ClockChủ Nhật, 06/11/2016 10:45

Chuyện cái tăm

TTH - Nếu chịu khó để ý, khi ra đường vào mỗi buổi sáng, nhất là vào những ngày cuối tuần, sẽ trông thấy rất nhiều người ngậm tăm khi đang tham gia lưu thông.

Có lẽ là họ vừa xong bữa điểm tâm và đang chuẩn bị đến một nơi khác, dùng cafe, gặp gỡ bạn bè hoặc công ty, công sở... Điều này gần như là một thói quen, đến mức đã trở thành bình thường. Tôi cũng không rõ mình có là người khó tính quá không, nhưng nói thật là cứ thấy ngần ngại khi bất chợt gặp những hình ảnh đó. Cho dù là mỗi người, mỗi kiểu nhưng đều mang đến một hình dung khác nhau từ điều trực quan mình thấy.

Chẳng hạn, có người dùng tay nhúc nhắc cái tăm trong miệng, rồi quay sang bên cạnh để “từ bỏ” chất dư thừa, không cần biết là có làm phiền người khác đang song hành, hoặc đang ở ngay phía đằng sau, bên phải hay bên trái gì đó hay không. Có không ít chị/bà, chéo chân ngồi đằng sau xe máy, váy và túi trông khá điệu đàng nhưng tay và miệng lại nhanh nhách cái tăm. Những người ngồi trên xe ô tô lại có một vẻ trịnh trọng khác dù vẫn tăm trong miệng. Là vì tôi thấy họ khác hẳn trong cách nhìn ra ngoài, thờ ơ hơn, hình như cũng có phần đạo mạo hơn. Chỉ duy nhất cái hành động vứt tăm ra ngoài cửa xe, thậm chí đôi khi là miếng giấy lau miệng. Vật thì bé và nhẹ, mà hành vi thì cứ sỗ sàng làm sao.

Chuyện cái tăm, có khi nó nhỏ, cũng chả sang trọng gì nhưng một lần rồi nhiều lần, một người rồi nhiều người... mang đến một cảm quan là có một điều không mấy hay ho, thậm chí là mất vệ sinh đã bị bình thường hóa trong đời sống hàng ngày. Thói quen tưởng nhỏ, nhưng lại dễ làm cho người ta nghĩ và đánh giá đến phông văn hóa của mỗi người. Rầy rà hơn, có khi sẽ bị “quy chụp” về một sự lệch chuẩn.

Cũng không phải là phép quy nạp, nhưng nếu người lớn làm vậy, chắc cũng khó hy vọng người trẻ và trẻ hơn có sự khác. Thói quen dễ dãi, mặc kệ, sao cũng được, miễn không phải nhà mình và người ta nói ai chứ không phải nói mình… sẽ làm cho điều không hay, thói xấu trở thành phổ biến. Đến khi nó trở thành thói quen của đám đông sẽ khó sửa đổi. Rồi những hệ quả kéo theo sẽ dẫn đến sự bàng quan, thiếu trách nhiệm với môi trường xung quanh. Mà sự thiếu trách nhiệm này cũng là một cách không tôn trọng những người xung quanh, nhưng trước hết là không tôn trọng chính bản thân mình.

Một du học sinh người Việt, chỉ vì không có thói quen đậy nắp WC chưa thể sửa ngay được đã bị bà chủ nhà hét ầm lên vì giận dữ, rằng mẹ mày không dạy mày à? Ở quê hương mày quen như vậy rồi sao…? Tất nhiên mối thiện cảm cũng vì thế mà mất đi giữa hai người và anh chàng này sau đó phải tìm một trọ khác. Tôi nhớ là mình đã đọc ở đâu đó câu chuyện tưởng như nhỏ mà không nhỏ này. Tất nhiên nó không ấn tượng đến nỗi khó quên, nhưng giờ vẫn còn nhớ vì thấy điều này ở ta còn quá phổ biến. Giá như ai cũng biết tự ái, cuộc sống sẽ dễ chịu hơn rất nhiều lần vì sự tự điều chỉnh và thay đổi, từ bản thân đến cộng đồng.

Nhưng chỉ là chuyện nhỏ như cái tăm thôi mà. Có đáng để phải dài dòng vậy không?

MAI HOA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Trang bị kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy cho sinh viên

Sáng 17/3, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp cùng Đoàn Thanh niên, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh tổ chức chương trình trải nghiệm, thực hành kỹ năng phòng chống, cứu hộ, cứu nạn về phòng cháy chữa cháy năm 2024.

Trang bị kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy cho sinh viên
Return to top