ClockThứ Hai, 27/02/2017 18:57

Chuyện "cứu người" trên Đảo Cồn Cỏ

TTH.VN - Từ cảng Đà Nẵng, vượt gần 300 hải lý, chúng tôi đặt chân đến huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), nơi chứa nhiều câu chuyện cảm động về tình quân dân thắm thiết.

Tàu KN 363 vừa cập bến, chúng tôi được một tàu cá công suất lớn đưa lên đảo. Sau những cái bắt tay thật chặt, những lời hỏi han, động viên lẫn nhau giữa cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên đảo, đoàn được dẫn tới Trung tâm Y tế Quân – Dân y huyện đảo Cồn Cỏ - nơi mà trước đây chỉ là một trạm xá nhỏ của Ban CHQS huyện đảo.

Đón chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Xuân Hòa, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Quân – Dân y huyện đảo Cồn Cỏ phấn khởi: “Có được cơ ngơi rộng lớn và khang trang như thế này, chúng tôi nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ CHQS tỉnh và chính quyền huyện đảo Cồn Cỏ. Tuy còn những khó khăn nhất định, nhưng với quyết tâm cao, giờ trung tâm đã có thêm nhiều trang thiết bị, kỹ thuật mới phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên đảo”.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Hoạt (giữa) nhớ lại những kỷ niệm đậm tình quân dân trên đảo Cồn Cỏ

Tháng 7/2016, Trạm y tế Cồn Cỏ chính thức được đổi tên thành Trung tâm Y tế Dân – Quân y huyện đảo Cồn Cỏ, với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Hiện nay, trung tâm có 3 bác sĩ, 3 y sĩ, 1 y tá quân sự; 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 KTV xét nghiệm,1 trung cấp dược dân sự có nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho lực lượng quân dân trên huyện đảo. Năm 2016, trung tâm đã khám, chữa bệnh cho 120 bệnh nhân; chuyển tuyến 8 bệnh nhân về đất liền chữa trị; xử lý cấp cứu 2 trường hợp tại chỗ.

Trong từng câu chuyện với đội ngũ y, bác sĩ nơi đây, chúng tôi phần nào hiểu thêm công việc của những người lính quân y. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của đội ngũ y, bác sĩ trung tâm, đó là, có một công nhân quê ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) trong quá trình tham gia thi công công trình kè cảng Cồn Cỏ do bất cẩn bị sóng đánh, khối bê tông đè nát cánh tay. Vào thời điểm đó, đảo Cồn Cỏ bị cô lập bởi sóng lớn. Không có tàu vào bờ, đội ngũ y, bác sĩ trung tâm phải cùng nhau tự xoay xở để cứu lấy người bị nạn.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hòa nhớ lại: "Vì tay bệnh nhân gãy xương mũi ngón số 2 và 3, nên cần phải tiến hành gây tê thần kinh, cắt lọc, cố định tay. Chờ mãi, biển vẫn động, không có tàu vào, vậy là, anh em vừa nhỏ nước muối sinh lý để kích thích, vừa chuyền nước. Rồi quyết định mổ, khâu ngón tay cho bệnh nhân. Cuối cùng bệnh nhân cũng qua khỏi cơn nguy hiểm. Anh em ai cũng thở phào nhẹ nhỏm".

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoà bên những trang thiết bị y tế vừa được trang cấp.

Những năm trước, anh em chiến sĩ trên đảo thường xuyên bị rắn cắn. Lúc đó trung tâm chỉ là một trạm xá nhỏ, thiếu thốn, khó khăn đủ điều. Ở đảo không có tủ đông lạnh để lưu trữ huyết thanh, khi gặp những ca nặng như vậy, đội ngũ y, bác sĩ nơi đây buộc phải sử dụng phác đồ điều trị theo hướng chống tan máu, chống suy thận, tăng cường truyền dịch giải độc.

 Đại úy Nguyễn Ngọc Thái, Trạm trưởng Trạm ra đa 540 - huyện đảo Cồn Cỏ cười vui: “Nếu không có đội ngũ y, bác sĩ của trung tâm, thì anh em chúng tôi không biết xoay xở thế nào những lúc đau ốm, rắn cắn, nhất là trong những lúc biển động, sóng to, gió lớn tàu từ đất liền không thể cập cảng được”. 

Quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ và cả nước biết đến bác sĩ Nguyễn Quốc Hoạt khi anh là bác sĩ chính trong ê kíp mổ ruột thừa cho Trung sĩ Lê Công Thủ (21 tuổi), Khẩu đội trưởng, Đại đội pháo hỗn hợp, thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo Cồn Cỏ cách đây hai năm. 

Trung tâm Y tế Dân - Quân y huyện đảo Cồn Cỏ được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho quân và dân trên đảo.

“Vào một buổi chiều thời tiết không mấy thuận lợi, không có tàu nào cập được cảng vì sóng to, gió lớn. Bệnh nhân thì đau, không thể chịu đựng nổi. Hôm ấy, sau khi chuẩn bị cả buổi chiều, 16 giờ 45 phút, bệnh nhân lên bàn mổ; 18 giờ 45 phút mới hoàn thành ê kíp mổ. Điều đáng nói, ca mổ thực hiện trong môi trường không được vô trùng, dụng cụ y tế thiếu thốn. Khi sự sống trong gang tấc mong manh, chỉ còn cách là phải bình tĩnh, tự tinh, căng mình để cứu lấy đồng đội thôi. Nghĩ thế, nên anh em bình tĩnh và tiếp tục hỗ trợ, ngay cả chính tôi nghĩ lại vẫn không tin đó là sự thật khi ca mổ thành công ngoài sự mong đợi. Hai ngày sau, Bộ Quốc phòng cho trực thăng ra đảo để đưa bệnh nhân về đất liền, tiếp tục chữa trị”, bác sĩ Nguyễn Quốc Hoạt nhớ lại.

“Đã từng có ca cấp cứu viêm ruột thừa, nhưng được các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 268 (Thừa Thiên Huế) ra tăng cường cho đảo. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi tự phẫu thuật lớn và trong điều kiện gây mê hồi sức không có, trước đây cơ bản là tiểu phẫu. Vì vậy áp lực tâm lý rất lớn. Nhưng cuối cùng cũng hoàn thành nhiệm vụ. Đó như là động lực cho y, bác sĩ nơi đây tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, bác sĩ Nguyễn Xuân Hòa chia sẻ.

Bài, ảnh: Anh Phong

 

 

 

 

 

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top