ClockThứ Sáu, 24/02/2017 08:36

Chuyện không lửng

TTH - Chuyện quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) đang ráo riết lập lại trật tự đô thị, trả lại vỉa hè cho người đi bộ được người dân quan tâm, bàn tán khá nhiều trong mấy ngày qua.

Người ta cũng bàn nhiều đến tinh thần quyết liệt của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 – người được giao trọng trách xử lý tình trạng này khẳng định “sẽ dẹp được tình trạng lấn chiếm vỉa hè, không làm kiểu "bắt cóc bỏ dĩa" và khẳng định nếu không hiệu quả sẽ "về vườn" ...

Chưa biết cuối cùng việc xử lý này sẽ hiệu quả đến đâu, song theo dõi thông tin từ các trang báo mạng, thấy có vẻ như đã không có việc nương nhẹ mà mọi việc đang được tiến hành một cách rốt ráo. Đối tượng đầu tiên mà đoàn công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị ở quận 1 thực hiện là các ngân hàng, cơ quan Nhà nước; tiếp tục sau đó là mọi đối tượng vi phạm khác... Diễn tiến của vụ việc vẫn tiếp tục được cập nhật trong sự theo dõi của cộng đồng.

Sự việc này cũng được đặt ra bên bàn trà sáng nay. Đa phần là tán đồng cách làm của quận 1, dù cũng có ý kiến xung quanh việc có nhất thiết phải nhổ hết cây xanh bên hàng rào của một công sở nào đó không? Có nên phạt ngay người để xe máy, xe ô tô hay người bán rong không mà cần thông tin, hướng dẫn cho người dân trong những ngày đầu, hoặc có thể người ta đã thực hiện điều ấy trong lộ trình rồi...?

Có ý kiến chia sẻ, trong quản lý đô thị, phải coi đây là nguyên tắc. Điều đó không chỉ giảm tai nạn giao thông, tạo hành lang an toàn cho người dân khi tham gia giao thông mà còn tạo nên một cảm quan tốt về quản lý đô thị. Ý kiến khác thì cho rằng, ở ta còn "đánh trống bỏ dùi", trước sau bất nhất. Khi những người có trách nhiệm rời đi thì lề đường, vỉa hè lại trở lại như cũ. Chuyện như vầy cứ tái diễn đến nỗi người mua, người bán coi đó là chuyện thường tình. Người khác nữa lại cho rằng, mấu chốt của vấn đề là phải tổ chức được chỗ cho người bán rong, bán bạ; phải có các điểm đỗ xe hoặc những quy định cụ thể về nơi được phép đỗ, chứ nếu chỉ phạt thôi thì cũng khó cho người có phương tiện khi có nhu cầu. Ngay chuyện WC cho khách vãng lai, người đi đường cũng phải được tổ chức tốt trước khi đưa vào diện chế tài xử phạt...

Tôi thì lại nhớ tiếng thở nhẹ của chị bạn, khi bảo rằng, cũng phải soát xét lại đội ngũ làm việc ở cơ sở nữa. Nhiều khi anh chị em làm nhiệm vụ ở đó đã thành quen thuộc với người dân, nên dễ bỏ qua. Cũng có khi vì nể nang đồng quà tấm bánh mà không nỡ nhắc nhở. Chẳng hạn như vô tư nói ghé mua ít món hàng, rồi vô tư cảm ơn khi được chủ tiệm miễn phí. Nhỏ nhỏ rứa thôi mà khó nhắc nhở, nói chi đến xử phạt khi có chuyện này chuyện kia. Mà cái nhỏ nhỏ vậy được lặp đi lặp lại thì thành món không nhỏ, đâm khó ăn khó nói mà người ta cũng coi thường...

Chuyện lửng ngang đó thôi, nhưng thấy ra thì nó không hề lửng.

Nguyễn An Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng chất cho tài nguyên lao động

Đó là cách mà ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh về lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề.

Nâng chất cho tài nguyên lao động
“Dẫn đường” cho nông dân

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, ngay cả khi chưa bị tác động vì đại dịch, sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn thường rơi vào việc phải giải cứu.

“Dẫn đường” cho nông dân
Lại hy vọng

Tại nhiều diễn đàn kinh tế, tiềm năng và lợi thế của vùng duyên hải miền Trung đã được các chuyên gia hàng đầu khẳng định.

Lại hy vọng
Còn hơn một dãy số...

Một lúc rồi mọi người cũng đến đông. Nói thế là vì đông nhưng chưa đủ. Nhưng như thế cũng đã là trên cả tuyệt vời rồi. Bạn bè học cấp 3 cùng nhau từ cuối những năm 1980, giờ ngồi đông kín một dãy bàn. Mong chi hơn.

Còn hơn một dãy số
Return to top