khi học sinh học xong. Sau giờ học, giáo viên phải sắp xếp bàn ghế làm chỗ ăn trưa cho học sinh. Ăn xong, giáo viên dùng sạp gỗ kê thành giường cho học sinh ngủ. Khó khăn vất vả là thế nhưng đội ngũ giáo viên rất vui và hạnh phúc. Cô Trần Nguyễn Nhật Lê, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thượng (Phú Vang), trải lòng: "Các em không còn phải ăn tạm những gói mì tôm khô trong những bữa trưa ở lại trường hay ăn vội những gô cơm đã nguội lạnh từ lúc nào. Không phải thơ thẩn cả buổi trưa ở trường để đợi đến buổi chiều vào học".

Ông Lê Đình Phong, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Phú Vang cho hay: "Trong lộ trình xây dựng mô hình bán trú, các trường tổ chức bán trú phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng chăm sóc học sinh đến yêu cầu các đơn vị ngay từ đầu phải thực hiện nghiêm túc quy trình tổ chức, bảo đảm tạo thuận lợi cho phụ huynh và hiệu quả cho mô hình. Mục tiêu trong năm học 2017 - 2018 là có thêm ít nhất 10 trường tiểu học tại Phú Vang có bán trú".

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc giải bóng đá nữ huyện Phú Vang năm 2024

Chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), ngày 11/3 Liên đoàn Lao động huyện Phú Vang phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức lễ khai mạc giải bóng đá nữ năm 2024.

Khai mạc giải bóng đá nữ huyện Phú Vang năm 2024
Cậu học trò năm ấy

Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Cậu học trò năm ấy
Return to top