ClockThứ Sáu, 24/03/2017 06:01

Chuyến công tác trong thời khắc đặc biệt

TTH - Trong những năm 1973-1974, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta đang ở giai đoạn hết sức quyết liệt.

Tình hình miền Nam có nhiều chuyển biến tích cực, có lợi cho cách mạng. Tỉnh Quảng Trị, một số huyện ở Khu 5, Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ được giải phóng; đường vận tải chiến lược (đường mòn Hồ Chí Minh) cũng được khai thông. Quân Mỹ buộc phải rút về nước, ngụy quân, ngụy quyền hoang mang tột độ.Trước tình hình đó, Khu ủy Trị Thiên, Tỉnh ủy Thừa Thiên chủ trương lợi dụng tinh thần địch đang xuống dốc, quyết tâm giải phóng bằng được đồng bằng Thừa Thiên. Quán triệt tinh thần đó, Huyện ủy Hương Thủy đã triển khai lực lượng gồm cán bộ chính trị, quân sự, an ninh tăng cường cho các xã vùng sâu, vùng địch tạm chiếm để củng cố phong trào, xây dựng cơ sở, đặc biệt là các địa bàn lõm trong vùng địch làm cơ sở cho lực lượng của ta đứng chân để đánh địch, đồng thời phát động quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ.

Bộ đội ta trên cầu Trường Tiền tiến vào giải phóng Huế  1975 (Ảnh: tư liệu)

Lúc bấy giờ, tôi đang công tác ở Ban An ninh huyện Hương Thủy với nhiệm vụ chính là bám trụ tại xã Mỹ Thủy (nay là phường Thủy Phương). Ngoài công tác an ninh, tôi còn nhiệm vụ phối hợp với các cán bộ nằm vùng của huyện, xã phát động quần chúng xây dựng vùng lõm. Chính vào thời gian này, tôi được Huyện ủy giao nhiệm vụ bảo vệ chị Dương Thị Gái - Huyện ủy viên, Chủ tịch Phụ nữ huyện về xã Minh Thủy (nay là phường Thủy Châu) bám trụ và chỉ đạo phong trào. Thời gian đầu, chị Gái chưa bắt được liên lạc với cơ sở nên tôi đưa chị về tạm trú ở hầm bí mật nhà ông Lê Văn Toàn ở ấp 3, xã Mỹ Thủy vốn là cơ sở bí mật của an ninh. Một thời gian ngắn sau đó, chị Gái bắt được liên lạc với cơ sở ở Minh Thủy và quyết định quay về đó để chỉ đạo phong trào.

Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in, đêm đó đúng 30 tết (nhằm ngày 27/1/1974), vào khoảng 9 giờ đêm, tôi và chị Gái ăn vội nắm cơm nguội cơ sở bới cho, dắt súng vào người, chuẩn bị về Lợi Nông bắt liên lạc. Chị Gái dắt khẩu súng ngắn K59, tôi thì ngoài khẩu K59 do an ninh phát còn khoác thêm một khẩu AK báng gấp. Hai chị em mượn được chiếc ghe của cơ sở lặng lẽ chống đi. Trời tối đen như mực, gió rét căm căm, đồng ruộng mênh mông những nước là nước. Đâu đó chỉ có tiếng ếch nhái kêu não nùng. Trên người chúng tôi lúc ấy chỉ vỏn vẹn hai bộ quần áo, thêm cái áo len mỏng đã sờn gần hết. Vậy mà, cả hai chẳng hề biết rét, cũng chẳng biết giao thừa là gì. Trong lòng bấy giờ chỉ mong sao mau chóng an toàn tới được Lợi Nông, bắt được liên lạc với cơ sở, hoàn thành nhiệm vụ là sướng rồi.

Về gần đến nhà ông Dương Văn Mộng- bố đẻ chị Gái, khi dừng lại ngoài bờ ruộng quan sát động tĩnh, chúng tôi phát hiện ám hiệu có địch (ám hiệu là một chiếc lờ để trên đầu mũi ghe và được đẩy sang phía bên kia bờ ruộng). Chị Gái nghĩ chắc bố mình sợ địch khủng bố mới ra ám hiệu vậy thôi nên quyết định cứ bò vào bắt liên lạc. Vào đến vườn nhà ông Mộng, chị Gái bảo tôi cảnh giới ở ngoài để chị vòng sau nhà vào gặp bố. Chị Gái vừa đi khỏi, tôi bỗng nghe có tiếng động trong nhà, rồi có tiếng ho và tiếng chân người bước. Một tên lính ngụy lù lù từ trong nhà đi ra, khẩu súng AR15 đeo lệch bên vai. Hắn vừa đi vừa làu bàu vừa xuýt xoa vì rét quá. Từ sau bụi chuối, tôi khẽ rê mũi súng theo hắn, sẵn sàng nhả đạn nhưng lòng lại thấy lo lắng liệu chị Gái đã biết địch đang phục kích hay chưa? Đang băn khoăn lo nghĩ cho chị Gái thì tên lính đến và dừng lại ngay trước bụi chuối nơi tôi đang ẩn núp. Tôi nín thở, ép sát sau mấy tàu lá chuối, súng lăm lăm chĩa thẳng vào người hắn, chỉ cần hắn hô lên một tiếng là bắn ngay. Ai dè, hắn mắc tiểu. Có lẽ tại đêm 30 tết trời tối quá, lại do hắn đang ngái ngủ nên không nhìn thấy tôi. Đi tiểu xong, hắn làu bàu quay lại nhà. Tôi cũng khe khẽ thở phào. Nguy hiểm quá. Đúng lúc ấy, chị Gái bò ra, ghé tai tôi bảo nhỏ: "Trong nhà có địch, rút thôi". Hai chị em nhẹ nhàng bò lui về chỗ giấu ghe. Tôi lại chống ghe đưa chị Gái đi tiếp về thôn Phù Tây, xã Minh Thủy. Thôn này nằm sát ngay hàng rào quận lỵ Hương Thủy. Đến Cồn Đá, chị bảo tôi ở lại để mình chị vào bắt liên lạc với cơ sở. Trước khi đi chị dặn, nếu sau một tiếng nữa không thấy chị ra tức là chị đã bám được cơ sở, tôi phải lập tức quay về Mỹ Thủy ngay kẻo trời sáng.

Bấy giờ đã 11 giờ khuya. Sắp đến giờ giao thừa. Một mình ngồi đợi chị Gái giữa đồng không mông quạnh, gió buốt thấu xương. Lòng tôi chợt chùng lại. Không hiểu giờ này bố mẹ, các em đang làm gì, có ai còn thức không? Đã lâu lắm rồi, từ ngày Mỹ, ngụy chiếm đóng, đàn áp, gia đình tôi cũng như bao gia đình khác ở Miền Nam không còn biết đến giao thừa, đến tết là gì nữa. Đêm đêm, nhà nào nhà nấy im lìm như có đám. Bầu không khí ảm đạm, chết chóc bao phủ khắp nơi.

12 giờ đêm. Chị Gái vẫn chưa quay lại. Tôi chắc chị đã bắt được liên lạc với cơ sở. Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn nán lại đợi chị thêm lúc nữa đề phòng có gì bất trắc. Trời càng về khuya sương lạnh xuống càng nhiều. Bộ quần áo tôi đang mặc đã thấm đẫm sương đêm. Hồi ấy lạ lắm, những chiến sĩ an ninh như tôi tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người còn chưa biết yêu là gì. Đi làm cách mạng vất vả, gian nan là thế mà chẳng hề nao núng, một mình đi công tác giữa đêm khuya trong lòng địch như thế là thường. Một lúc lâu sau, nghe có tiếng gà gáy sang canh, nhìn đồng hồ đã 1 giờ sáng, tôi đoán chị Gái đã bám được cơ sở. Sau này tôi mới biết cơ sở của chị Gái ở thôn Phù Tây, xã Minh Thủy là ông Lê Súy - đảng viên bí mật hoạt động trong vùng địch tạm chiếm. Từ đêm đó, chị Gái bám địa bàn, chỉ đạo phong trào ở Minh Thủy cho đến ngày giải phóng.

Tôi quay lại Mỹ Thủy. Trời vẫn tối đen như mực. Giao thừa đã qua đi lúc nào không hay. Lòng tôi thấy vui vui vì chuyến công tác đã hoàn thành. Trong lúc một mình băng qua cánh đồng lạnh giá, đột nhiên tôi nhớ đến mấy câu thơ trong bài thơ "Đêm giao thừa" của nhà thơ Tố Hữu, thấy sao mà giống mình đến thế, cứ như là bác viết riêng cho tôi vậy .

"Đêm nay pháo nổ giao thừa

Mà người chiến sĩ không nhà còn đi

Truông dài, bãi rộng, đồng khuya

Người đi như chẳng nhớ gì tết xuân"

Nguyễn Phương Toàn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm sáng trong công tác tuyên truyền

Thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, hết lòng hỗ trợ ngư dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An là điểm sáng, đạt hiệu quả cao trong tuyên truyền về không khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); tuyên truyền ngư dân đồng lòng trong phòng, chống hoạt động giã cào trái phép.

Điểm sáng trong công tác tuyên truyền
Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên

Chiều 8/4, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG) tổ chức họp báo thông tin “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”. Đây là trường hợp mà 3 tạng hiến (tim, gan, thận) được ghép cho 3 bệnh nhân tại Huế ngày 2/4.

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên
Đẩy mạnh công tác hỗ trợ sinh kế cho người yếu thế

Với các chương trình trợ giúp sinh kế được đẩy mạnh, thực hiện một cách có hiệu quả, Hội Người Khuyết tật – Bảo trợ Người Khuyết tật & Trẻ Mồ côi (NKT – Bảo trợ NKT&TMC) tỉnh đã góp phần giúp nhiều người yếu thế có thêm động lực để vươn lên, ổn định đời sống.

Đẩy mạnh công tác hỗ trợ sinh kế cho người yếu thế
Kết nối đồng hương Quảng Điền hướng về quê hương

Sáng 31/3, Hội Khuyến học đồng hương Quảng Điền tại Huế tổ chức tổng kết 30 năm hoạt động để đánh giá công tác khuyến học trong thời gian qua và xây dựng phương hướng hoạt động cho những năm tiếp theo.

Kết nối đồng hương Quảng Điền hướng về quê hương
Return to top