ClockThứ Sáu, 16/11/2018 16:44

Chuyện gỗ...

TTH - Có thể chưa (hoặc không) suy nghĩ thôi. Suy nghĩ thì có thể sẽ có giải pháp...

Việt - Nhật tiếp tục hợp tác chia sẻ kỹ thuật bảo tồn kiến trúc gỗ

Nhà rường đẹp khó cưỡng, nhưng kiểu kiến trúc này đòi hỏi sử dụng rất nhiều gỗ (ảnh minh họa)

Cuối tuần nghỉ ngơi, tôi lang thang lên miệt phía tây thành phố, tìm thăm người bạn học là sư trụ trì một ngôi chùa nhỏ. Chùa nhỏ, nhưng sư trụ trì lại là người có vai vế trong hàng giáo phẩm, học rộng, biết nhiều.

Thấy tôi lên thăm, ông vui ra mặt. Thủng thẳng súc ấm pha trà mời khách, và câu chuyện giữa hai chúng tôi cứ thế mà ấm dần. Ông báo cho tôi thông tin về một cơ sở Phật giáo vừa được triệt giải để làm mới. Với ông, đó là tin vui, nhưng ông cũng cảm thấy bần thần, lấn bấn trong lòng không ít. "Nghe nói cho đến lúc hoàn thiện phải tốn đến cả ngàn khối gỗ quý đó bác"- Ông chậm rãi chiêu ngụm trà rồi giọng tần ngần: "Một cơ sở mà đã vậy, rừng mô mà chịu cho thấu? Đôi lúc tôi nghĩ, có lẽ Phật giáo phải làm gương thôi. Tiết giảm cấu kiện gỗ được chừng nào tốt chừng ấy, chứ cứ cái đà này, thấy nó cứ bất nhã thế nào, Phật giáo mình cũng không chừng mà mang tiếng...". Tôi nhìn ông, một thoáng ấm áp, nhưng cũng một thoáng chông chênh trong lòng. Giữa cái "trào lưu" chùa to phật lớn, và giữa cơn khao khát mê say những loài danh mộc ở hầu hết bất kỳ ai có chút điều kiện về tiền của, cái cơ hội cho rừng quả thật là quá mong manh. Hết cánh rừng này đến cánh rừng khác bị xâm hại một cách tàn tệ, bất chấp pháp luật, bất chấp dư luận có lẽ cũng vì thế. Chợt ước ao, tâm sự của ông không chỉ chia sẻ cho mình tôi, mà sẽ tỏa lan trong giới đồng đạo và bà con phật tử. Biết đâu đến một lúc nào đó, tâm sự ấy sẽ nhận được sự đồng cảm, sự cộng hưởng thì thật là...

Cũng xung quanh chuyện gỗ. Nhớ có lần ngồi chơi với ông Dương Đình Vinh, một nghệ nhân nổi tiếng trong lĩnh vực chế tác nhà rường không chỉ của Huế. Ai cũng biết, đã nhà rường thì phải gỗ, và không phải là gỗ thường. Rui mè, đòn tay, vì kèo... toàn là gỗ kiền. Cột thì mít, lim. Kiền, lim thì phải vào rừng. Mít thì không phải dễ lên, kiếm một lúc vài chục cái cột cũng xót vô kể cho đời cây. "Nhà rường thì quá đẹp, quá quý, không thể không làm, không thể không giữ. Nhưng gỗ thì rất khó và cũng rất tiếc cho rừng. Mình nhiều thầy lắm, nhiều nhà khoa học lắm, nhưng tui không thấy ai nghiên cứu để có thể có cây chi dễ trồng, dễ lên mà gỗ có thể thay cho mấy loại gỗ truyền thống đang ngày càng hiếm hoi..."- Nghệ nhân nhà rường nói như trải lòng. Cây lên nhanh thì dễ, nhưng cây cho gỗ tốt thì thường lại rất khó lên nhanh. Cho nên cái đầu đề nghệ nhân ra quả thật rất khó.

Chiều nay đọc báo, bất chợt bắt gặp câu chuyện mở đường và hàng cây. Muốn mở đường bắt buộc phải đốn hạ cây. Người dân quá tiếc, nhưng giao thông cho rằng không có giải pháp nào khác. Một ông cụ thủ thỉ: Các anh thử suy nghĩ thêm... Và cuối cùng đã có giải pháp, cây vẫn giữ được mà vẫn có đường mới. Lại nghĩ về cái đầu đề gỗ tốt của nghệ nhân nhà rường. Hãy "thử suy nghĩ", có thể chưa (hoặc không) suy nghĩ thôi. Suy nghĩ thì có thể sẽ có giải pháp. Gỗ chưa tốt, nhưng áp dụng công nghệ hấp sấy, ngâm tẩm nào đó chẳng hạn. Biết đâu...

Hãy "tiết giảm" như mong muốn của sư trụ trì nọ và tìm ra giải pháp cho gỗ như ước mong của nghệ nhân nhà rường. Được 2 điều ấy, lá phổi xanh của quốc gia và rộng ra là của hành tinh này sẽ đỡ tổn thương đáng kể.

Bài, ảnh: Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top