ClockThứ Sáu, 10/06/2016 14:14

Chuyển đổi mô hình quản lý chợ: Cấp bách!

TTH - Trong vòng hơn 1 năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy chợ, thiêu rụi khối tài sản khổng lồ trị giá hàng chục tỷ đồng và để lại hậu quả nặng nề. Nguyên nhân chủ yếu là do chợ xây dựng quá lâu, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) lạc hậu, trong khi các địa phương thiếu vốn đầu tư. Chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ UBND phường, xã, thị trấn sang các doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX) đang là giải pháp cấp bách và không thể chậm trễ.

Dây điện chằng chịt, hàng mã treo ngổn ngang trên hệ thống dây điện ở chợ trung tâm phường Phú Bài dễ gây ra tình trạng cháy nổ

Nhiều chợ không đảm bảo tiêu chí an toàn

Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 158 chợ đóng tại các huyện, thị xã và TP Huế, trong đó có 1 chợ bán buôn, 23 chợ vừa bán buôn và bán lẻ, còn lại 134 chợ bán lẻ. Trong đó, nhiều ngôi chợ được xây dựng trước và những năm sau 1975 nên kiến trúc thô sơ, trang thiết bị PCCC lạc hậu và hệ thống bọng nước phục vụ chữa cháy không đảm bảo. Trong khi đó, do đa số chợ trên địa bàn tỉnh đều do UBND các phường, xã, thị trấn quản lý và khai thác nên nguồn lực từ ngân sách nhà nước hạn chế, chưa thu hút được nguồn vốn xã hội nên công tác đầu tư phát triển chợ chưa được quan tâm, nhất là ở địa bàn nông thôn và các vùng sâu vùng xa.

Chợ trung tâm Phú Bài, phường Phú Bài (thị xã Hương Thủy) được xây dựng từ năm 1990 với quy mô 250 lô. Hơn 25 năm qua, do nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chợ không nhiều nên công tác đầu tư, trang cấp thiết bị PCCC, thay thế đường dây điện chưa được chú trọng. Ý thức của các hộ kinh doanh chưa cao, nhiều tiểu thương tận dụng dây điện làm giá treo vàng mã và những mặt hàng dễ cháy nên chỉ cần sơ suất, hàng hóa sẽ bén lửa và trở thành tai họa.

“Nếu căn cứ theo Luật PCCC thì khá nhiều ngôi chợ hiện có trên địa bàn đều không đảm bảo các tiêu chí về an toàn PCCC. Do quy trình ngược là chợ xây trước, thiết bị PCCC trang cấp sau nên không đồng bộ và đạt chuẩn. Hiện các trang thiết bị PCCC tại các chợ chỉ đáp ứng một phần, khi xảy ra sự cố cháy nổ không đáp ứng nhu cầu chữa cháy tại chỗ, trong khi lực lượng PCCC chuyên ngành đến hiện trường vụ cháy phải mất khá nhiều thời gian”, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC tỉnh, ông Nguyễn Đình Thừa cho biết.

Phấn đấu chuyển đổi 37 chợ

Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ (CĐMHQL, KDKTC) giai đoạn 2016- 2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các địa phương, DN và HTX cần phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh tiến độ CĐMHQL, KDKTC, đẩy mạnh công tác đầu tư trang thiết bị PCCC, vệ sinh môi trường nhằm ngăn chặn tình trạng cháy nổ, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường và an toàn trật tự hướng đến xây dựng chợ truyền thống đảm bảo tính văn minh thương mại phục vụ nhu cầu giao thương mua bán của người dân và khách du lịch.

“Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 13 chợ, trong đó thị xã Hương Thủy 9, Nam Đông 1, Phú Lộc 2 và TP Huế 1”.

Là một trong những địa phương thực hiện tốt việc CĐMHQL, KDKTC, ông Phùng Độ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thủy Dương (Hương Thủy) chia sẻ, tham gia quản lý chợ giúp HTX thực hiện mục tiêu phát triển theo hướng kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực nhằm tạo thêm doanh thu cho bà con xã viên. Khi chợ thuộc quyền quản lý của HTX, công tác đầu tư, cải tạo hệ thống PCCC được tăng cường, đảm bảo ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra. Hiện, HTX đã vận động tiểu thương đóng góp hàng trăm triệu đồng để trang cấp các thiết bị PCCC đảm bảo đưa chợ Tổ 1 và chợ Mai đi vào hoạt động nề nếp, an toàn. 

Ông Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết thêm: “Hiện, sở đang phối hợp với Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế khẩn trương đầu tư nâng cấp hệ thống PCCC tại các chợ trên địa bàn tỉnh, đồng thời tăng cường công tác tham mưu đối với ban quản lý các chợ về vấn đề tập huấn nghiệp vụ, phân công lực lượng trực đêm tại các chợ nhằm đề phòng sự cố cháy nổ xảy ra”.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, các chợ sau khi chuyển đổi mô hình quản lý từng bước đưa hoạt động chợ đi vào nề nếp, thu hút thêm nhiều lao động vào kinh doanh và làm dịch vụ, đồng thời đảm bảo công tác PCCC và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, con số chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý còn quá ít so với kế hoạch đề ra. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh phấn đấu chuyển đổi 37 chợ, đồng thời 50% số chợ có điều kiện được tổ chức quản lý, kinh doanh theo mô hình DN, HTX”.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khống chế thành công cháy rừng trong đêm

Ngày 6/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Lúc 20h40 đêm 5/4, Đồn Biên phòng Lăng Cô (Phú Lộc) nhận tin báo của chính quyền địa phương về việc xảy ra đám cháy lớn tại khu vực rừng thuộc tổ dân phố An Cư Tây, thị trấn Lăng Cô.

Khống chế thành công cháy rừng trong đêm
Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy chợ dịp giáp tết

Xác định phòng cháy, chữa cháy là hết sức quan trọng, đặc biệt là dịp giáp Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024 nên UBND TP. Huế đã ban hành công văn triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đối với các chợ trên địa bàn thành phố.

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy chợ dịp giáp tết
Return to top