ClockThứ Tư, 26/04/2017 14:23

Chuyên cần bám biển

TTH - “Những khi lênh đênh trên biển, nhìn thấy những con tàu treo cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, lòng tôi lại phấn khích lạ thường. Vì mỗi con tàu chính là một cột mốc sống của Tổ quốc trên biển”. Đó là tâm sự của ông Nguyễn Thanh Phát, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá xa bờ xã Vinh Thanh (Phú Vang), một trong những người tiên phong trong việc đánh bắt xa bờ.

Ông Phát ra tàu để chuẩn bị cho một chuyến đi mới

Về Vinh Thanh vào một ngày đầu tháng tư, chúng tôi được ông Nguyễn Trường Chính, Chủ tịch UBND xã dẫn ra bến phà Vinh Thanh tìm gặp ông Phát khi ông đang sửa chữa tàu để chuẩn bị cho một chuyến đi mới. Vui vẻ trò chuyện với chúng tôi, ông Phát cho biết: Gia đình ông có truyền thống đi biển, riêng ông do bố mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ ông vừa đi học vừa theo người thân, láng giềng đi biển kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Ước mơ của của ông Phát lúc đó là tự mình sắm được một chiếc tàu đi biển chứ không dám mơ có tàu to đánh bắt xa khơi. Điều không tưởng đã thành sự thật. Năm 1998, Chính phủ có dự án cho vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ. Ông Phát mạnh dạn đứng ra vay vốn đóng tàu. Tổng giá trị con tàu của ông Phát thời điểm đó là 730 triệu đồng, trong đó Nhà nước cho vay 70%. Con tàu của ông có công suất 165CV  thuộc vào loại lớn nhất, nhì tỉnh lúc đó.

Có tàu lớn, ông Phát tuyển dụng lao động và mạnh dạn vươn khơi xa. Lúc đầu, tàu đi câu cá ngừ đại dương, sau đó kiêm luôn nghề rê cảng. Mỗi chuyến đi biển kéo dài từ 15 đến 20 ngày, tàu thường đánh bắt ở vùng biển thuộc đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Phát nhớ lại: “Hồi đó, cá tôm nhiều lắm, có nhiều chuyến đi tàu tôi gặp phải những mẻ cá khoảng vài chục tấn, nhưng do kỹ thuật đánh bắt chưa cao lại thiếu trang thiết bị máy móc hiện đại nên tàu không thể đánh bắt hết được. Đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy tiếc”.

Khi sự cố môi trường biển xảy ra, ông Phát cũng không lo lắng. Ông không những ra khơi đều đặn mà còn động viên ngư dân Vinh Thanh tích cực bám biển, vươn khơi xa. Ông kêu gọi mọi người không nên nản lòng, cố gắng nâng cấp tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị hiện đại để đánh bắt xa bờ.

Ông Nguyễn Trường Chính, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh nhận xét: “Chú Phát là một ngư dân giỏi, dạn dày kinh nghiệm, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Với cương vị là Chi hội trưởng, chú đã giúp Chi hội nghề cá xa bờ xã Vinh Thanh phát triển. Với những cống hiến của mình, chú đã nhận được nhiều giấy khen của Hội Nông dân tỉnh, của UBND huyện Phú Vang”.

Hiện nay, dù tuổi đã không còn trẻ (ông Phát sinh năm 1960), nhà cửa khang trang, kinh tế khá giả và ba người con đã yên bề gia thất, có công ăn việc làm ổn định… nhưng vươn khơi bám biển vẫn là khát khao của ông. Mỗi tháng ông lênh đênh trên biển khoảng 20 ngày, mùa đông chỉ trừ những lúc có bão, tàu ông mới nghỉ ngơi.

“Xa biển vài ngày là tôi cảm thấy bứt rứt lắm. Tôi cũng nói với những bạn thuyền cùng đi rằng, mình không phụ biển thì biển không bao giờ phụ mình. Giờ đây tôm cá ít đi, nhưng nếu mình chuyên cần bám biển thì vẫn đủ sống. Chẳng hạn như 11 lao động trên tàu tôi mỗi tháng thu nhập từ 6 – 8 triệu đồng/người, đủ lo cho gia đình”, ông Phát khẳng định.

Bài, ảnh: Hào Vũ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Return to top