ClockChủ Nhật, 20/06/2010 07:53

Chuyện cành vàng lá ngọc

TTH - Quan tâm đến một loại hiện vật được gọi là “cành vàng lá ngọc”, trong một cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến (hiện là Phó GĐ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), tôi được anh cho biết hiện ở kho của bảo tàng này còn lưu giữ một số cành vàng lá ngọc với thân và cành cây bằng vàng ròng, trên có khắc chữ Hán ghi tuổi vàng.
Nhiều bài viết cũng như dư luận rất quan tâm đến thực tế của loại hình cổ vật này ở Huế, nhưng đến nay, vẫn chưa tạo được một cách đánh giá và nhận thức thật sự đầy đủ...
 
Cành vàng lá ngọc ở Bảo tàng CVCĐ Huế và các khu lăng vua Nguyễn
 
Cành vàng lá ngọc mô tả hoa lan (trưng bày ở Bảo tàng CVCĐ Huế)
Hiện ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (CVCĐ Huế) chỉ lưu giữ 04 hiện vật cành vàng lá ngọc có thân và cành cây bằng gỗ, thếp vàng, lá ngọc, gắn trong chậu pháp lam. Trong đó có 02 chậu lan, 01 chậu mai trắng, 01 chậu đào lựu.
 
02 chậu hoa lan có hình thức đồng dạng, thân bằng gỗ thếp vàng, hoa bằng đá thạch anh màu tím nhạt, lá bằng đá màu xanh nhạt, có nhụy là các hạt nhỏ màu vàng gắn vào nhau bằng các sợi kim loại. Toàn bộ được đặt trong chậu kim loại màu vàng, hình chữ nhật, vát 4 góc, thành chậu chạm nổi các chi tiết hoa lá, có 4 chân quì. Hiện vật có chiều cao ~ 32cm, rộng ~ 13 cm, dài ~ 20cm.
 
01 chậu đào lựu, thân bằng gỗ thếp vàng, hoa đỏ, lá màu xanh nhạt. Xung quanh “gốc’ đào có các loài lựu, trúc, nấm linh chi và cũng có 2 giả sơn màu xanh phối xung quanh. Toàn bộ được đặt trong chậu bằng pháp lam, hình chữ nhật vát 4 góc, trang trí hoa lá dơi, chữ thọ bằng men ngũ sắc, chậu có 4 chân hình kỷ. Hiện vật có chiều cao ~ 42cm, rộng ~ 22 cm, dài ~ 32,5cm.
 
01 chậu mai, thân bằng gỗ thếp vàng, hoa bằng đá trắng, lá màu xanh nhạt. Xung quanh “gốc’ mai có các loài lan, cúc, trúc bằng đá để làm nên motif về tứ quý mai - lan - cúc - trúc, nhưng chủ thể thẩm mỹ vẫn là cây mai. Mai, lan, trúc, cúc là một biểu tượng quen thuộc của thẩm mỹ phương Đông. Mai (họ mơ, đào) nở vào mùa đông và xuân, chịu đựng lạnh lẽo. Lan kiều diễm mảnh mai, hương thơm thâm trầm. Trúc ngay thẳng, tiết tháo. Cúc trải sương giá mà chẳng héo hon, có ý chí thách đố thiên nhiên. Bởi vậy, người xưa lấy đó làm biểu tượng, đặt tên cho bốn loại này là Tứ quân tử.
 
Ngoài ra, còn có 2 giả sơn nhỏ phối bên cạnh. Toàn bộ được đặt trong chậu bằng pháp lam, hình chữ nhật vát 4 góc, trang trí hoa lá dơi, chữ thọ bằng men ngũ sắc, chậu có 4 chân hình kỷ. Hiện vật có chiều cao ~ 55cm, rộng ~ 21,5 cm, dài ~ 32,5cm. Hiện vật mô tả cây mai trắng này là hoàn chỉnh và đẹp nhất trong hệ thống cành vàng lá ngọc hiện đang lưu giữ ở Huế. 
 
Cành vàng lá ngọc mô tả hoa mai trắng (trưng bày ở Bảo tàng CVCĐ Huế)
Ở lăng Tự Đức, tại nội thất điện Hòa Khiêm từ xưa đến nay có trưng bày 08 chậu cành vàng lá ngọc với nhiều kiểu dáng khác nhau, miêu tả các loài như cúc, đào, mai, lựu...Tuy nhiên, các chậu này đều bị hư hỏng nặng, bị biến dạng nhiều, các phần hoa, lá trên cành vàng đã bị rụng và mất rất nhiều. Các chậu đặt cành vàng đều bằng thủy tinh.
 
Ở lăng Thiệu Trị, hiện còn và chuyển về bảo quản tại Bảo tàng CVCĐ Huế 10 chậu cành vàng lá ngọc. Diễn biến về thực trạng cũng tương tự như các chậu ở lăng Tự Đức, tuy nhiên, tất cả 10 chậu ở lăng Thiệu Trị đều được làm bằng pháp lam, rất tinh xảo. Các chậu cành vàng lá ngọc ở lăng Thiệu Trị có quy thức đồng dạng với 01 chậu cành vàng lá ngọc ở Bảo tàng CVCĐ Huế.
 
Như vậy, đối với loại hình hiện vật này tại Huế dù mức độ nguyên vẹn, tính thẩm mỹ đều rất khác nhau nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại với 21 chậu cành vàng lá ngọc (có thân và cành sơn thếp).
 
2. Tìm được một nguồn tài liệu đáng quan tâm
 
Một thực tế đã từng diễn ra vào nhiều năm trước đây là có dư luận “băn khoăn” về loại cành vàng lá ngọc có thân và cành bằng gỗ, thếp vàng, đã từng có người đã từng đặt câu hỏi với nhà quản lý về tính chân thực của nó. Trong sử sách, tuy không cụ thể, nhưng ít nhiều cũng đã có ghi nhận về sự có mặt của loại hình cành vàng lá ngọc kiểu này.
 
Gần đây nhất, khi tiến hành dịch nghĩa, chú thích cho 191 bài thơ trên điện Thái Hòa để làm luận văn thạc sĩ, tôi có dịp phát hiện thêm một cứ liệu rất đáng tin cậy để bổ sung cho thực tế trên. Đó một bài thơ bằng chữ Hán được viết trên nền pháp lam ngay ở mặt trước, bên dưới một trong hai con rồng của motif lưỡng long triều nhật tại mái trước ngoại thất điện Thái Hòa. Bài thơ được viết theo lối chữ khải, màu vàng trên nền pháp lam xanh đen đã bị phong hóa, Bài thơ như sau:
Lục diệp cửu vô suy,
Bạch hoa xán tứ thì.
Phương tùng huyền thị quả,
Hắc thụ quải kim y.
 
(Nghĩa là: Lá xanh mãi không héo/ Hoa trắng rực bốn mùa/ Khóm cây thơm báo sẽ có quả/ Thân cây đen lại khoác áo vàng).
 
Sở dĩ tôi cho rằng đây là cứ liệu đáng tin cậy vì các lý do sau:
 
Bài thơ vịnh cành vàng lá ngọc trên điện Thái Hòa
Bài thơ vịnh cành vàng lá ngọc trên điện Thái Hòa
 
Thứ nhất, bài thơ được viết trên nền pháp lam, một loại hình chất liệu độc đáo, vốn đã thất truyền chỉ mới được nghiên cứu và phục hồi trong khoảng mươi năm lại đây. Dù từ 1960 - 1992, điện Thái Hòa đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng chắc chắn là không có cơ sở để “trùng tu, phục hồi” các tấm pháp lam trong giai đoạn này. Thơ được viết trên các tấm pháp lam, đã được đánh dấu định vị trong quá trình trùng tu dù cố tình làm sai lệch cũng không thể, vì tính chất bố cục theo mô-tip nhất thi nhất họa và kích thước của các tấm pháp lam đều có những số đo xác định, chỉ có thể phân bố đủ trên một diện tích đã xác định. Do vậy, nó bộc lộ ‘tư cách” của một loại tài liệu gốc.
 
Thứ hai, bài thơ được đặt trong một tổng thể với các bài có tính chất vịnh vật. Bên cạnh cành vàng lá ngọc, có một số bài thơ vịnh hoặc đề cập đến các loại đồ dùng trong cung như bình hoa, cái quạt, cái lồng ấp, tấm rèm, cây bút, mũ miện, cái sênh tiền, lá cờ v.v. Hơn nữa, người xưa thường miêu tả các sự vật, hiện tượng với cái nhìn “trực quan”, thấy và miêu tả sự vật qua đó gửi gắm tình cảm. Do vậy, độ “chính xác” của vật được miêu tả được xem như là một yêu cầu.
 
Thứ ba, câu cuối đã phản ánh một độ “chính xác” có tính định danh sự vật rất cao: Hắc thụ quải kim y (Thân cây đen lại khoác áo vàng). Câu thơ lột tả được “bản chất kỹ thuật” của quá trình sơn thếp cành vàng.
 
Theo công nghệ sơn thếp truyền thống, sau khi cốt của vật (ở đây là thân và cành) đã hoàn tất, người ta dùng tạp chất gồm sơn ta trộn với đất phù sa để “hom” và “bó” lên, rồi mài đi, tùy theo yêu cầu mà dao động từ 5 đến 7 lớp “hom bó” và mài đi như thế. Sau lớp mài cuối cùng, lại dùng sơn ta phết lên, đợi ráo thì thếp vàng quỳ. Đất phù sa trộn với sơn ta sẽ cho một tạp chất có màu đen, càng để lâu càng đen, và “thân cây đen lại khoác áo vàng” cũng là hệ quả của quy trình kỹ thuật này.
 
Việc có thêm một loại tài liệu đáng quan tâm như thế đã góp phần làm rõ thêm về thực tế của các loại cành vàng lá ngọc đang được bảo quản, trưng bày ở các di tích Huế và Bảo tàng CVCĐ Huế.
 
3. Vài điều nói rõ thêm
 
Cành vàng lá ngọc của ông Lê Văn Kinh
Từ tháng 6 đến tháng 7.2004, và các dịp sau này, các phương tiện thông tin đại chúng có thông tin, giới thiệu nghệ nhân Lê Văn Kinh (chủ hiệu thêu Đức Thành, ở 82 Phan Đăng Lưu, Huế) có giữ một cành vàng lá ngọc thân cây bằng gỗ, thếp vàng, dáng mô phỏng cây mai với chiều cao hơn 40cm gồm hơn 20 cành vàng, hơn 10 lá ngọc được kết nối xuyên qua thân hoặc treo lên cành bằng những sợi chỉ vàng...Tất cả đặt trong chiếc chậu cao hơn 50cm.
 
Cứ như thông tin thì đây là một bảo vật “của Tram tri bộ lễ Nguyễn Văn Giáo - ông ngoại của ông Lê Văn Kinh, hiệu Chí Thành, một vị quan triều Nguyễn - được vua Khải Định ban tặng”. Đối chiếu với tất cả các loại cành vàng lá ngọc đồng dạng (thân gỗ, sơn thếp; lá và hoa bằng ngọc, có đặt trong chậu) hiện lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng CVCĐ Huế và một số lăng tẩm của các vua Nguyễn thì hoàn toàn không có loại cành vàng lá ngọc như “phong cách” món đồ mà công Lê Văn Kinh đã công bố.
 
Xem xét về mô-tip, đặc điểm tạo hình, màu sơn, món cành vàng lá ngọc của ông Lê Văn Kinh hoàn toàn không phù hợp với nhóm cành vàng lá ngọc có xuất xứ từ cung đình. Hơn nữa, các loại cành vàng lá ngọc có xuất xứ từ cung đình luôn được mô tả gắn với một loài cây nhất định, nghĩa là nhìn vào, người xem có thể hình dung để nhận thức đó là cây gì (mai, lan, cúc, trúc v.v.). Đối với hiện vật cành vàng lá ngọc của ông Kinh thì rất khó để hình dung. Và do vậy, người viết bài này hết sức băn khoăn với thực tế cho rằng đó là món quà của vua Khải Định ban tặng.
 
Các thông tin đề cập trong việc giới thiệu về cổ vật của ông Lê Văn Kinh đều nhất trí cho rằng đây là một cổ vật quý hiếm, vì “theo các nhà chuyên môn, tác phẩm Cành vàng lá ngọc tại nhà nghệ nhân Kinh là tác phẩm thứ ba đang có mặt ở Huế”. Thiết tưởng, với những điều mà chúng tôi vừa trình bày về 21 chậu cành vàng lá ngọc ở Bảo tàng và các lăng tại Huế đã nói lên đầy đủ mà không cần phân tích gì thêm.
 
Thực tế được trình bày cũng đã cho thấy tất cả những “câu chuyện” liên quan đến một loại hình cổ vật có ý nghĩa.
 
Và tiếc thay, các hiện vật “kim chi ngọc diệp” vào giai đoạn hoàng kim của thời Nguyễn nay đã không còn ở Huế, và nhiều người chưa có cơ hội để “mục sở thị”. Do vậy, mà ngày nay ở cố đô, chúng ta chỉ có cơ hội để biết và cùng nhận thức về một loại cành vàng lá ngọc có niên đại muộn của hệ thống các cổ vật “kim chi ngọc diệp” vốn tồn tại với đời sống thẩm mỹ của Hoàng cung Huế xưa.
 Hải Trung
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top